Cà Mau: Mỗi năm sụt lún đất hơn 2cm

Ngày 17/6/2013, tại TP.Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Đại sứ quán Na uy tại Việt Nam, đồng chủ trì Hội thảo “Kết quả dự án nghiên cứu giai đoạn 1- sự lún đất ở bán đảo Cà Mau”.

Tham dự hội thảo có khoảng 120 đại biểu đến từ Văn phòng Chính phủ, các Bộ, Ngành, chính quyền địa phương, các chuyên gia và tổ chức trong nước và quốc tế. Dựa trên sự hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Ngoại giao Na Uy, từ tháng 5/2012, Viện Địa kỹ thuật Na Uy (NGI) đã tiến hành khảo sát, thu thập thông tin liên quan đến sự sụt lún đất ở bán đảo Cà Mau. Qua báo cáo kết quảsơ bộ NGI cho rằng, ở tỉnh Cà Mau có thể bị sụt lún nghiêm trọng trên bề mặt xuất phát từ hoạt động bơm nước mặt của 109.096 giếng nước với tổng lượng nước được bơm là 373.000m3/ngày,nếu chia lượng nước khai thác được cho tổng diện tích của tỉnh Cà Mau (khoảng 4.350km2) thì kết quả là tốc độ lún hoặc sụt theo thứ tự là 1,9 đến 2,8cm/năm. Bên cạnh đó, cũng qua phân tích số liệu của NGI còn chỉ ra rằng, trong thời gian 15 năm trước (1998) đến thời điểm hiện tại tốc độ sụt lún mặt đất là từ 30 đến 80cm và theo dự báo trong vòng 25 năm tới, tốc độ sụt lún sẽ tăng lên từ 90 đến 150cm và 210cm trong vòng 50 năm tới…

 

 vv237

Tham dự hội thảo, ông Trần Tân Văn, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên Và Môi trường) cho rằng: Nếu lấy diện tích của tỉnh Cà Mau là 5.300km2 thay vì 4.350km2 như số liệu của NGI, thì tốc độ sụt lún (vẫn theo cách tính của NGI) là 1,56 đến 2,30cm/năm. Việc sụt lún ở tỉnh Cà Mau do nhiều yếu tố, bao gồm: Khai thác quá mức nước dưới đất; lớp đất xét yếu trên cùng có diện tích phân bố ít nhất 50km, vượt khỏi ranh giới tỉnh Cà Mau, nghĩa là nguồn bổ cập các tầng chứa đang được khai thác là theo chiều thẳng đứng qua các lớp đất đá; cấu tạo địa chất ĐBSCL gồm một số hệ tầng, một số tầng chứa nước ngăn cách nhau bởi các tầng cách nước và việc bổ cập cho các tầng chứa nước là từ xa đến chủ yếu theo chiều ngang; biến động đường bờ biển trên cơ sở phân tích ảnh viễn thám LANDSAT qua các thời kỳ 1989, 1999 và 2012 cho thấy bờ biển phía Đông liên tục bị xói lở, trong khi bờ biển phía Tây liên tục được bồi tụ… trong đó, nguyên nhân chính gây ra sụt lún đất có thể là khai thác quá mức nước dưới đất tập trung quanh cac bãi giếng. Thể hiện qua việc, tại tỉnh Cà Mau hiện có 109.096 giếng khoan, trung bình 20 giếng/km2, hút khoảng 373.000m3/ngày hay 3m3/ngày/giếng khoan. Với số dân toàn tỉnh 1.212.000 người (năm 2010), mức tiêu thụ trung bình 310 lít/ngày/người, lớn hơn rất nhiều so với trung bình hiện nay ở Việt Nam (khoảng 80 đến 120 lít/ngày/người)…

Để hạn chế việc sụt lún gây mất đất tại tỉnh Cà Mau, theo khuyến nghị của NGI thì, các nhà chức trách Việt Nam thông báo ở mức báo động cao nhất về mức độ nghiêm trọng tiềm tàng về vấn đề lún sụt; lắp đặt chương trình quan trắc sự lún sụt và áp lực nước ngầm nhằm xác định mức độ và phạm vi của vấn đề sụt lún; dừng hoàn toàn việc bơm nước ngầm trong khu vực này và tìm nguồn nước sạch khác; tất cả các Bộ ngành có liên quan của Việt Nam được khuyến khích trao đổi mạnh mẽ nhằm thúc đẩy việc trao đổi các dữ liệu và thông tin được coi là rất quan trọng để đối phó với tình trạng sụt lún và vấn đề mất đất được dễ dàng hơn.

(Theo Monre.gov.vn)