Trong những ngày cuối mùa khô, nước sông Serepok bị cạn, cũng là thời gian nhà máy đường tập trung sản xuất cao điểm. Nhà máy xả lượng nước chưa xử lý xuống dòng sông, gây ô nhiễm hiếm làm chết các loài thủy sinh trên dòng sông này. Riêng trong năm 2010, do nước thải công nghiệp của các khu công nghiệp đã gây ra 3 lần cá chết dạt trắng hai bên lòng sông này.
Hơn chục năm qua, sông Serepok đang bị ô nhiễm nguồn nước do cây rừng hai bên bờ sông bị chặt phá nhiều, thảm thực vật bị cạo trọc để lấy đất canh tác, làm cho xói lở rửa trôi đất, cát và phù cuốn xuống sông.
Thêm vào đó, việc một số nhà máy chế biến nông sản thực phẩm xây dựng gần sát bờ sông trực tiếp xả nước thải không qua xử lý xuống làm cho dòng sông có lúc bị ô nhiễm nặng đe dọa cuộc sống của các loài thuỷ sinh, ảnh hưởng đến cuộc sống của những người dân làm nghề chài lưới ven sông.
Tại địa bàn xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột, đang hình thành Khu công nghiệp Hòa Phú bên bờ phải sông Serepok với các cơ sở cơ khí, luyện thép, chế biến cà phê, chế biến nông sản, tổng kho ngoại quan…
Hiện nay, tại khu công nghiệp này vẫn chưa xây dựng cơ sở xử lý nước thải công nghiệp. Tuy số cơ sở sản xuất công nghiệp chưa nhiều, nhưng hàng này nước thải xả vào lòng đất và đi theo nước mưa trôi xuống dòng sông Serepok.
Đối diện với Khu công nghiệp Hòa Phú, nằm ở phía bên kia bờ sông là Khu công nghiệp Tâm Thắng (thuộc địa bàn xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) được xây dựng trước năm 2000 với nhiều cơ sở sản xuất đã đi vào hoạt động. Hằng ngày, các cơ sở công nghiệp vô tư xả nước thải xuống dòng sông Serepok gây ô nhiễm môi trường nước.
Những người dân chài lưới thôn 5, thôn 9, thôn 10 và Làng Thái (xã Hòa Phú) cho biết, do dòng sông thường bị ô nhiễm nguồn thủy sản bị hủy diệt nhiều, đã ảnh hưởng đến việc đánh bắt cá tự nhiên và việc nuôi cá lồng bè trên sông. Không ít người dân trước đây làm nghề đánh bắt cá, nhưng do nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, nay mất việc làm hoặc chuyển sang làm nghề khác./.
(Theo vietnam+)