Chinh phục thiên nhiên đem nguồn nước đền những vùng đất khát

lat_t6-2015_chinh_phuc

Với địa hình vùng núi đá vôi và đá tai mèo, địa chất đa dạng nên quá trình khoan thăm dò rất khó khăn, phức tạp. Để đảm bảo mũi khoan hoạt động tốt thì cần phải có nước mồi. Đá tai mèo rất cứng nên mỗi mũi khoan tốn rất nhiều nước, thế nên đoàn phải chuyển nước từ thành phố Hà Giang lên (mỗi mũi khoan cần từ 2 – 5 xe nước). “Nước hút từ sông Nho Quế chở lên.Nước ít nên mỗi lần khoan phải tính toán kỹ càng, khoan đi khoan lại, vừa khoan vừa khống chế địa tầng nếu không sạt lở như chơi, còn chuyện vỡ mũi khoan, đứt cần khoan thì không phải là chuyện hiếm. Mỗi lần như thế phải “cứu” mũi khoan hàng tháng trời”, anh Đoàn Công Nga, kỹ sư khoan thăm dò khảo sát của liên đoàn cho biết.

Hơn 20 năm trong nghề, anh Nga cũng không nhớ nổi mình đã đặt chân đến bao nhiêu vùng đất khó khăn của Tổ quốc. Mỗi chuyến đi tìm nước thường mất vài tháng vì đa số các cuộc thăm dò, điều tra đều ở những nơi hang cùng ngõ hẻm, địa lý hiểm trở, xa xôi, từ miền núi đến hải đảo.

Với mỗi địa hình lại có khó khăn khác nhau, tìm nước ở vùng núi thì gian nan mà tìm nước ở hải đảo cũng rất vất vả. Có những khi gặp mưa bão, thuyền tiếp tế không ra kịp, cán bộ phải ăn lương khô hàng tuần liền, chưa kể đến việc di chuyển, thăm dò trên đảo cũng là vấn đề nan giải. Anh Nga kể, khi đoàn đi tìm nước ở đảo Thanh Lân (Cô Tô, Quảng Ninh), cả đảo có 3 mũi khoan nhưng cách xa nhau. Mỗi lần chuyển máy khoan là phải tháo hết máy móc rồi chuyển ra thuyền của người dân chở đi.Trung bình mỗi thiết bị nặng 2 – 3 tạ, phải làm cáng để 4 – 5 người khiêng. “Tháo máy đã 3 ngày, lắp máy cũng mất 3 – 4 ngày, nguyên việc chuyển máy 3 lần, anh em đã rất mệt. Trên đảo lại thiếu nước, mỗi ngày chỉ khoan được 1 hiệp, vừa khoan vừa chờ.Sau 3 tháng chúng tôi tìm ra được nguồn nước cho bà con và bàn giao cho xã”, anh Nga cho biết.

Chuyến đi nhớ đời với anh Nga là chuyến đi khảo sát ở Hòa Bình cách đây vài năm. Khi đó, đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ, đang trên đường chuyển quân về.”Trời mưa, đường đất lầy lội rất khó đi. Phanh của xe khoan lại kém nên khi lên dốc cao, chúng tôi phải xuống chèn bánh xe cho xe đỡ bị trượt dốc. Khi đó tôi cầm chèn đứng bên vách núi, một người đứng ở tả li. Bất ngờ cục chèn trượt theo bánh xe, may mà tôi kịp bám vào sàn, trôi theo xe. Nếu khi đó không kịp phản ứng thì chắc đã bị nghiền nát rồi”, anh Nga rùng mình nhớ lại.