Chiến lược quản lý môi trường toàn lưu vực đầu tiên cho các giá trị môi trường sinh thái quan trọng Lưu vực sông Mê Công

Lưu vực sông Mê Công được công nhận là một lưu vực rất đa dạng về mặt sinh học (thứ hai trên thế giới chỉ sau lưu vực sông A-ma-zôn) với 12 tiểu vùng sinh thái đa dạng từ cao nguyên đến vùng ven biển, bao gồm các đầm lầy, sông suối ngầm và các hồ miệng núi lửa. Rừng, đất ngập nước, môi trường sống ven sông, ven biển và vùng ngập lũ cũng đóng vai trò quan trọng như tài sản môi trường chính, cung cấp các dịch vụ sinh thái quan trọng cho gần 70 triệu người dân ven sông ở Hạ lưu vực sông Mê Công (LMB).

Đa dạng sinh học sông Mê Công có vai trò sống còn liên quan đến an ninh lương thực, sinh kế, môi trường cũng như các giá trị về thẩm mỹ, văn hóa… cho cộng đồng người dân ở Hạ lưu vực sông Mê Công. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, việc gia tăng khai thác sử dụng nguồn tài nguyên nước chung và các xâm phạm vào các hệ sinh thái trong lưu vực đã gây ra những tác động tiêu cực nghiêm trọng đến tính bền vững, lâu dài về kinh tế, xã hội và sinh kế của người dân nơi đây.

Nhiệm vụ xây dựng Chiến lược Quản lý môi trường toàn lưu vực đối với các giá trị môi trường sinh thái quan trọng cho giai đoạn 2021-2025 (SBEM) là một trong những hoạt động chính được xác định trong Kế hoạch chiến lược của Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC) giai đoạn 2016-2020 nhằm mục đích ưu tiên bảo vệ các giá trị môi trường quan trọng và thúc đẩy các chiến lược tăng cường bảo vệ các giá trị môi trường này.

Kể từ năm 2017, hoạt động xây dựng SBEM đã tạo cơ hội thiết lập một nền tảng cơ sở ở cấp quốc gia, xuyên biên giới và khu vực cho các giá trị môi trường có tầm quan trọng sống còn với sự tham gia, hợp tác tích cực của các quốc gia thành viên là Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam cùng với Ban Thư ký, các chuyên gia và tổ chức quốc tế thông qua việc thực hiện các hoạt động tham vấn quốc gia và khu vực. Các hoạt động này đã được tổng hợp và ghi nhận trong ba báo cáo chính, cụ thể như sau:

Báo cáo thứ nhất, cung cấp bản kiểm kê giá trị môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia, xuyên biên giới và khu vực. Trong đó, đánh giá các nghiên cứu, chính sách, chiến lược và kế hoạch hành động hiện có trong quản lý tài sản môi trường ở Hạ lưu vực sông Mê Công.

Báo cáo thứ hai, thống nhất định nghĩa về các giá trị môi trường quan trọng trên cơ sở chỉnh sửa dựa trên các kết quả tham vấn trong khu vực và một danh sách cuối cùng về 12 giá trị môi trường có tầm quan trọng vùng Hạ lưu vực sông Mê Công.

Báo cáo thứ ba, là Báo cáo Chiến lược Quản lý môi trường toàn lưu vực đối với các giá  trị môi trường sinh thái quan trọng  (SBEM).

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà – Ủy viên Hội đồng Uỷ hội sông Mê Công quốc tế của Việt Nam cùng Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Phiên họp lần thứ 27 Hội đồng Uỷ hội sông Mê Công quốc tế
SBEM đã được thống nhất thông qua tại Băng Cốc, Thái Lan vào tháng 10 năm 2019, cùng các ưu tiên chiến lược và hành động ưu tiên để bảo vệ, phát triển và quản lý 12 giá trị môi trường quan trọng trong vùng Hạ lưu vực sông Mê Công sẽ được thực thi ở cấp độ quốc gia, xuyên biên giới và khu vực.

Bà Nguyễn Hồng Phượng, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cho biết: Đây là Chiến lược Quản lý môi trường toàn lưu vực đối với các giá trị môi trường sinh thái quan trọng của LMB và là một chiến lược 5 năm hướng tới tầm nhìn về một lưu vực sông thịnh vượng về kinh tế, lành mạnh về môi trường, công bằng về xã hội. Đây cũng là bước đầu tiên hướng tới việc tăng cường năng lực ở cấp khu vực và quốc gia để bảo vệ và quản lý 12 giá trị môi trường quan trọng trong vùng Hạ lưu vực sông Mê Công.

“SBEM được xây dựng từ các chính sách và chiến lược quốc tế, khu vực có liên quan nhưng là duy nhất về mục tiêu, định hướng chiến lược, ưu tiên, hành động và kết quả dài hạn với tầm nhìn 20 năm. Theo đó, các giá trị môi trường khu vực được quản lý, sử dụng, duy trì và bảo vệ một cách khôn ngoan nhằm hỗ trợ các dịch vụ hệ sinh thái giúp cho việc chia sẻ thông tin, dữ liệu vì chất lượng môi trường, xã hội và kinh tế tốt hơn ở LMB” – Bà Phượng nhấn mạnh.

Các hành động và ưu tiên chiến lược trong SBEM bao gồm: (i) rà soát 12 giá trị môi trường quan trọng để hiểu các đặc điểm của chúng và các giới hạn của sự thay đổi có thể chấp nhận được ở cấp khu vực để hỗ trợ quá trình ra các quyết định về quy hoạch vùng, chẳng hạn như Chiến lược Phát triển Lưu vực, nơi có các tác động xuyên biên giới tiềm ẩn; (ii) giới thiệu chương trình giáo dục truyền thông khu vực, quốc gia và địa phương nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giá trị môi trường quan trọng, các dịch vụ hệ sinh thái mà chúng cung cấp và nhu cầu thực hành quản lý bền vững để đảm bảo khả năng phục hồi liên tục của các khu vực này và khả năng thích ứng với thay đổi trong tương lai; (iii) đánh giá tất cả 12 giá trị môi trường quan trọng về an ninh lương thực và sinh kế bền vững mà chúng cung cấp trong lưu vực sông Mê Công để có thể đưa ra các quyết định quản lý đúng đắn, hợp lý;…

SBEM sẽ được xem xét và cập nhật 5 năm một lần, mở rộng để bổ sung tài sản theo thời gian và hướng tới việc quản lý các tài sản môi trường ở LMB. Tại Phiên họp lần thứ 27 Hội đồng Uỷ hội sông Mê Công quốc tế được tổ chức vào ngày 26 tháng 11 năm 2020 theo hình thức trực tuyến, Hội đồng Ủy hội đã thông qua SBEM để đưa vào thực hiện trong thời gian tới.