Bài tham luận của TS.Phạm Khôi Nguyên, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng

TS.Phạm Khôi Nguyên, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đọc tham luận tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (Ảnh: TTXVN)
Ngày 13/1/2011, TS.Phạm Khôi Nguyên, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có bài tham luận tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Sau đây chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu này:

CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN NHANH, BỀN VỮNG

 

Kính thưa Đoàn chủ tịch,

Kính thưa Đại hội,

Trong xu thế đổi mới và hội nhập, những năm qua đất nước ta đã tạo được những xung lực mới cho quá trình phát triển, đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế – xã hội quan trọng, vượt qua tác động của suy thoái toàn cầu và duy trì được tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hằng năm cao, bình quân 7,2%/năm, bảo đảm an sinh xã hội. Năm 2010 đã đánh dấu một mốc quan trọng: nước ta đã vượt qua ngưỡng nước nghèo, bước vào nhóm nước có mức thu nhập trung bình và đang đi vào thời kỳ của những chiến lược phát triển mới. Tuy nhiên, nước ta vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó có vấn đề suy thoái môi trường gay gắt và nhiều hậu quả của biến đổi khí hậu khôn lường. Tình trạng suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, mà nước ta là một trong số ít nước chịu tác động nặng nhất, có thể sẽ là những biến số quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước trong những thập niên tới.

Để góp phần thảo luận tại Đại hội và đề ra các giải pháp về bảo vệ môi trường, tôi xin trình bày tham luận về những vấn đề đặt ra đối với “Công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”.

 

Kính thưa Đại hội,

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết lần thứ X của Đảng, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đã được hoàn thiện một bước. Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về môi trường được tăng cường. Tổng cục Môi trường được thành lập; lực lượng cảnh sát môi trường được hình thành; Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực các sông lớn, tổ chức quản lý môi trường ở các Bộ, ngành và địa phương, nhất là Chi cục Bảo vệ môi trường được thiết lập, bước đầu hoạt động có hiệu quả. Nhìn chung, các điều kiện cơ bản, thiết yếu làm tiền đề, tạo thế và lực cho công tác bảo vệ môi trường thời gian tới đã được đáp ứng.  

Ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong xã hội được nâng cao. Nhiều vụ việc lớn, nhiều vấn đề môi trường bức xúc, kéo dài được giải quyết dứt điểm, trường hợp VEDAN là một ví dụ. Các giải pháp bảo vệ môi trường trong các dự án phát triển kinh tế – xã hội đã được quan tâm đầu tư thực hiện. Đã xuất hiện một số mô hình đô thị xanh, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất xanh, mô hình kinh tế sinh thái. Các ngành, lĩnh vực đã huy động được nhiều nguồn lực, sự hỗ trợ của quốc tế và từng bước chủ động bảo vệ, cải thiện môi trường và ứng phó với biến đối khí hậu.

 

Kính thưa Đại hội,

Bên cạnh những thành tựu rất đáng khích lệ, chúng ta vẫn phải thừa nhận một thực tế là, chất lượng môi trường đang tiếp tục bị xấu đi và gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và đời sống của nhân dân. Ô nhiễm môi trường nước, không khí đang lan rộng, có nơi ở mức độ trầm trọng, không những tại các khu công nghiệp, khu đô thị dân cư đông đúc mà cả ở những vùng nông thôn. Tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức, thiếu sự kiểm soát. Nguồn nước mặt, nước ngầm nhiều nơi bị suy thoái, cạn kiệt; đa dạng sinh học tiếp tục bị suy giảm; biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã gây ra triều cường, lũ, lụt, mưa, bão với cường độ ngày càng lớn, diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Chúng ta chưa bao giờ thấy hiện tượng lượng mưa trong 3 – 4 ngày gần bằng lượng mưa của cả một năm như ở miền Trung nước ta trong năm vừa qua. Hằng năm, chúng ta phải hứng chịu hàng chục cơn bão, mưa lũ làm chết hàng trăm người, gây thiệt hại hàng chục ngàn tỷ đồng. Thành quả xây dựng và phát triển của địa phương trong nhiều năm chỉ sau một đợt thiên tai có thể biến mất nếu không dự báo đúng và có biện pháp ứng phó kịp thời. Những vấn đề nêu trên nếu không có giải pháp cấp thiết, thỏa đáng sẽ là lực cản lớn đối với quá trình phát triển kinh tế – xã hội, đe dọa nghiêm trọng sự phát triển bền vững của đất nước.

Nguyên nhân của tình trạng nêu trên có nhiều, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chính. Tư duy coi trọng tăng trưởng kinh tế, xem nhẹ bảo vệ môi trường vẫn còn phổ biến; phát triển kinh tế vẫn còn theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên; nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất còn sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; gia tăng dân số, đô thị hóa nhanh đang gây áp lực lớn lên môi trường. Trong khi đó, thể chế, chính sách về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững vẫn chưa theo kịp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Hệ thống tổ chức quản lý nhà nước vẫn còn nhiều bất cập, thiếu nhân lực, nhất là ở các địa phương. Đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cho bảo vệ môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu. Khâu tổ chức thực hiện còn nhiều yếu kém, còn thiếu cương quyết và chưa xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường.

Kính thưa Đại hội,

Phát triển nhanh, bền vững là yêu cầu cấp thiết trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Bảo vệ môi trường trong thời gian tới có ý nghĩa sống còn, là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải đổi mới tư duy, đổi mới cách làm và cần những giải pháp mang tính đột phá. Tôi xin phép đề xuất một số giải pháp để Đại hội thảo luận, cho ý kiến:

Thứ nhất: Chúng ta cần làm sâu sắc hơn và cụ thể hóa nội dung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường, tiếp cận mô hình “tăng trưởng xanh” đã được đề cập trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011-2020 và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội. Cần kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng năng lực nội sinh nhằm sử dụng và phát triển các công nghệ tiết kiệm tài nguyên, nguyên liệu, năng lượng, thân thiện với môi trường, phát triển kinh tế xanh. Vì đây là động lực chủ yếu để thúc đẩy quá trình cải cách và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước ta.

Chưa bao giờ chúng ta có cơ hội lớn như hiện nay để lựa chọn mô hình tăng trưởng bền vững hơn. Những bài học về xây dựng nền “kinh tế xanh” của các nước trên thế giới, đặc biệt là những nước đang phát triển rất có giá trị để chúng ta tham khảo.

Thứ hai: Đẩy mạnh cơ chế kinh tế hóa, chuyển đổi quyết liệt cơ chế nặng về “bao cấp”, “xin – cho” trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường sang cơ chế thị trường, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao hơn nữa sự đóng góp của ngành tài nguyên và môi trường trong nền kinh tế quốc dân. Tài nguyên thiên nhiên chỉ mang lại lợi ích to lớn cho đất nước khi chúng ta có kế hoạch khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững.

Khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, sử dụng công nghệ sạch. Hạn chế đầu tư vào các ngành tiêu hao nhiều năng lượng, không chấp nhận những dự án đầu tư công nghệ thấp, gây ô nhiễm môi trường. Thực hiện nghiêm pháp luật về bảo vệ môi trường và các giải pháp đồng bộ, chúng ta mới có thể xử lý được triệt để gần 4.000 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tiếp tục đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường cho hơn 1500 làng nghề, hơn 200 khu công nghiệp trên cả nước; kiểm soát được việc xả nước thải ra các lưu vực sông chính và khí thải tại các khu vực nhạy cảm; tránh biến nước ta thành bãi thải công nghệ của các nước phát triển. 

Thứ ba: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành, tiến tới xây dựng bLuật môi trường sửa đổi. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị Chính phủ cho phép đánh giá tác động của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 để ban hành bộ Luật về môi trường mới, rộng hơn, cụ thể hơn và khả thi hơn vào thời gian sớm nhất. Trước mắt, cần bổ sung, hoàn thiện các quy định và cơ chế quản lý về bảo vệ môi trường khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, cụm công nghiệp, làng nghề, các lưu vực sông, môi trường nông thôn, miền núi, biển và hải đảo.

Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường cần tiếp tục đẩy mạnh, đặc biệt, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước. Cần có sự phối hợp tốt hơn giữa các cấp, các ngành, phải coi nhân dân là “tai mắt” trong quá trình thanh tra, kiểm tra. Kết quả thanh tra, kiểm tra cần được công bố công khai, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết.

Thứ tư: Nghị quyết Đại hội XI của Đảng cần để lại dấu ấn quan trọng về công tác quy hoạch. Vấn đề môi trường, biến đối khí hậu và nước biển dâng phải được thể hiện rõ trong quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng vùng lãnh thổ, từng ngành, địa phương, trong từng dự án, với tầm nhìn dài hạn, thậm chí có những quy hoạch phải tính đến 50 năm, 100 năm tới. 

Theo dự báo, Việt Nam là một trong số những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Nhiều vùng ven biển, một phần lớn đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập nước biển trong tương lai. Theo Kịch bản biến đổi khí hậu tại Việt Nam, nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng trên 15.000 km2 tại đồng bằng sông Cửu Long bị ngập (chiếm 40% tổng diện tích), trong đó thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị ngập khoảng 470 km2 (trên 20% diện tích thành phố); 10-12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP. Thiên tai, bão, lũ, hạn hán sẽ gia tăng về quy mô và mức độ khốc liệt. Việt Nam là nước đã sớm xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Tới đây, cần sớm xây dựng Chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, theo hướng thích ứng để sống chung với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển kinh tế – xã hội và cuộc sống, an sinh của nhân dân.

Ở tầm chiến lược, chúng ta cũng cần nhận thức rõ vấn đề an ninh môi trường của nước ta trước những đe dọa nghiêm trọng bởi các yếu tố như: Biến đổi khí hậu; sự chênh lệch trong phát triển giữa các vùng; những mâu thuẫn phát sinh trong sử dụng tài nguyên thiên nhiên; cũng như vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới và sự xâm hại của sinh vật ngoại lai. Ngoài ra, nguồn nước của các dòng sông lớn bị khống chế từ nước ngoài, mức độ ô nhiễm các dòng sông tăng nhanh,… đều tác động đến an ninh nguồn nước và hậu quả chưa thể lường hết được. Vì vậy, an ninh môi trường nếu không được xử lý thỏa đáng sẽ gây tác động xấu đến mọi mặt kinh tế – xã hội của đất nước.

Thứ năm: Chúng ta cần tiếp tục kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về môi trường theo hướng hiện đại, đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ ngày càng phức tạp, nặng nề, đáp ứng yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó, tạo cơ chế phối hợp, hợp tác và huy động mọi thành phần kinh tế, toàn xã hội tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Lực lượng cán bộ quản lý môi trường ở nước ta mới chỉ khoảng 10 người/1 triệu dân, thấp xa so với các nước như Trung Quốc 20 người, Thái Lan 30 người, thậm chí Malaysia là 100 người. Việc tăng cường lực lượng cán bộ quản lý môi trường nói chung, đặc biệt là ở địa phương, cơ sở là hết sức cấp thiết.  

Chúng ta cần xây dựng văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường và tiếp tục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, phát huy tối đa vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể trong các phong trào về bảo vệ môi trường. Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký Nghị quyết liên tịch về việc phối hợp hành động bảo vệ môi trường với 8 tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể và sẽ tiếp tục đẩy mạnh sự phối hợp này trong thời gian tới. 

Thứ sáu: Nâng cao vai trò và huy động nguồn lực của cộng đồng trong nước; xây dựng một chiến lược vận động các nước, các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ Việt Nam ưu tiên giải quyết các vấn đề về môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nhằm tranh thủ các nguồn lực này phục vụ mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của nước ta. Vì vậy, các Bộ, ngành và địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để tiếp tục vận động, mở rộng hợp tác quốc tế. Là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới, nước ta đang cung cấp lương thực cho gần 90 triệu dân Việt Nam và hàng trăm triệu dân trên thế giới. Nếu biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất lương thực ở Việt Nam, sẽ ảnh hưởng lớn đến an ninh lương thực trên toàn thế giới.

Với nhận thức, quan điểm và các giải pháp đồng bộ nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương trong cả nước, quyết tâm thực hiện các mục tiêu về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu mà Đại hội lần thứ XI của Đảng đề ra; đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI thảo luận, thông qua Nghị quyết chuyên đề làm kim chỉ nam cho hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đất nước trong thời gian tới.

Xin chúc các đồng chí sức khỏe. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

 

Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí./.

 

 

 

 

(Theo Monre.gov.vn)