Bình Thuận trước nguy cơ cạn kiệt và ô nhiễm tài nguyên nước

Nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống, quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của đất nước và của con người.

Những năm gần đây, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận còn nhiều hạn chế và chưa có sự  quan tâm đúng mức. Việc quản lý sử dụng tài nguyên nước còn thiếu chặt chẽ. Tình trạng thăm dò, khai thác nước không có quy hoạch, không xin phép. Một số tổ chức, cá nhân đã vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài nguyên nước và thực trạng này ngày càng diễn biến phức tạp, nguy cơ cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước, tác động xấu đến môi trường và đời sống của nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng phòng Tài nguyên nước và Khí Tượng thủy văn, thuộc Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết: Tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận phân bố không đều, trữ lượng thấp cho nên việc bảo vệ tài nguyên nước để sử dụng lâu dài đang là vấn đề mà chúng ta phải quan tâm. Về chất lượng, do quá trình phát triển kinh tế, nên lượng nước thải xả vào nguồn nước hầu hết chưa qua xử lý nên nguồn nước ngày càng kém .

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 37 nhà máy, trạm, hệ thống khai thác nước, nước mặt và nước dưới lòng đất và 81cơ sở khai thác nước mặt. Các công trình này đang hoạt động phục vụ như cầu phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương, nhưng tất cả đều không có hồ sơ bảo vệ môi trường và cam kết bảo vệ môi trường.

Việc khai thác tài nguyên nước đã phục vụ cho nhu cầu của nhân dân là rất cần thiết. Tuy nhiên việc khai thác nguồn nước phải có quy trình, có quản lý, phải có cam kết bảo vệ môi trường để sử dụng tài nguyên nước được lâu dài, bền vững.

Có thể nói, thực trạng này đã kéo dài nhiều năm, việc khai thác trái phép tài nguyên nước diễn ra tràn lan và phổ biến, nguy cơ làm suy thoái, cạn kiệt nguồn nước ngầm là không thể tránh khỏi.

Để chấn chỉnh và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực hoạt động tài nguyên nước, kiểm soát các hoạt động thăm dò, khai thác sử dụng tài nguyên nước, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã có Chỉ thị, chỉ đạo các ngành có liên quan, thực hiện những nội dung và cam kết bảo vệ theo Luật tài nguyên nước và Nghị định của Chính phủ nhằm đảm bảo khai thác sử dụng lâu dài, bền vững nguồn tài nguyên nước trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay việc quản lý, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền còn hạn chế đã dẫn đến tình trạng tài nguyên nước đang bị xâm hại nghiêm trọng.

 Điển hình khai thác và sử dụng trái phép tài nguyên nước ngầm, nước mặt, diễn ra thời gian gần đây là khai thác nước tưới Thanh long tại các trang trại có quy mô lớn trên các địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam. Khai thác nước dưới đất để kinh doanh bán cho người tiêu dùng, sản xuất nước đá, chế biến thủy sản. Đặc biệt, nguy cơ nhiễm mặn do cấp phép khai thác nước dưới đất tại các khu vực khai thác khoáng sản Titan.

Một số công trình, nhà máy sử dụng nguồn nước mặt, phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt chưa chấp hành nghiêm túc các quy định của Pháp luật về kiểm soát chất lượng nước sinh hoạt, nước ăn uống để đảm bảo sức khỏe cho người dân. Công tác quản lý của một số ngành và địa phương còn buông lỏng trong công tác quản lý.

Thực tế thấy rất rõ, trước tốc độ công nghiệp hoá, đô thị hoá và sự gia tăng dân số đã tác động nặng nề đối với tài nguyên nước. Tại Bình Thuận, ô nhiễm tài nguyên nước đang diễn ra từng ngày bởi nhiều tác nhân khác nhau như: nước thải, khí thải và chất thải rắn của hàng trăm Công ty, cơ sở sản xuất công nghiệp. Những doanh nghiệp này khi đưa vào hoạt động đều có cam kết bảo vệ môi trường, trong quá trình hoạt động phải có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn.Trên thực tế đã có bao nhiêu doanh ngiệp thực hiện đúng cam kết này. Tuy nhiên, khi tiến hành kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện một số trường hợp có thiết bị xử lý chất thải nhưng không đưa vào sử dụng, chỉ dùng để đối phó với cơ quan liên ngành khi có kiểm tra .

Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh rất nhiều về tình trạng ô nhiễm môi trường nước sông Giêng chảy qua địa bàn huyện Hàm Tân, do các cơ sở chế biến nông sản nằm trên địa bàn xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai gây ra. Hậu quả kéo dài đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân xã Tân Đức, huyện Hàm Tân.

Điều đáng nói là tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Giêng và ô nhiễm không khí tại khu vực xã Tân Đức đã kéo dài từ năm 2008 đến nay. Nhân dân địa phương nhiều lần kiến nghị, nhưng tình trạng trên vẫn chưa được giải quyết, nhân dân địa phương rất bức xúc.

Ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng phòng Tài nguyên nước và Khí Tượng thủy văn, thuộc Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết thêm:     Nhiệm vụ của toàn xã hội cần phải chung tay bảo vệ và giữ gìn nguồn nước. Hiện nay, nước trong các hồ thủy lợi và nước ngầm, Nhà nước không thu tiền, do vậy tâm lý của người dân là tài nguyên nước không có giá và khai thác vô tư, do đó việc bảo vệ nguồn nước là không được xem trọng.

Nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng ô nhiễm tài nguyên nước tại tỉnh ta như: sự gia tăng dân số, mặt trái của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ sở hạ tầng yếu kém, lạc hậu, nhận thức của người dân về vấn đề môi trường còn chưa cao và sự bất cập trong hoạt động quản lý, bảo vệ môi trường nước.

Nhận thức của các cấp chính quyền, cơ quan quản lý, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm về nhiệm vụ bảo vệ môi trường nước chưa sâu sắc và đầy đủ; chưa thấy rõ ô nhiễm môi trường nước là loại ô nhiễm gây nguy hiểm trực tiếp, hàng ngày và khó khắc phục, đối với đời sống con người cũng như sự phát triển bền vững của đất nước.

Các quy định về quản lý và bảo vệ môi trường nước còn thiếu, cơ chế phân công và phối hợp giữa các cơ quan, các ngành và địa phương chưa đồng bộ, chưa có chiến lược quy hoạch, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên  nước./.

(Theo DWRM)