Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn: cần đặt vấn đề phòng ngừa, bảo vệ là chính

tt469Bảo vệ nước dưới đất là công việc hết sức phức tạp, đòi hỏi sự tham gia của các cấp và nhiều Bộ, ngành, và toàn dân. Nước dưới đất khi đã bị ô nhiễm, cạn kiệt, bị nhiễm mặn thì khôi phục nó là điều hết sức khó khăn và tốn kém về kinh phí. Vì vậy cần đặt vấn đề phòng ngừa, bảo vệ là chính.
Ở nước ta, trong sự phát triển kinh tế của đất nước, tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng. Tính tới cuối năm 2010 cả nước có 63 tỉnh thành phố, trong đó có 5 thành phố trực thuộc Trung ương: thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, TP. Hải Phòng, TP. Đà Nẵng, TP. Cần Thơ. Các thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh còn lại đều là những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của các tỉnh. Các thành phố, thị xã cũng là nơi tập trung các cơ sở công nghiệp và dân cư với mật độ dân số lớn. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 cho thấy Việt Nam hiện là nước đông dân thứ 3 Asean và thứ 13 trên thế giới. Kết quả tổng điều tra dân số cũng cho thấy, tỷ lệ tăng dân số ở khu vực thành thị vẫn ở mức cao. Dân số ở thành thị hiện chiếm 29,6% tổng dân số cả nước, tăng bình quân 3,4%/năm; trong khi tỷ lệ tăng dân số ở khu vực nông thôn chỉ là 0,4%/năm. Đông Nam Bộ là vùng có mức độ độ thị hóa cao nhất với dân số thành thị chiếm 57,1%; tiếp đến là vùng Đồng bằng Sông Hồng có mức độ đô thị hóa tương đối cao với 29,2% dân số sống ở thành thị.

Sự phát triển mạnh mẽ các đô thị ở nước ta dẫn tới nhu cầu sử dụng nước ngày một tăng. Theo thống kê sơ bộ, lượng nước khai thác sử dụng cho các đô thị từ vài trăm đến hàng trăm triệu m3/năm, trong đó khoảng 50% nguồn nước cung cấp cho các đô thị là được khai thác từ nước dưới đất, và hầu hết là các công trình khai thác nước dưới đất tại chỗ hoặc xung quanh khu vực đô thị. Tại Hà Nội, chỉ tính riêng công suất khai thác của các công trình khái thác nước tập trung, lượng nước khai thác đã vào khoảng 800.000m3/ng và toàn bộ là từ nguồn nước dưới đất (khoảng 300 triệu m3/năm); thành phố Hồ Chí Minh đang khai thác khoảng 500.000m3/ng (200 triệu m3/năm). Bên cạnh việc khai thác sử dụng nguồn nước dưới đất ở các đô thị là hàng loạt hoạt động phát triển sản xuất ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến giảm nguồn bổ sung trữ lượng nước dưới đất và làm biến đổi chất lượng nước theo chiều hướng ngày càng xấu đi.

Việc khai thác nước dưới đất để cung cấp cho các thành phố, thị xã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế của đất nước, nâng cao đời sống của nhân dân trong các đô thị. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác nước, đô thị hóa, phát triển đô thị đã nảy sinh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ như:

– Khai thác vượt quá trữ lượng có thể khai thác của nguồn nước, hoặc khai thác thiếu quy hoạch, không theo quy hoạch, thiếu đánh giá nguồn nước song vẫn khai thác làm suy giảm mực nước.

– Chưa xem xét đầy đủ vấn đề bảo vệ nước dưới đất khi xây dựng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và phát triển thành phố.

– Nhiều cơ sở sản xuất có phát sinh nguồn ô nhiễm được xây dựng không theo quy hoạch được bố trí ngay trong đới cung cấp cho nước dưới đất và trong phạm vi ảnh hưởng của công trình khai thác là nguy cơ lớn gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất.

– Lượng nước thải, rác thải ngày càng tăng song ở phần lớn các đô thị chưa có các hệ thống xử lý rác thải, nước thải. Rác thải, nước thải  chưa được thu gom tốt là nguy cơ ô nhiễm môi trường và nước dưới đất.

– Hệ thống tiêu thoát nước mưa, nước thải thiếu hoàn chỉnh, xuống cấp, dễ gây ô nhiễm nước dưới đất.

– Tốc độ đô thị hóa tăng, diện tích cung cấp từ nước mưa cho nước dưới đất bị thu hẹp do tốc độ đô thị hóa tăng, các vỉa hè được bê tông hóa, các hồ bị san lấp.

– Đặc biệt, gần đây hệ thống các lỗ khoan khảo sát địa chất công trình, xử lý nền móng công trình phát triển mạnh là con đường dễ gây ô nhiễm nước dưới đất song chưa được quản lý.

Kết quả nghiên cứu, quan trắc tài nguyên nước dưới đất từ năm 1990 đến nay cho thấy, nguồn nước dưới đất ở một số đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu…đã có dấu hiệu nhiễm bẩn một số hợp chất nitơ ở các tầng chứa nước Holocen. Mực nước của các tầng chứa nước khai thác hạ thấp liên tục theo thời gian, điển hình như Hà Nội, mực nước tầng Pleistocen hạ thấp với biên độ 0,4m/năm; thành phố Hồ Chí Minh là 0,6m/năm; Cà Mau – 1m/năm.

Bảo vệ nước dưới đất là công việc hết sức phức tạp, đòi hỏi sự tham gia của các cấp và nhiều Bộ, ngành, và toàn dân. Nước dưới đất khi đã bị ô nhiễm, cạn kiệt, bị nhiễm mặn thì khôi phục nó là điều hết sức khó khăn và tốn kém về kinh phí. Vì vậy cần đặt vấn đề phòng ngừa, bảo vệ là chính.

Bảo vệ tài nguyên nước nói chung và nước dưới đất nói riêng khỏi bị ô nhiễm, cạn kiệt để có thể khai thác lâu dài chúng phục vụ cấp  nước cho ăn uống sinh hoạt và các nhu cầu khác của nền kinh tế, nhất là để cấp nước cho các đô thị là vấn đề được nhà nước hết sức quan tâm, chính vì vậy trong Luật Tài nguyên nước đã dành cả chương II  để quy định về Bảo vệ tài nguyên nước.

Để bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị cần phải có chương trình và giải pháp toàn diện về mọi mặt, trước hết cần hiểu biết về sự phân bố không gian của các tầng chứa nước, sự phân bố của các loại nước, trữ lượng và chất lượng của chúng để có các quy hoạch khai thác sử dụng nước một cách hợp lý; các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch mở rộng phát triển đô thị, phát triển các khu công nghiệp, quy hoạch các công trình vệ sinh môi trường, như bố trí bãi thải, nghĩa trang,…, phát triển giao thông cần phải được tính toán, xem xét để không gây ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước./.

(Theo DWRM)