Bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Cầu – nhiệm vụ cấp bách của Vĩnh Phúc

Hiện nay, mỗi năm Vĩnh Phúc sử dụng tới 564 triệu mét khối nước trong lưu vực sông Cầu để phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và cung cấp toàn bộ nước cho nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, nguồn nước của lưu vực sông Cầu còn phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho cả thành phố Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên… Vì vậy, bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Cầu đang là nhiệm vụ cấp bách của Vĩnh Phúc.
Sông Phan, sông Cà Lồ là hai con sông lớn của Vĩnh Phúc có chiều dài 65 km, chiếm tới hơn 60% diện tích của tỉnh, tham gia hòa vào lưu vực nước chung của sông Cầu. Hai con sông này có vai trò rất quan trọng, tác động trực tiếp đến chất lượng nước sông Cầu – nguồn cung cấp nước quan trọng cho cộng đồng dân cư phía hạ lưu các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, hiện nay dòng sông Phan – Cà Lồ đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do phải tiếp nhận nhiều nguồn thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn từ các khu dân cư đô thị, các bệnh viện, cơ sở y tế, các cơ sở sản xuất, các khu vui chơi giải trí, dịch vụ thương mại và các hoạt động dân sinh khác…  
Để hạn chế, giảm thiểu việc gây ô nhiễm vào lưu vực sông Cầu, Vĩnh Phúc đã hoàn thành hệ thống cơ chế, chính sách hợp lý nhằm khai thác, bảo vệ nguồn nước, môi trường sinh thái lưu vực sông Phan-Cà Lồ; thiết lập mô hình quản lý môi trường lưu vực phù hợp để khai thác, sử dụng và phát triển bền vững môi trường sinh thái, duy trì cân bằng nước phục vụ có hiệu quả các nhu cầu kinh tế – xã hội, đảm bảo công bằng cho mọi đối tượng sử dụng thành phần môi trường. Từ nay đến năm 2015, tỉnh có kế hoạch đầu tư hàng trăm tỷ đồng cải tạo các khu vực, đoạn sông thuộc lưu vực bị ô nhiễm nặng; hoàn thành cơ bản việc cải tạo và nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước mưa, nước thải ở các đô thị và khu công nghiệp trên lưu vực sông Phan-Cà Lồ. Đồng thời, tỉnh tăng mức đầu tư cho hoạt động môi trường tại các xã, bố trí mỗi xã một cán bộ chuyên trách về môi trường, đưa Quỹ Bảo vệ môi trường đi vào hoạt động; thí điểm mô hình xử lý rác và các phế phẩm nông nghiệp sản xuất phân vi sinh; xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.
Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2015, toàn tỉnh có 80% các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc các huyện nằm trên lưu vực sông Phan-Cà Lồ được cấp chứng chỉ ISO 14001; 95% chất thải rắn và 100% chất thải y tế được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; khôi phục rừng đầu nguồn, kiểm soát ngăn chặn và tiêu diệt các loài ngoại lai xâm hại nhằm bảo vệ chất lượng môi trường nước và đa dạng sinh học; cải tạo 100% các hồ, đoạn sông trên địa bàn tỉnh đang bị suy thoái, đưa chất lượng nước tại các hồ đạt tiêu chuẩn cho du lịch và các sông đạt tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản. Tỉnh xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung tại 100% đô thị loại 3 trở lên; 80% số đô thị loại 4 và tất cả các khu công nghiệp, các cơ sở y tế cấp huyện trở lên; xây dựng hệ thống thoát nước mưa và nước thải sinh hoạt riêng biệt tại các đô thị lớn như thành phố Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên; 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải; phục hồi cải tạo trên 50% các khu vực khai thác khoáng sản, 60% các hệ sinh thái đang bị phá hủy. Tỉnh bảo tồn và sử dụng hợp lý hệ thống ao hồ, đầm ở các đô thị nhằm cải thiện cảnh quan môi trường, bảo vệ sinh thái và đa dạng sinh học, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế – xã hội lâu dài của tỉnh; đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất công nghiệp.
(Theo Monre.gov.vn)