* Trong 5 năm gần đây, tỉnh Quảng Ngãi đã nỗ lực thực hiện Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng dân cư nông thôn, miền núi. Toàn tỉnh hiện có trên 80% số hộ nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Từ nguồn vốn được hỗ trợ và nhân dân đóng góp, toàn tỉnh đã xây dựng trên 15.700 nhà vệ sinh cho hộ gia đình, nâng tổng số hộ dân nông thôn có hố xí hợp vệ sinh lên 65%. Việc nhà nước hỗ trợ, nhân dân tự nguyện đóng góp đầu tư đã giúp nhiều vùng nông thôn giải quyết được nhu cầu nước sạch sinh hoạt.
Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2011 (từ ngày 29/4 đến ngày 6/5 hàng năm), Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền giữ gìn vệ sinh môi trường. Đồng thời tập trung duy tu, bảo dưỡng các công trình nước sinh hoạt, sử dụng nước sinh hoạt tiết kiệm trong các tháng khô hạn, phát động phong trào chăm sóc và trồng thêm cây xanh, giữ gìn cảnh quan môi trường nông thôn xanh-sạch-đẹp.
* Tỉnh Hòa Bình vừa thông qua đề án thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2011- 2015. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 90% dân số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 80% số hộ gia đình nông thôn sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; 65% số hộ có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh sẽ lồng ghép vốn từ các chương trình dự án khác để tăng nguồn lực đầu tư; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xã hội hoá công tác cấp nước và vệ sinh nôi trường nông thôn.
Trong 5 năm (2006 – 2010), Hòa Bình đã huy động các nguồn vốn hơn 210 tỷ đồng; trong đó huy động nhân dân đóng góp gần 6 tỷ đồng để xây dựng hàng ngàn công trình cấp nước sạch, nâng tỷ lệ số dân nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh từ 60% lên 80%, số hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 52%. Từ năm 2007 trở lại đây các công trình cấp nước tập trung cung cấp nước tới hộ gia đình bằng đồng hồ đã tạo điều kiện cho các ban quản lý công trình dễ quản lý, vận hành, bảo quản và thu phí; giá nước do chính quyền địa phương quyết định trên cơ sở được sự đồng thuận của người dân đã đem lại hiệu quả thiết thực, hạn chế tình trạng xuống cấp công trình nước sạch.
* Sáng 26/4, tỉnh Bình Định đã tổ chức mít tinh hưởng ứng tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan và nhân dân về trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng hợp lý nguồn nước sạch sinh hoạt hợp vệ sinh và bảo vệ môi trường sống ngày càng tốt hơn trong năm 2011 và những năm tiếp theo.
Toàn tỉnh hiện đã thực hiện được 120 công trình cấp nước tập trung, hàng trăm giếng khoan, giếng đào, góp phần nâng tỷ lệ dân cư nông thôn được cấp nước sinh hoạt trên 85,7%, gần 55% hộ gia đình vùng nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh để sử dụng; phấn đấu trong năm 2011 sẽ tăng lên 92% hộ dân được cấp nước sinh hoạt. Trong năm qua việc sử dụng hầm biôga để giảm ô nhiễm môi trường, khắc phục tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề, khu dân cư, tổ chức các hoạt động tham gia bảo vệ môi trường, thu gom xử lý rác, trồng cây, tiến hành xây dựng làng xã “xanh – sạch – đẹp”… đã mang lại hiệu quả.
Tuy nhiên công tác nước sạch và vệ sinh môi trường ở Bình Định còn gặp nhiều bất cập, nhất là ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa và các xã ven biển; nguồn nước còn bị ô nhiễm trong khi nguồn nước sạch còn thiếu chưa đưa về tận tay người sử dụng, đặc biệt trong mùa khô hạn, hơn 40% hộ dân vùng nông thôn chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh…
* Hiện nay, tại hầu hết các vùng nông thông trong tỉnh Cà Mau, bình quân 10 hộ thì có 1 hộ sử dụng nước giếng khoan tại nhà và chia sẻ cho những hộ lân cận. Đây là nguồn nước duy nhất để sản xuất và sinh hoạt đối với bà con nông dân nông thôn. Vào mùa khô hạn như hiện nay, 1 đôi nước ( 2 thùng ) giá 10.000 đ, dù rất rẻ nhưng đây cũng là nguồn thu quan trọng để phát triển kinh tế gia đình. Do vậy, hiện nay ở nông thôn có xu hướng khoan nước ngầm ngày càng nhiều. Thế nhưng, ai là người trực tiếp quản lý, kiểm tra xử lý vi phạm thì không rõ !
Căn cứ vào các quy định hiện hành, thì không ai được phép khoan nước ngầm nếu không được giấy phép của cấp có thẩm quyền. Nhưng do kỹ thuật khoan nước ngầm rất đơn giản, nhanh, chỉ cần chi phí khoảng 2 triệu đồng là khoan được 1 cây nước để vừa sử dụng, vừa để kinh doanh, nên trên địa bàn tỉnh mới xảy ra ” phong trào” khoan nước ngầm.
Giải thích nguyên nhân, ông Tống Lê Thắng, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Cà Mau cho biết, toàn tỉnh có thể có hàng ngàn cây nước khoan không có phép. Tuy nhiên, đây là một thực tế cuộc sống của người dân. Nhà nước khuyến khích dân dùng nước sạch, từ xưa đến nay dân nông thôn sử dụng nước từ các ao, đìa, không bảo đảm vệ sinh. Nay muốn sử dụng nước sạch thì chỉ có nước ngầm, trong khi đó thì chính quyền chưa đủ điều kiện để cung cấp nước sạch trên địa bàn nông thôn, từ nhu cầu thực tế trên nên người dân ào ào khoan cây nước, gây nguy cơ làm suy kiệt nguồn nước ngầm dưới lòng đất.
Trước tình hình trên, tỉnh Cà Mau cần sớm có giải pháp quản lý nước ngầm. Trong đó cần quy hoạch, phát triển các nhà máy nước ở những nơi dân cư tập trung, chợ nông thôn. Cung cấp nước sạch cho người tiêu dùng, tránh tình trạng khoan nước ngầm tràn lan như hiện nay.
(Theo Monre.gov.vn)