Biến đổi khí hậu khuấy động tài nguyên nước

tt866Biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam có nhiều đợt hạn hán, lũ lụt hơn. Hạn hán sẽ kéo dài hơn, tồi tệ hơn… Thế nhưng, hiện đang có trên 30% cộng đồng dân cư không biết làm gì để bảo vệ sông ngòi.

Vùng hạ lưu sông Mê Kông, mực nước biển sẽ dâng cao làm tăng ngập úng, ảnh hưởng tới diện tích đất nông nghiệp. Nhiều khu vực nước ngọt cũng sẽ bị xâm nhập mặn, khả năng chống chọi với bão lũ giảm đi…

Đây là cảnh báo của nhiều chuyên gia và cũng là chia sẻ của Ths Shana Udvardy – Giám đốc chính sách quản lí lũ lụt (Cơ quan quản lí sông ngòi Hoa Kì) tại hội thảo “Tổ chức xã hội dân sự: chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với BĐKH trong lĩnh vực tài nguyên nước” do Mạng lưới sông ngòi Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 25/8.

Dễ dẫn tới thảm họa

Một khảo sát của Trung tâm con người và thiên nhiên mới đây khi lấy ý kiến của 1.300 hộ dân tại 9 xã ở 3 tỉnh thành tại các lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình, sông La, sông Vu Gia, sông Thu Bồn xung quanh tác động của phát triển đối với sông ngòi, tài nguyên nước, ảnh hưởng tới sinh kế nhai thì chỉ 30% những phản hồi bức xúc của người dân với cơ quan quản lý về vấn đề suy thoái sông ngòi được phản hồi, trên 30% cộng đồng dân cư không biết làm gì để bảo vệ sông ngòi.

Trong khi đó, Việt Nam hiện có 2.360 sông và 26 phân lưu, hơn 7.000km đê sông và đê biển. Rất nhiều các sông đều có đập dâng, hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện… Cùng với đó là sự khai thác tài nguyên nước ở mức cạn kiệt đáng báo động,. Đơn cử riêng lưu vực sông Hồng (2010) lượng nước mùa khô sử dụng đến 83,5% lưu lượng đến trong khi ngưỡng an toàn là 30%. Lưu vực sông Đồng Nai quy định ngưỡng an toàn là 4000m3/người/năm thì hiện nay chỉ có bình quân là 2093m3/người/năm, thiếu 50%, ông Nguyễn Ty Niên, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão (bộ Nông nghiệp – phát triển nông thôn) nêu thực trạng.

Sông cạn, nước ô nhiễm, những người dân cận kề và phải phụ thuộc vào nước sông để sinh hoạt, tưới tiêu cây trồng là đối tượng bị chi phối nhiều nhất và bức xúc nhất.

Ông Niên cảnh báo: “Thiên tai và BĐKH có xu hướng ngày càng cực đoan, tài nguyên nước đang biến động không theo quy luật nào và có xu hướng dễ dẫn tới thảm họa”.

Tại hội thảo các chuyên gia bày tỏ mong muốn nhà nước và các tổ chức phi chính phủ siết chặt tay nhau hơn, khẩn cấp bảo vệ nguồn nước trước khi chưa quá muộn.

Cứu các dòng sông phải đẩy thành phong trào

Chia sẻ về kinh nghiệm phản biện cũng như việc thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong quản lý tổng hợp tài nguyên nước, ThS Shana Udvardy, cho biết, tại Mỹ năm 1935 đã có Đạo luật kiểm soát lũ lụt, 1956 đã có đạo luật kiểm soát ô nhiễm nguồn nước, 1960 đã có đạo luật Nước sạch Hoa Kỳ.

Chính phủ Hoa Kì chỉ thông qua dự án thủy điện sau khi có báo cáo đánh giá tác động môi trường đầy đủ, thuyết phục. Người dân được quyền lên tiếng phản đối nếu việc xây đập ảnh hưởng tới cuộc sống của họ. Từ kinh nghiệm này, bà Udvardy khuyên Việt Nam nên hoạch định dựa trên ranh giới lưu vực sông thay vì dựa trên ranh giới hành chính. Nhà nước có trách nhiệm đầu tư vào các công trình tưới tiêu tại các vùng thường xuyên bị hạn hán. Sử dụng phí cấp phép như một trong nhiều biện pháp gây quỹ cho các chương trình về tài nguyên nước.

Từ kinh nghiệm bảo vệ con sông, nguồn nước của quốc tế, các chuyên gia cũng bày tỏ, Việt Nam phải tạo được phong trào phục hồi các dòng sông được bắt nguồn từ chính những người dân, đến các cấp chính quyền cùng các tổ chức xã hội dân sự… mạnh mẽ hơn nữa. Phải cứu lấy các con sông, nếu không khó nói chuyện bảo vệ nguồn nước.

 

 

(Theo Bích Ngọc – baodatviet.vn)