Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết đối với sự sống. Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, vấn đề nước sạch được Đảng, Nhà nước, các tổ chức quốc tế đặc biệt quan tâm và liên tục được đề cập đến trong những năm gần đây. Cụ thể hóa vấn đề này, nước ta đã ban hành Luật Bảo vệ sức khỏe và Luật Tài nguyên nước cùng nhiều văn bản pháp quy hướng dẫn thực hiện việc cung cấp, bảo vệ nguồn nước, vệ sinh môi trường, chống ô nhiễm… nhằm tạo ra môi trường sống thật sự trong sạch.
* Ông cho biết các yếu tố tác động tiêu cực đến nguồn nước và môi trường sống?
– Do đời sống của người dân còn khó khăn, nhiều hộ gia đình ở khu vực nông thôn, miền núi chưa có điều kiện xây dựng các công trình vệ sinh; một số nơi nguồn nước ngầm từ các giếng khoan bị nhiễm mặn, phèn, trữ lượng nước ngầm bị suy giảm do khai thác quá mức… Các yếu tố này đã tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nước và môi trường sống của chúng ta. Ngoài những tác động của quy luật tự nhiên, quá trình sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân cũng đã tác động tiêu cực đến vòng tuần hoàn của nước, làm ảnh hưởng đến chất lượng và trữ lượng nguồn nước. Bên cạnh đó, áp lực về gia tăng dân số cũng gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, khô cạn nguồn nước.
* Nguồn nước và môi trường sống bị suy thoái, ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe con người, thưa ông?
– Nước và vệ sinh môi trường là hai yếu tố tác động trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng. Nước bẩn, không đảm bảo vệ sinh là môi trường lây lan lý tưởng của mầm bệnh, tác động xấu đến sức khỏe của con người. Do vậy, bảo vệ nguồn nước và môi trường là tự bảo vệ chính bản thân mình và cả cộng đồng. Vì thế, mọi người phải nêu cao ý thức cá nhân trong việc sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh để phục vụ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày; tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, đề cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và toàn dân trong công tác bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và môi trường. Để thực hiện được điều này, Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cũng đã đề ra mục tiêu 100% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh và nhà tiêu hợp vệ sinh vào năm 2020, nhằm từng bước cải thiện, nâng cao sức khỏe, điều kiện sống của người dân, góp phần thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo, đảm bảo các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
* Ông có thể cho biết những kết quả đạt được trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường triển khai trong thời gian qua tại Phú Yên?
– Từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cùng các nguồn vốn khác, từ năm 2001 đến nay, tỉnh Phú Yên đã đầu tư xây dựng trên 90 công trình cấp nước tập trung, trên 340 công trình cấp nước, vệ sinh trường học và trạm y tế. Ngoài ra, tỉnh còn lồng ghép nguồn vốn các chương trình 134, 135, tổ chức Đông Tây Hội Ngộ… đã đưa tỉ lệ người dân sống ở khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch lên gần 70% và 100% trạm y tế sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh. Nhờ vậy mà nước sinh hoạt, môi trường nông thôn được cải thiện, tạo sự chuyển biến về ý thức trong nhân dân. Tuy nhiên, tỉ lệ này còn thấp so với mức bình quân chung của cả nước và chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân trong tỉnh, nhất là người dân ở khu vực nông thôn, miền núi. Để đáp ứng nhu cầu trên, ngoài việc tiếp tục đầu tư các công trình nước sạch, các cấp, ngành liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ các công trình cấp nước, bảo vệ nguồn nước và môi trường sống xung quanh.
(Theo PHƯƠNG NAM – baophuyen.com.vn)