Hiện nay, cả nguồn nước mặt và nước ngầm ở Việt Nam đều suy thoái nghiêm trọng. Theo ông Lê Kế Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, nguồn nước ngầm chiếm 50% tổng lượng nước cấp sinh hoạt cho đô thị đang bị ô nhiễm nặng. Việc kiểm soát ô nhiễm nguồn nước ngày càng khó khăn khi nhà máy vẫn mọc lên với mật độ dày đặc, trong khi việc xử lý nguồn nước thải hầu như không được chú trọng.
Theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, ngưỡng khai thác tài nguyên nước được phép giới hạn trong phạm vi 30% lượng dòng chảy. Nhưng hiện nay, hầu hết các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã và đang khai thác trên 50% lượng dòng chảy, làm suy thoái nghiêm trọng nước trên các lưu vực sông lớn như sông Hồng, Thái Bình và sông Đồng Nai.
Để giải quyết các vấn đề nói trên, các chuyên gia nghiên cứu môi trường nước khuyến nghị cần lập hành lang bảo vệ nước, gồm hồ chứa thủy điện, thủy lợi; hồ tự nhiên, nhân tạo ở các đô thị, khu dân cư; hồ, ao lớn có chức năng điều hòa; đầm, đầm phá; sông, suối, kênh, rạch là nguồn cấp nước, trục tiêu nước… Tại các địa phương, UBND tỉnh sẽ chịu trách nhiệm cắm mốc chỉ giới và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, đồng thời quản lý chặt chẽ việc xả thải vào nguồn nước.
(Theo Monre.gov.vn)