Đây phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra từ ngày 25/1 đến 2/2/2021 với phương châm: “Đoàn kết – Dân chủ – Kỷ cương – Sáng tạo – Phát triển”.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội XIII
Phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng sáng nay 26.1, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban chấp hành Trung ương XII đọc báo cáo về văn kiện Đại hội XIII. Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến việc tập trung ưu tiên xây dựng đồng bộ thể chế phát triển, bảo đảm hài hoà giữa kiên định và đổi mới, kế thừa và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, văn hoá, xã hội; giữa tuân theo quy luật thị trường và đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, con người, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường; an ninh nguồn nước, giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữa độc lập, tự chủ với tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế…
“Thực sự coi trọng, phát huy hiệu quả và vai trò động lực của con người, văn hóa, của giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ trong phát triển đất nước”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.
Đề cập đến An ninh nguồn nước, PGS.TS Nguyễn Đức Khiển, Nguyên Giám đốc Sở KHCN và Môi trường Hà Nội đồng tình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu rất trúng và đúng với tình hình thực tế hiện nay. Bởi An ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập là vấn đề rất quan trọng, cấp bách, không chỉ ở Việt Nam mà còn mang tính quốc tế và khu vực, được nhiều quốc gia quan tâm, nỗ lực giải quyết. Ở Việt Nam, để bảo đảm an ninh nguồn nước, Quốc hội đã ban hành hành lang pháp lý với các đạo luật, như Luật Tài nguyên nước; Luật Thủy lợi; Luật Phòng, chống thiên tai… Bên cạnh các luật này, cần có giải pháp để quản lý tổng thể các ngành kinh tế sử dụng nước, nâng cao tính thích ứng của nền sản xuất, bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững…
Theo PGS. TS Nguyễn Đức Khiển, có 4 vấn đề quan trọng: Bảo đảm các hệ sinh thái nước ngọt, hệ sinh thái biển và các hệ sinh thái liên quan được bảo vệ và củng cố; Bảo đảm phát triển bền vững và ổn định chính trị; Mọi người dân đều được tiếp cận đầy đủ nguồn nước sạch với chi phí hợp lý; Các đối tượng dễ bị tổn thương sẽ được bảo vệ trước rủi ro từ những thảm họa liên quan đến nước.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Vinh Hà cho biết, qua khảo sát về nội dung này tại 14 tỉnh, thành phố Bắc Trung Bộ; duyên hải miền Trung; Nam Trung Bộ; đồng bằng sông Cửu Long; Tây Bắc cho thấy, có 8 thách thức với an ninh nguồn nước của Việt Nam:
Thứ nhất, đó là vấn đề thiếu nước do lượng phân bố không đều theo không gian và thời gian. Mùa mưa lũ thì nước nhiều gây lũ, lụt. Mùa khô thì hạn hán, xâm nhập mặn. Thiếu nước còn do phát triển kinh tế – xã hội, nhu cầu sử dụng tăng cao phục vụ cho cho mục đích phát điện, sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp; do quản trị nước còn hạn chế, chưa tích trữ được nước tại chỗ, chưa điều chuyển nước được từ nơi thừa sang nơi thiếu và do chưa sử dụng nước tiết kiệm.
Thứ hai, đó là tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đe dọa nguồn nước ngọt của các sông, nước dưới đất. Biến đổi khí hậu kéo theo hiện tượng thời tiết cực đoan làm gia tăng các loại hình thiên tai như bão, lũ, mưa lớn, hạn hán, xâm mặn, lượng mưa phân bố không đều trong năm, mùa khô kéo dài và mùa mưa lượng mưa tăng đột ngột; xâm nhập mặn, lũ ống, lũ quét, thay đổi lưu lượng dòng chảy… gây áp lực lên hệ thống thủy lợi, mực nước biển dâng cao, hạn chế diện tích canh tác.
Thứ ba, đó là vấn đề ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt. Do tăng dân số, phát triển kinh tế – xã hội nên gia tăng vấn đề xả thải vào nguồn nước các sông, suối. Hạn hán kéo dài dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn vào sâu hơn. Do đó, ảnh hưởng đến việc cấp nước sinh hoạt, sản xuất của nhiều địa phương. Điều này dẫn đến tình trạng có nước nhưng không sử dụng được hoặc sẽ phải tăng chi phí để xử lý nước; đồng thời, đặt ra vấn đề cần xây dựng các cống để trữ ngọt, ngăn mặn trên các hệ thống sông này.
Thứ tư, đó là nguồn nước phụ thuộc lớn vào nguồn nước sông quốc tế. Tuy Việt Nam có tới 3.500 sông, suối có chiều dài từ 10 km trở lên; có 13 lưu vực sông có diện tích lớn hơn 10.000km2 nhưng lại có 7 lưu vực sông liên quốc gia, phần lưu vực ở nước ngoài chiếm tới 71% lại ở khu vực đầu nguồn. Do đó, chúng ta chịu rủi ro về lượng nước, chất lượng nước rất lớn do các quốc gia thượng nguồn gia tăng các hoạt động thủy điện trên dòng chính sông Hồng, sông Mê Kông làm thay đổi lớn chế độ dòng chảy, lượng nước phù sa… Có thể nói, chúng ta gặp khó khăn trong việc chủ động quản lý, khai thác nguồn nước như tổng lượng dòng chảy, chế độ dòng chảy, nguồn phù sa, nguồn lợi thủy sản tự nhiên… chưa kể đến việc ứng xử của một số quốc gia ở thượng nguồn làm ảnh hưởng đến nguồn nước chảy vào Việt Nam. Khi cần thì thiếu nước, khi không cần thì lại thừa nước. Thực tế tình trạng xâm ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long có một phần là do nguyên nhân thiếu nước đầu nguồn.
Thứ năm, đó là khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn cho sản xuất, sinh hoạt của người dân, đặc biệt với địa bàn có điều kiện địa lý, điều kiện kinh tế – xã hội còn khó khăn.
Thứ sáu, đó là vấn đề mâu thuẫn trong sử dụng nước trên cùng lưu vực sông cũng như cho các mục đích sử dụng.
Thứ bảy, đó là vấn đề bảo vệ nguồn sinh thủy. Hiện nay, chất lượng và diện tích rừng đầu nguồn giảm, ảnh hưởng lớn đến khả năng giữ nước của các lưu vực sông; thêm vào đó, việc trồng rừng bằng cây công nghiệp, cây keo, bạch đàn, cao-su… cũng không có tác dụng trữ nước trên lưu vực.
Thứ tám, đó là hiệu quả sử dụng nước thấp, năng lực khai thác công trình thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu. Trữ lượng nước mặt khoảng 843 tỷ m3/năm nhưng phân bổ không đều trong lãnh thổ. Hiện, tổng lượng nước được khai thác, sử dụng là 80,6 tỷ m3/năm, chiếm chưa đầy 10% trữ lượng nước. Tuy nhiên, lượng nước này lại sử dụng chưa thực sự hợp lý và hiệu quả.
Hồ thủy điện Hòa Bình. |
Đối với an toàn hồ, đập, trong nhiều năm qua, chúng ta xây dựng gần 7.000 đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện; đã phát huy tốt vai trò trị thủy, cấp nước, cấp điện; phòng chống lũ; tạo tăng trưởng lớn cho các ngành kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân. Tuy nhiên, do đã được xây dựng từ nhiều năm nên trong số đó có tới trên 1.000 hồ, đập hư hỏng, xuống cấp; 200 hồ hư hỏng, xuống cấp nặng. Trong điều kiện thiên tai diễn biến bất thường như hiện nay thì nguy cơ mất an toàn là rất lớn. Đây cũng đang là một thách thức lớn của các cơ quan quản lý nhà nước, cả hệ thống chính trị trong quá trình phát triển, vừa phải bảo đảm cho khai thác, vận hành của đập, hồ chứa để bảo đảm mục đích phát triển kinh tế – xã hội; vừa phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho hạ du và ổn định cuộc sống của người dân.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, trong vòng 25 năm tới, trong bối cảnh dân số ngày càng gia tăng, trong đó 2/3 dân số của Việt Nam sinh sống tại ba lưu vực sông lớn là hệ thống sông Hồng – sông Thái Bình, sông Cửu Long và sông Đồng Nai. Dự kiến, nhu cầu khai thác sử dụng nước của người dân ở các khu đô thị sẽ tăng gấp đôi, tổng nhu cầu về nước vào mùa khô của Việt Nam sẽ gia tăng 32% vào năm 2030, căng thẳng nước sẽ xảy ra nghiêm trọng tại các lưu vực kinh tế trọng điểm (Bắc Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Đồng Nai).
Dự kiến một kịch bản xấu có thể xảy ra đến năm 2050 nước biển dâng cho toàn dải ven biển Việt Nam từ 21 đến 25 cm và đến năm 2100 từ 44 đến 73 cm, đó là chưa kể nước dâng do bão, thủy triều ven bờ, do sụt lún đất vì khai thác nước ngầm quá mức, có thể làm cho 10% đồng bằng sông Hồng, 15% đồng bằng sông Cửu Long, 14% Thành phố Hồ Chí Minh, 20 – 30% của diện tích tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hậu Giang, Cà Mau cuối thế kỷ này bị ngập nước, ảnh hưởng đến khoảng 20 triệu người dân và hàng trăm ngàn doanh nghiệp. Thực tế khảo sát tại tỉnh Cà Mau cho thấy, đây là vùng đất thấp, đa phần chỉ cao hơn mặt biển 0,5m, nhưng liên tục bị lún với tốc độ từ 1 đến 2cm/năm, cùng với nước biển dâng 1cm/năm thì chỉ sau 25 năm đa phần diện tích Cà Mau xấp xỉ mặt nước biển. Hiện tại, nhiều đoạn của Quốc lộ 1 hằng năm đều bị ngập do triều cường. Vấn đề kiểm soát mặn, giữ ngọt, ngăn nước biển dâng làm sạt lở bờ biển của suốt giải đất từ Tiền Giang đến Cà Mau, Kiên Giang đang trở lên cấp bách hơn bao giờ hết. Câu hỏi đặt ra là chúng ta sẽ “thuận thiên”, sống chung với ngập lụt, nước biển dâng hay tìm cách ngăn chặn nó, giữ đất bằng hệ thống đê, kè như Hà Lan thời gian qua.
Trước tình hình này, vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ, đập đang đặt ra cấp thiết, cần phải thay đổi tư duy trong quản lý và sử dụng nguồn nước một cách an toàn, hiệu quả là nội dung rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước cả hiện tại và tương lai.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết tại Hội nghị An ninh nguồn nước, hồ đập ngày 17.8.2020, chúng ta phải đặt ra mục tiêu đến năm 2045, khi nước ta trở thành nước công nghiệp có trình độ phát triển trung bình thì phải chủ động được nguồn nước ngọt, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước, bảo đảm chủ động tưới tiêu khoa học hiện đại cho 100% diện tích đất canh tác (hiện, có trên 11 triệu héc-ta đất canh tác, trong khi chúng ta mới tưới tiêu được 4,2 triệu héc-ta đất canh tác). Phải đáp ứng được nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn cho 115 – 120 triệu dân lúc bấy giờ, bảo đảm nước cho cả thành thị và nông thôn.
Theo tác giả Khánh Nguyễn, nêu một số quan điểm và phương châm chỉ đạo sau:
1.Phải đổi mới tư duy trong hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát đối với an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập, chống biến đổi khí hậu, coi đây là mục tiêu, nhiệm vụ tổng hợp, cấp bách, lâu dài, liên tục, thống nhất và xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, từ chính quyền đến doanh nghiệp và người dân trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước. An ninh nguồn nước và an toàn hồ, đập là nhiệm vụ tổng hợp vì phải kết hợp nhiều nhiệm vụ từ bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, giao thông, thủy lợi, thủy điện, kinh tế, tài chính; nên phải có sự chuẩn bị lâu dài vì không thể có nguồn lực để làm ngay mà cần phải phân kỳ đầu tư.
2.Phải coi nước là hàng hóa đặc biệt, phải thực hiện nguyên tắc thị trường, từng bước tính đúng, tính đủ giá dịch vụ nước sản xuất và sinh hoạt. Thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đối tác công – tư; phân kỳ đầu tư, có trật tự ưu tiên, cấp bách làm trước, lâu dài làm từng bước, khó làm trước, phải có đột phá để xử lý vấn đề khó.
3.Để chủ động nguồn nước không bị phụ thuộc bên ngoài, cần thực hiện phương châm 4 tại chỗ: sinh thủy tại chỗ; giữ nước tại chỗ; bảo vệ tại chỗ; điều hành, vận hành, phân phối tại chỗ. Sinh thủy tại chỗ là khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng bằng tập đoàn cây bản địa; giữ cho được và mở rộng, nâng cao chất lượng rừng đầu nguồn, là nơi sinh thủy; hạn chế trồng rừng kinh tế đối với các loại cây kém sinh thủy, hủy hoại và bào mòn đất đai. Đầu tư nghiên cứu khoa học – công nghệ, ứng dụng công nghệ lọc nước biển, nước lợ làm nước ngọt tại chỗ. Giữ nước tại chỗ là phải bảo vệ, giữ được các ao, hồ nhân tạo và tự nhiên; các con sông, kênh, rạch, mương có thể trữ được nước ngọt tại chỗ. Phải tăng cường công tác bảo vệ nguồn nước, ao, hồ, sông, suối chống ô nhiễm tại chỗ; từng địa phương, từng doanh nghiệp, từng người dân phải tự mình có ý thức bảo vệ và có chế tài xử lý đối với các hành động gây ô nhiễm môi trường. Điều hành, vận hành phân phối tại chỗ bảo đảm sử dụng nước an toàn, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, tránh chồng chéo, tránh ỷ lại, phải chủ động xử lý khi có tình huống theo quy chế vận hành.
4.Phải áp dụng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến; nghiên cứu khoa học kỹ thuật, công nghệ đáp ứng yêu cầu thực tế trên nền tảng của kỹ thuật số, tự động hóa, vật liệu mới, công nghệ sinh học, công nghệ bảo vệ môi trường, công nghệ thi công theo phương thức mới… để tổ chức thiết kế, thi công, quản lý và vận hành hệ thống công trình thủy lợi, quản lý nguồn nước, chất lượng nước.
5.Tăng cường quan hệ quốc tế với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực, ký kết và tổ chức thực hiện các hiệp định để bảo vệ môi trường, bảo vệ các lưu vực sông, phối hợp, điều hòa nguồn nước hợp lý, hạn chế ở mức cao nhất sự tác động của con người vào tự nhiên, làm phá hoại môi trường tự nhiên, nhất là đối với lưu vực sông Mê Kông, sông Hồng… Chỉ có tăng cường hợp tác quốc tế chúng ta mới có thể bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ, đập.
Để thực hiện được các mục tiêu, phương châm chỉ đạo trên, theo tác giả Khánh Nguyễn ,trong thời gian tới: Về ngắn hạn, trên cơ sở các đường lối, nghị quyết của Đảng, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật một cách đồng bộ, toàn diện bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ cho quản lý tài nguyên nước, thủy lợi, thủy điện, đê điều, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai; cần tiếp tục hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng nước, nhất là nước phục vụ cho sinh hoạt, cho sản xuất nông nghiệp (tuyệt đối tránh sử dụng nước không bảo đảm chất lượng, ô nhiễm nặng để dùng cho tưới tiêu đối với cây trồng); có quy định về hành lang thoát, xả lũ; vấn đề xây dựng các công trình, nhà cửa và cơ sở sản xuất ven sông, ven biển, nhất là những vùng dễ xảy ra lũ lụt và sạt lở đất.
Bên cạnh đó, cần tập trung rà soát, bổ sung xây dựng và phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch hệ thống thủy lợi quốc gia, hệ thống đê điều quốc gia, nhất là ở lưu vực sông Hồng, sông Cửu Long và khu vực miền Trung; khẩn trương bố trí nguồn lực và kinh phí để sửa chữa ngay 200 hồ, đập ở 33 tỉnh đang bị hư hỏng nặng; có kế hoạch 2 năm tới sửa chữa 1.000 hồ cần sửa chữa, bước đầu bố trí đưa vào kế hoạch 5 năm 2021 – 2025 những mục tiêu cấp bách, bố trí nguồn lực từ kế hoạch đầu tư công trung hạn nhằm thực hiện ngay các mục tiêu, cơ chế để bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập với một số nhiệm vụ cấp bách, cần thiết…
Về lâu dài, cần sớm xây dựng đề án phát triển và bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình Mục tiêu quốc gia về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập. Đồng thời, bố trí nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 để bước đầu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn đầu của chiến lược dài hạn.
Nâng cao trách nhiệm và tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý nhà nước về an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập, tránh chồng chéo; rà soát lại việc phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương về quản lý nguồn nước và an toàn hồ, đập (một số địa phương giao vừa qua cho cấp xã quản lý một số hồ, đập lớn là không phù hợp với khả năng quản lý của cấp xã).
Hoàn chỉnh việc xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước, giám sát hoạt động khai thác, quy chế vận hành các hồ, đập thủy lợi, thủy điện bảo đảm phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt và tiêu, thoát lũ.
Nghiên cứu, đề xuất các phương án thực hiện liên thông giữa các hồ, các công trình thủy lợi ở từng địa phương, tiến tới khu vực, vùng, miền và toàn quốc để có thể xây dựng mạng lưới thủy lợi quốc gia trong tương lai, để chủ động phân phối nước, đưa nước từ nơi thừa sang nơi thiếu, chủ động tiêu thoát nước, xả lũ, ngăn mặn, giữ ngọt. Nạo vét, khai thông, xây dựng các ao, hồ, đập, sông, suối, các kênh, rạch để có thể trữ nước ngọt, đồng thời có các cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư nhằm chống ô nhiễm, bảo vệ nguồn nước cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ môi trường.
Đi đôi với tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức cho người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị đối với vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập, cần nghiêm cấm việc san lấp ao, hồ, sông suối trái quy hoạch, có chế tài xử lý, nghiêm cấm các hành vi gây ô nhiễm, cản trở dòng chảy, làm hư hại, lấn chiếm khu vực bảo vệ hồ, đập, đê điều, phá hoại môi trường tự nhiên.
Thời gian tới, cần thực hiện một kế hoạch đầu tư dài hạn của ngân sách nhà nước đối với công tác bảo vệ nguồn nước, hệ thống đê điều, hệ thống thủy lợi, hệ thống cung cấp nước sạch; đồng thời, thực hiện cơ chế thị trường đối với giá dịch vụ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất theo nguyên tắc Nhà nước và nhân dân cùng làm, từng bước tính đủ theo quy định của Luật Thủy lợi về giá nước phục vụ sản xuất và đời sống, có lộ trình hỗ trợ hợp lý cho nông dân, cho hộ nghèo, hộ yếu thế theo xu thế giảm dần sự bao cấp của Nhà nước.
Khuyến khích hạch toán kinh tế, sử dụng nước có hiệu quả. Vấn đề sử dụng nước có hiệu quả cần đặt ra một cách quyết liệt khi hiệu quả sử dụng nước của chúng ta chỉ bằng 1/10 so với thế giới. Trước tình hình hiện nay, sử dụng nước có hiệu quả sẽ giảm áp lực tình trạng thiếu nước. Giải pháp sử dụng hiệu quả cần được tổ chức một cách tổng hợp bằng các biện pháp quản lý, biện pháp kinh tế, biện pháp kỹ thuật, khoa học – công nghệ, biện pháp tổ chức lại sản xuất.
Cần xây dựng một kịch bản ứng phó xâm ngập mặn, nước biển dâng với phương châm là chặn nước biển dâng, gắn với lấn biển không lùi, giữ cho được hình thể đất nước, các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền, đặc quyền kinh tế, quyền tài phán của Việt Nam.
Thực hiện phương châm sống chung với sự biến đổi của môi trường. Do đó, vấn đề quai đê, lấn biển, chống sạt lở bờ biển, ngăn nước biển dâng cần được tính toán và tiến hành ngay từ bây giờ; cần thực hiện liên tục hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm.
Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện tốt các hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông năm 1995 giữa Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan; Hiệp định về quy chế sử dụng nước dọc biên giới giữa Việt Nam, Campuchia; Công ước về luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy năm 1997; Hợp tác Mê Kông – Lan Thương./.