Bảo vệ vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long: Tính toán toàn diện quy hoạch thủy lợi

Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 90.000km kênh, rạch là nguồn tưới tiêu chủ yếu của vùng
Hệ thống thủy lợi ở đồng bằng sông Cửu Long phục vụ đa mục tiêu cho cả sản xuất và dân sinh đang bộc lộ những bất cập khi khí hậu có những biến đổi khó lường, cùng sự khai thác nguồn nước quá mức. Cần có những tính toán căn cơ, toàn diện đối với hệ thống này để đảm bảo sản xuất cho vựa lúa của thế giới.
* Xung đột lợi ích
Vùng đồng bằng sông Cửu Long rộng hơn 3,9 triệu ha song hơn 1,9 triệu ha có lũ thường xuyên và lũ lớn, 1,4 triệu ha ven biển bị xâm nhập mặn; 1 triệu ha đất bị chua mặn ở vùng trũng và thiếu nước ngọt cho tưới tiêu, sinh hoạt theo mùa trên 2,1 triệu ha. Đó là những điều kiện khó khăn mà hệ thống thủy lợi gồm hơn 90.000km kênh và hơn 20.000 km đê sông, đê biển từ bao đời nay đang góp phần khắc phục.
Tuy nhiên, những xung đột lợi ích giữa các mục tiêu sản xuất, giao thông, nước sinh hoạt… cùng tác động của nước biển dâng, biến đổi dòng chảy trên thượng nguồn sông Mekong đã khiến hệ thống bị quá tải và cần phải điều chỉnh toàn diện.
Đơn cử như những tranh cãi trong việc quy hoạch thủy lợi để phát triển cây lúa và con tôm sú. Nếu đắp đê ngăn mặn để phát triển cây lúa ở Sóc Trăng thì nguồn nước mặn không về được một số huyện của tỉnh Bạc Liêu, khi đó con tôm sú không còn đường để phát triển và ngược lại. Hay việc cần duy trì lưu lượng dòng nước ngọt đẩy mặn ra biển trong mùa khô lại mâu thuẫn với nhu cầu nước tưới cũng trong mùa này cho hàng triệu ha đất canh tác.
Tổng hợp các nghiên cứu trong Chương trình hợp tác Việt Nam – Hà Lan được công bố mới đây đã chỉ ra một số vướng mắc cho hệ thống thủy lợi vùng này. Đó là thiếu nưới tưới do các trạm bơm, kênh, đập, cống chưa đồng bộ hóa. Xảy ra bồi lắng ở nhiều đoạn kênh vùng Đồng Tháp Mười làm giảm năng lực tưới tiêu. Đê biển vùng Bến Tre, Cà Mau không khép kín nên chỉ bảo vệ một phần diện tích đất canh tác trong đê. Hơn nữa, khi nước biển dâng cao, cần nâng cao hệ thông đê này.
Đối với kiểm soát mặn, các cửa cống có vai trò quan trọng. Tuy nhiên nhiều kênh không có cống. Ở một số cống lại có mâu thuẫn về sử dụng nưới ngọt cho nông nghiệp và nước lợ cho nuôi tôm. Hay vùng ven biển tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau, các cống chỉ có một cửa cho nước ngọt ra, không cho nước ngọt vào nên càng khó điều tiết cho hai lợi ích tôm – lúa.
* Đảm bảo phát triển đa mục tiêu
Viện Quy hoạch Thủy lợi đã chia đồng bằng sông Cửu Long thành 5 vùng thuỷ lợi (Đông Vàm Cỏ Đông; Tả sông Tiền; Tứ giác Long Xuyên; giữa sông Tiền – sông Hậu và bán đảo Cà Mau), bao gồm 23 tiểu vùng và 119 khu dự án.
Trong tương lai, mặn sẽ xâm nhập sâu vào đồng, vì vậy cần nghiên cứu lấy ngọt cho các hệ thống ngọt hoá như Nam Mang Thít, Bắc Bến Tre, Quản Lộ – Phụng Hiệp từ sâu phía thượng nguồn, hoặc nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Ở bán đảo Cà Mau, chuyển nước từ sông Hậu thông qua kênh từ Ô Môn trở lên, ngăn sông Cái Lớn – Cái Bé; lợi dụng thế triều cao đưa nước vào vùng bán đảo Cà Mau và kênh rạch, ô ruộng…
Phải bảo đảm an ninh dòng chảy kiệt là vấn đề mang tính chiến lược, vì thế các giải pháp nhằm gia tăng, tích trữ, ổn định nước ngọt trong mùa khô sẽ được xem xét ưu tiên.
Đó là các giải pháp kỹ thuật, còn căn cơ, các chuyên gia quy hoạch cho rằng, quy hoạch thuỷ lợi hoàn chỉnh cho khu vực này phải là hệ thống đa mục tiêu, phục vụ cho sản xuất và dân sinh. Quy hoạch phải dựa trên nền tảng thống nhất và hài hoà giữa mùa lũ và mùa kiệt, nước ngọt và nước mặn. Đồng thời cần phân cấp rõ ràng trong quản lý công trình thủy lợi để các hệ thống thủy lợi hoạt động đúng thiết kế. Nâng cao vai trò người dân trong tham gia quy hoạch, thiết kế, hoạt động dự án thủy lợi để công trình thực sự đáp ứng yêu cầu của người dân.

(Theo Monre.gov.vn)