Cần trang bị cho cộng đồng kinh nghiệm bảo vệ nguồn nước

Ngày 1/1/2013 Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) chính thức có hiệu lực, cũng là lúc hạn hán đang hoành hành ở nước ta và trên một phần ba cộng đồng dân cư không biết làm gì để bảo vệ sông ngòi…

Trung tâm con người và thiên nhiên hơn một năm trước khảo sát lấy ý kiến của 1.300 hộ dân tại 9 xã ở 3 tỉnh thành tại các lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình, sông La, sông Vu Gia, sông Thu Bồn xung quanh tác động của phát triển đối với sông ngòi, tài nguyên nước, ảnh hưởng tới sinh kế nhai. Chỉ 30% những bức xúc của người dân về vấn đề suy thoái sông ngòi được phản hồi. Trên 30% cộng đồng dân cư không biết làm gì để bảo vệ sông ngòi. Mà rõ ràng sông cạn, nước ô nhiễm, những người dân cận kề và phải phụ thuộc vào nước sông để sinh hoạt, tưới tiêu cây trồng là đối tượng bị chi phối nhiều nhất, bức xúc nhất.

Tại Hội thảo “Quản lý tổng hợp tài nguyên nước và tổ chức lưu vực sông” cuối năm 2012, nhấn mạnh một điểm mới của Luật Tài nguyên nước, ông Lê Hữu Thuần, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên Nước, Bộ Tài nguyên& Môi trường cho biết, đó là chủ các dự án khai thác, sử dụng tài nguyên nước, và cả xả nước thải vào nguồn nước phải lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, tổ chức, thậm chí cá nhân liên quan. Việc đưa nội dung này vào nhằm thực hiện chủ trương dân chủ hoá ở cơ sở, đề cao trách nhiệm của chủ đầu tư dự án, minh bạch thông tin về những tác động tiêu cực có thể gây ra ngay từ khi chuẩn bị thực hiện.

Các chuyên gia quốc tế cũng từng khuyên Việt Nam nên trang bị cho cộng đồng kinh nghiệm phản biện cũng như thúc đẩy cộng đồng tham gia bảo vệ nguồn nước. Cứu các dòng sông phải đẩy thành phong trào. Phải tạo được phong trào phục hồi các dòng sông bắt nguồn từ chính những người dân, đến các cấp chính quyền cùng các tổ chức xã hội dân sự, mạnh mẽ hơn nữa. “Thần nước” phải xuất hiện ở mọi nơi, phải cứu lấy các con sông, nếu không khó nói chuyện bảo vệ nguồn nước.

Biến đổi khí hậu khuấy động tài nguyên nước khiến Việt Nam sẽ có nhiều đợt hạn hán, lũ lụt hơn. Hạn hán kéo dài hơn, tồi tệ hơn. Nhiều khu vực nước ngọt cũng sẽ bị xâm nhập mặn, khả năng chống chọi với bão lũ giảm đi… Các chuyên gia đã liên tục cảnh báo. Được trang bị Luật Tài nguyên nước, cộng đồng dân cư không thể tiếp tục “không biết làm gì” để bảo vệ sông ngòi, trong khi nước ta có 2.360 sông và 26 phân lưu, hơn 7.000km đê sông và đê biển, rất nhiều các sông đều có đập dâng, hồ chứa thủy lợi, thủy điện…

Nhà nước và các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng dân cư hãy xiết chặt tay nhau hơn, khẩn cấp bảo vệ nguồn nước khi chưa quá muộn.

(Theo Monre.gov.vn)