BÀI DỰ THI CUỘC THI “BÁO CHÍ VIẾT VỀ TÀI NGUYÊN & MÔI TRƯỜNG NĂM 2011”: Số phận những dòng sông Tây Nguyên – Bài 1: Sê – rê – pốc “hấp hối”!

Tàu hút cát thôn Quỳnh Ngọc (xã Ea Na, huyện Krôn Ana, Đắc Lắc) làm sạt lở sông.
Tây Nguyên có nhiều dòng sông hùng vĩ gắn liền với đời sống tinh thần và vật chất người dân nơi đây qua hàng trăm năm lịch sử như: Sê San, Sê-rê-pốc, sông Ba… Những năm qua, việc xây dựng quá nhiều nhà máy thủy điện, khu công nghiệp trên những dòng sông này đã làm chúng khô cạn và ô nhiễm nặng nề. Trong khi đó, những cánh rừng phòng hộ liên tiếp bị đốn hạ đã làm nguồn nước thêm khô cạn. Nếu không khẩn cấp có biện pháp bảo vệ, khai thác hợp lý, chắc chắn những dòng sông Tây Nguyên sẽ “qua đời” trong một ngày không xa.
Sông cạn, rừng mất là hình ảnh khó quên khi chúng tôi xuôi dòng Sê-rê-pốc. Đại ngàn Tây Nguyên đang “mắc kẹt” giữa 3 vấn đề lớn mà chưa có biện pháp giải quyết: Dòng chảy dân cư, khai thác tài nguyên và xây dựng thủy điện.

“Cát tặc” hoành hành

 Sê-rê-pốc được hình thành từ sông Krông Ana – sông mẹ (bắt nguồn từ đỉnh núi Cư Yang Sin, Đắk Lắk) và sông Krông Nô – sông cha (bắt nguồn từ đỉnh núi Nam Nung, Đắk Nông). Nhưng cả dòng sông cha và dòng sông mẹ cũng đang sạt lở vì nạn khai thác cát.

Vượt gần 20km từ huyện Cư Jút (Đắk Nông) vào xã Buôn Chóa (huyện Krông Nô), chúng tôi tìm về sông cha Krông Nô. Giữa cái nắng đổ lửa của mùa khô, “con ngựa sắt” gầm rú, ì ạch bò qua những triền dốc cao vút đưa chúng tôi đến trụ sở UBND xã Buôn Chóa. Ông Chu Văn Khoa, Chủ tịch UBND xã Buôn Chóa, buồn rầu nói: “Bao đời nay, hàng trăm hộ dân tại các thôn Ninh Giang, Nam Tiến, Thanh Sơn… trong xã sống nhờ vào phù sa của dòng sông Krông Nô. Là xã thuần nông, toàn bộ diện tích đất trồng bắp, trồng lúa bao quanh dòng sông. Nhưng đã 10 năm qua, dòng sông hùng vĩ bị “sa tặc” tàn phá nghiêm trọng. Bờ sông bị sạt lở, ruộng nương của người dân bị mất. Tính đến đầu năm 2011, hơn 100 ha đất bờ sông bị sạt lở”. Ông Khoa cho biết, mỗi ngày từ 3 giờ sáng đến 17 giờ chiều, hơn 50 tàu hút cát từ thôn Quỳnh Ngọc (xã Ea Na, huyện Krông Ana, Đắk Lắk) lại ngang ngược qua bờ sông ngoặm cát. “Xã đã báo cáo huyện và nhiều lần thực hiện các biện pháp hạn chế việc khai thác cát gần bờ sông nhưng gặp rất nhiều khó khăn do dòng sông Krông Nô là ranh giới hành chính xã Buôn Chóa và huyện Krông Ana”, ông Khoa bức xúc…

Trên phà qua sông Krông Nô, chúng tôi cập bến khai thác cát thôn Quỳnh Ngọc, xã Ea Na (huyện Krông Ana, Đắk Lắk). Hàng chục chiếc xe ben thi nhau vào bến chở cát làm con đường đất hơn 2km của thôn bụi bay mù mịt. Hàng ngày, tại đây lượng cát bị lấy đi khá lớn, tạo nên những hố rộng và sâu bên bờ sông, dẫn đến sự sụt lở, gây xâm thực bờ sông. Ngay gần bến, các hợp tác xã khai thác cát còn cho người đào thêm một đoạn mương dài hơn trăm mét để các tàu hút cát trú ngụ.

Xuôi theo tỉnh lộ 2 Đắk Lắk, tới một “điểm đen” khai thác cát trên dòng sông Krông Ana. Ngay dưới chân cầu Giang Sơn (nằm trên quốc lộ 27, nơi ngăn cách giữa huyện Cư Kuin và huyện Krông Bông) có khoảng 20 chiếc tàu, trọng tải mỗi chiếc từ 30 – 40 tấn, với hàng chục lao động ngang nhiên khai thác cát xây dựng trái phép. Việc khai thác lượng cát lớn gần sát chân cầu đã làm xói lở một diện tích khá rộng, khi mưa to, nước sông lên cao, chảy mạnh tạo thành dòng xoáy đe dọa công trình giao thông quan trọng này.

Cá chết hàng loạt 

Chúng tôi tới cầu 14 bắc qua sông Sê-rê-pốc. Phía thượng nguồn dòng sông cách đó chừng 2km, khu công nghiệp Tâm Thắng (Đắk Nông) khói bốc trắng trời và nước thải xả xuống dòng sông hàng ngày. Từ đầu năm 2010 đến nay, nước sông Sê-rê-pốc đã 3 lần bị ô nhiễm nặng, làm cho các loài cá tự nhiên chết trắng trôi dạt trên một quãng sông dài hơn 14km thuộc các xã Hòa Phú (TP.Buôn Ma Thuột), Ea Nhol (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) và Tâm Thắng, Ea Pô (huyện Cư Jút, Đắk Nông). Nhiều người dân ở xã Hòa Phú, Ea Nhôl, Tâm Thắng, Ea Pô đang đổ xô đi vớt cá chết dạt trắng hai bên bờ sông Sê-rê-pốc.

Anh Hà Ngọc Dư (thôn 9, xã Hòa Phú) tâm sự: “Tôi đánh bắt cá trên dòng sông này hơn 20 năm mà chưa thấy năm nào nó thối như thế. Nước sông ô nhiễm, cá chết và tôi phải bỏ nghề”. Anh Dư cho biết, trong 2 năm qua khi bơm nước tưới cà phê từ dưới sông lên, có nhiều chất bột trắng bám đầy trên lá cà phê.Ông Y Doan Niê, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú chia sẻ: “Chắc chắn sông Sê-rê-pốc ô nhiễm là do các nhà máy khu công nghiệp Tâm Thắng xả thải xuống sông, nhưng đơn vị nào xả thì chưa biết. Năm 2009, khi cá chết hàng loạt trên sông Sê-rê-pốc, xã đã đề nghị cấp trên kiểm tra nhưng chẳng nhận được hồi âm. Có lẽ đã đến lúc tỉnh cần phải lập đoàn thanh tra và ngăn chặn các cơ sở gây ô nhiễm để cứu lấy dòng sông này”.

Sẽ khô cạn

Dừng chân nơi cuối nguồn dòng Sê-rê-pốc chảy qua Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn. Tại đây, Công ty CP Điện Buôn Đôn (Đắk Lắk) đang xây dựng Nhà máy Thủy điện Sê-rê-pốc 4A. Nhà máy có công suất 64MW sẽ lấy nước xả trực tiếp từ kênh xả của Nhà máy Thủy điện Sê-rê-pốc 4. Sau đó, nước sẽ theo kênh dẫn dài khoảng 13km, được đào băng qua 3 xã Ea Wer, Ea Huar và Krông Na (thuộc vùng đệm của VQG Yok Đôn) tới gần hồ Cư Minh (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn), nơi sẽ đặt nhà máy phát điện. Từ đó, nước được xả xuống suối Cầu 19 (buôn Ea Ma, xã Krông Na) chảy xuống sông Sê-rê-pốc, cách nơi nhận nước khoảng 20km đường sông. Lượng nước từ Nhà máy Thủy điện Sê-rê-pốc 4 xả trực tiếp xuống sông Sê-rê-pốc chỉ còn lại 8,23m³/s, trong khi dòng chảy tự nhiên của sông là 220m³/s (tức là chỉ bằng 1/26 so với dòng chảy tự nhiên). Điều này khiến cả một đoạn sông Sê-rê-pốc dài khoảng 20km vào mùa khô sẽ cạn nước, có thể lội bộ qua một cách dễ dàng và điều đó tạo điều kiện cho lâm tặc qua sông chặt trộm gỗ và săn bắt thú rừng.

Trước đây, Cục Kiểm lâm đã có Công văn đề nghị tỉnh Đắk Lắk không nên xây dựng Nhà máy Thủy điện Sê-rê-pốc 4A theo phương án kênh dòng; phải điều chỉnh vị trí, quy mô và phạm vi nhà máy trên dòng Sê-rê-pốc; đồng thời cần chỉ đạo Công ty CP Thủy điện Buôn Đôn phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nhưng sau đó, Công ty này xây dựng Thủy điện Sê-rê-pốc 4A mà không điều chỉnh gì cả…

(Theo Bài & ảnh:Lữ Hồ)