* Lũ lụt làm 27 người chết và mất tích
Theo tin của phóng viên thường trú tại các tỉnh miền Trung: Tính đến ngày 18/11, mưa to lũ lớn đã làm 20 người chết (Quảng Trị 1, Thừa Thiên Huế 7, Quảng Nam 5, Quảng Ngãi 5 và Bình Định 2 người); có 7 người mất tích (Thừa Thiên Huế 2, Quảng Nam 3, Quảng Trị 1 và Bình Định 1 người). Nhờ lượng mưa giảm đáng kể nên tình trạng ngập lụt tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi giảm dần; tỉnh Quảng Trị đã hết ngập, giao thông đi lại bình thường. Thừa Thiên Huế diện tích ngập lụt trên địa bàn đã giảm, còn 11.336 hộ bị ngập. Các tuyến Quốc lộ 1A và quốc lộ 49B đã thông xe bình thường. Một số tỉnh lộ và huyện lộ vẫn còn bị ngập.
Các địa phương trong tỉnh Quảng Nam đã tổ chức sơ tán 8.346 hộ với khoảng 30.000 khẩu, tập trung ở các huyện bị ngập sâu như: Nông Sơn, Điện Bàn, Đại Lộc…hình thức sơ tán chủ yếu là xen ghép tại chỗ. Công tác sơ tán được thực hiện an toàn theo phương án đã chuẩn bị từ trước. Tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo và tổ chức di dời, sơ tán đến nơi an toàn 1.857 hộ/7.795 khẩu (Huyện Bình Sơn: 1.643 hộ/7.000 khẩu ở vùng ngập lũ; huyện Tây Trà: 23 hộ/106 khẩu ở vùng có nguy cơ cao sạt lở núi; huyện Nghĩa Hành: 103 hộ/360 khẩu ở vùng bị ngập lũ; huyện Sơn Tịnh: 20 hộ/100 khẩu ở vùng ngập lũ; huyện Trà Bồng: 16 hộ/48 khẩu ở vùng có nguy cơ sạt lở núi; huyện Mộ Đức: 36 hộ/99 khẩu ở vùng bị ngập lũ; huyện Phổ Đức: 16 hộ/64 khẩu ở vùng bị ngập lũ). Một số nơi hiện vẫn bị chia cắt như huyện Sơn Tây, huyện Tây Trà, 4 xã thuộc huyện Trà Bồng (Trà Lâm, Trà Bùi, Trà Hiệp, Trà Tân), 5 thôn thuộc huyện Tư Nghĩa (thôn Lai Châu, các Nghĩa Trung; thôn An Đại 3, xã Nghĩa Phương; thôn Thế Bình, xã Nghĩa Hiệp; thôn An Bàn, thị trấn Sông Vệ). Trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có khoảng 2.000 hộ bị ngập sâu từ 0,5m đến 1,0m (huyện Hoài Ân 1.600 hộ, huyện An Lão 400 hộ). Tỉnh đã di dời 65 hộ dân thuộc xã An Hòa, huyện An Lão ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Lũ trên các sông ở Phú Yên, Khánh Hòa đang tiếp tục lên, các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định tiếp tục xuống. Hầu hết các hồ chứa trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định đã tích đầy nước, nước đã qua tràn, hiện các hồ vẫn an toàn. Một số hồ chưa lớn đang xả lũ theo quy trình. Tình trạng ngập lụt tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi giảm dần. Tuy vậy, các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa vẫn cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ven sông và ngập lụt sâu ở vùng trũng, đồng bằng hạ lưu các sông, suối.
Ngày 17/11, tại Văn phòng Ban Chỉ đạo PCLBTW, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì buổi họp giao ban trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương với Ban chỉ huy PCLB&TKCN các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định để chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương triển khai ngay các công việc cấp bách (di dân khẩn cấp tại những khu vực sạt lở, ngập sâu, xử lý sự cố hồ chứa để đảm bảo an toàn); rà soát phương chân “4 tại chỗ” để chủ động đối phó với mưa, lũ lớn đang xảy ra tại các tỉnh miền Trung; huy động mọi lực lượng, tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin đầy đủ đến nhân dân về tình hình mưa, lũ, ngập lụt để chủ động phòng tránh; các Bộ, ngành và địa phương, theo chức năng nhiệm vụ, tổng hợp tình hình thiệt hại, đánh giá và đề xuất nhu cầu hỗ trợ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải có báo cáo nhanh về tình hình thiệt hai do mưa, lũ và công tác khắc phục hậu quả tại các tỉnh miền Trung. Trung tâm Quốc gia nước sạch và VSMT – Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ khẩn cấp 200.000 viên hóa chất xử lý nước Aquatabs cho tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Việt Nam Airline). Các Bộ Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải, Y tế tiếp tục duy trì lực lượng, phương tiện và phối hợp với chính quyền địa phương triển khai công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương thường xuyên cập nhật diễn biến của mưa lũ tới các tỉnh miền Trung để chủ động chỉ đạo đối phó.
Các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định đã triển khai thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại buổi họp giao ban trực tuyến. Cụ thể: Lãnh đạo UBND tỉnh, thường trực BCH PCLB&TKCN tỉnh Quảng Trị đã trực tiếp xuống cơ sở để kiểm tra, chỉ đạo công tác triển khai phương án phòng, chống mưa, lũ. Ban chỉ huy PCLB&TKCN các địa phương, đơn vị đã triển khai các phương án phòng, chống mưa lũ, trong đó chú trọng đến việc bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đặc biệt là các hồ chứa, hồ đập nhỏ do địa phương quản lý.
Văn phòng thường trực BCH PCLB&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế thường xuyên nắm tình hình diễn biến của mưa lũ, tình hình mực nước các hồ chứa nước, thủy điện để có kế hoạch triển khai đồi phó. Lãnh đạo Ban Chỉ huy PCLB và TKCN, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đi kiểm tra tình hình để chỉ đạo hai hồ thủy điện Bình Điền và Hương Điền vận hành xả lũ theo quy trình, xả nước vào ban ngày, hạn chế xả nước về đêm để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du. UBND tỉnh đã phân bổ 30 nhà bạt các loại, 2.000 phao áo cứu sinh và 1.500 phao tròn cứu sinh do UBQG TKCN cấp năm 2010 cho các địa phương, đơn vị để chủ động trong phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, phân bổ 500 tấn gạo, 10 tấn mì tôm, 200 tấn giống, 10 tấn ngô và 3 tấn rau do Chính phủ hỗ trợ cho các địa phương khắc phục thiệt hại do các đợt lũ.
Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Ngãi đã có các công điện yêu cầu các địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp cấp bách phòng ngừa rủi ro, thảm họa cho nhân dân các vùng có nguy cơ cao bị ngập sâu, sạt lở đất. Lãnh đạo BCH PCLB&TKCN tỉnh đã cử các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc việc triển khai công tác PCLB&TKCN tại các địa phương. Tỉnh tổ chức họp khẩn cấp để tiếp tục chỉ đạo công tác triển khai công tác phòng, chống lũ; đồng thời rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại và tổ chức khắc phục trước mắt hậu quả do mưa lũ gây ra.
Trước diễn biến tình hình mưa, lũ, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Bình Định đã có công điện cho BCH PCLB&TKCN các Sở, ban, ngành, các huyện, thành phố chỉ đạo công tác đối phó với mưa, lũ. Các công việc cần tiếp tục triển khai. Do mưa lũ lớn và đổ về rất nhanh, tại huyện Hoài Ân đã có trên 1.600 ngôi nhà tại các xã Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây, Ân Mỹ, Ân Tín, Ân Đức, Ân Tường Tây, Ân Hữu và Ân Nghĩa bị ngập sâu từ 1,5- 2 m, trong đó đã có 3 nhà bị sập hoàn toàn. Ngay sau khi lũ về, lãnh đạo huyện Hoài Ân đã kịp thời tổ chức di dời được 50 hộ ở các xã Ân Mỹ và Ân Tín bị ngập sâu nhất đến nơi an toàn. Huyện đã tổ chức viếng thăm và hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 4,5 triệu đồng, cùng với một số nhu yếu phẩm cần thiết khác. Đồng thời tổ chức cứu trợ mì tôm và nước uống khẩn cấp cho các gia đình không thể nấu ăn được do nước lũ còn bị ngập sâu. Từ 14-17/11, thủy điện Bình Điền đã tiến hành xả lũ để đảm bảo an toàn cho đập, với lưu lượng xả lúc cao điểm là 1.337 m3/s và lúc hạn chế (vào ban đêm để tránh ngập lụt cho vùng hạ lưu) qua các van duy trì ở mức 650m3/s.
Các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình mưa, lũ để chủ động đối phó; rà soát phương châm “4 tại chỗ” chuẩn bị phù hợp và chủ động đối phó với mưa, lũ lớn; tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin đầy đủ đến nhân dân về tình hình mưa, lũ, ngập lụt để chủ động phòng tránh; tổ chức kiểm tra, rà soát việc chuẩn bị phương tiện, vật tư, lực lượng tại chỗ để bảo đảm an toàn cho các hồ chứa, nhất là các hồ chứa nhỏ, các hồ đang xả lũ theo quy trình. Các địa phương triển khai lực lượng hướng dẫn giao thông tại các khu vực bị ngập lụt, sạt lở; tổ chức khắc phục giao thông; tiếp tục huy động mọi lực lượng, phương tiện, vật tư để tập trung cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người mất tích; Chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường, huy động các lực lượng giúp dân ổn định đời sống, sản xuất tại những khu vực lũ đã rút.
(Theo Monre.gov.vn)