Châu Phi “khát nước”

tt119Với dân số dự kiến sẽ tăng lên 2 tỷ người vào năm 2050 và nhu cầu tăng mạnh để phát triển, châu Phi hiện đang đối mặt với nguy cơ “khát nước”.

Nhằm đối phó với thách thức trên, Hội đồng Bộ trưởng về tài nguyên nước châu Phi đã nhóm họp, đồng thời tổ chức “Tuần lễ về nước” Ethiopia vào cuối tháng 11 vừa qua, với chủ đề “Thách thức và cơ hội của nước và hệ thống y tế tại châu Phi”, trong khuôn khổ kế hoạch “Tầm nhìn châu Phi về nước”.

Châu Phi là lục địa khô thứ hai thế giới, chỉ sau Australia, mặc dù “Lục địa đen” có các con sông lớn như Congo, Nile, Niger… hay các hồ nước lớn như Victoria. Theo nghiên cứu của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (CEDEAO), các nước châu Phi mới chỉ tận dụng được 4% tiềm năng thuỷ lợi, so với 70% của các nước giàu và 80% ở châu Á. Hiện nay, có khoảng 14 nước châu Phi đang sống trong tình trạng thiếu nước và dự kiến 11 nước khác sẽ có chung số phận vào năm 2025.

Theo Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), châu Phi hiện có tất cả 1 tỷ dân, nhưng con số này có thể sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050, nếu mỗi năm châu lục này có thêm 24 triệu người. Dân số càng tăng, nhu cầu về nước sinh hoạt càng lớn. Theo các chuyên gia, vấn đề khẩn cấp lúc này đối với châu Phi là kiểm soát được những thách thức về nước và tăng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Việc làm chủ nguồn nước ở khu vực cận sa mạc Sahara đang phải đối mặt với 2 vấn đề chính là tích trữ và vận chuyển. Do vậy, châu Phi cần ưu tiên xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, với việc xây dựng nhiều đập chứa và hệ thống phân phối nước.

Một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) cho thấy châu Phi hiện rất thiếu vốn đầu tư, trong đó riêng ngành nước cần tới khoảng 11 tỷ USD trong tổng số tiền khoảng 45-60 tỷ USD đầu tư cho cơ sở hạ tầng mỗi năm. Theo AfDB, nguồn viện trợ phát triển và ngân sách quốc gia chắc chắn không đủ để bù đắp cho sự thiếu hụt tài chính này, do vậy châu Phi cần nhiều nguồn tài chính hơn nữa. Ngoài ra, “Lục địa đen” cần làm chủ và quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên nước cho ngành nông nghiệp và năng lượng. Châu Phi có thể thực hiện nhiệm vụ này nhờ các giải pháp công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường.

 

 

 

 

(Theo DWRM)