Danh mục Dự án “Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam”, do Chính phủ Đức tài trợ vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Dự án nhằm tăng cường quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên nước dưới mặt đất tại Việt Nam nhằm phòng chống nguy cơ suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn dưới tác động của biến đổi khí hậu.
Dự án sẽ bổ sung các dữ liệu điều tra cơ bản về nước ngầm tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, sửa chữa và nâng cấp mạng quan trắc xâm nhập mặn tài nguyên nước dưới đất trong vùng Dự án (báo cáo hiện trạng, cơ sở dữ liệu, mô hình xâm nhập mặn, mạng quan trắc). Bên cạnh đó, tăng cường năng lực kỹ thuật về điều tra, đánh giá bảo vệ tài nguyên nước dưới đất cho các cơ quan tham gia Dự án (đào tạo nâng cao năng lực cán bộ và lắp đặt hệ thống trang thiết bị văn phòng thực địa); nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ tài nguyên nước dưới đất cho địa phương vùng Dự án. Đồng thời, tăng cường việc phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý, đối tượng sử dụng nước và các bên liên quan tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Về hạn mức vốn của Dự án, vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Đức 1,5 triệu Euro; vốn đối ứng của Việt Nam 91.100 Euro do Bộ Tài nguyên và Môi trường tự thu xếp.
Dự án được thực hiện từ năm 2015 – 2017. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ quản Dự án.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia chủ trì phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên Liên bang Đức (BGR) thực hiện.
Trước đó, Dự án “Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam” (IGPVN) đã được thực hiện từ năm 2009 trong khuôn khổ Chương trình hợp tác kỹ thuật giữa Chính phủ Đức và Chính phủ Việt Nam thông qua Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (NAWAPI), Bộ Tài nguyên và Môi trường và Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên Liên bang Đức (BGR). Trong hai giai đoạn đầu, Dự án đã thực hiện thành công tại 05 tỉnh thành (Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Quảng Ngãi, Sóc Trăng), đã góp phần tăng cường năng lực quản lý, quy hoạch, điều tra tài nguyên nước dưới đất và giảm thiểu sự suy giảm tài nguyên nước dưới đất ở Việt Nam, đồng thời mang lại lợi ích thiết thực cho người dân địa phương ở các tỉnh trong vùng hoạt động của Dự án.
(Theo monre.gov.vn)