Bắc Giang: Khó thu vốn đối ứng, công trình nước sạch dở dang

vv26Khó hoặc không thu được vốn đối ứng của người dân trong xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung diễn ra từ nhiều năm qua tại Bắc Giang.

Nắm bắt nhu cầu cấp thiết về nước sạch của người dân xã Đồng Việt (Yên Dũng-Bắc Giang), năm 2008, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nơi đây được khởi công xây dựng. Sau hơn 1 năm thi công, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng (tháng 5-2009), cung cấp nước ổn định cho gần 600 hộ dân trong xã.

Công trình có vốn đầu tư gần 5 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 80% còn lại là vốn đối ứng của người dân. Mặc dù có ý nghĩa xã hội lớn, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống người dân nhưng sau thời gian dài đưa vào sử dụng công trình vẫn chưa hoàn thành các thủ tục thanh quyết toán với nhà thầu. Nguyên nhân do chính quyền sở tại vẫn chưa thu được tiền đối ứng của người dân. Nhà thầu là Công ty VIWASEEN4, quận Thanh Trì (Hà Nội) nhiều lần gửi Công văn đề nghị chủ đầu tư thanh toán số tiền còn nợ hơn 700 triệu đồng.

Giải thích về vấn đề này, ông Trần Văn Quý, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (chủ đầu tư) cho biết: “Số tiền 700 triệu đồng chưa trả cho nhà thầu là phần vốn đối ứng của người dân chưa nộp nên chúng tôi không có tiền để trả cho nhà thầu. Phía nhà thầu cho biết, nếu tới đây không thanh toán họ sẽ đưa sự việc ra toà án kinh tế. Trước tình hình này, đơn vị đã nhiều lần gửi công văn đôn đốc xã, huyện thu tiền đối ứng nhưng vẫn chưa có kết quả”.

Theo lãnh đạo xã Đồng Việt, sở dĩ vốn đối ứng chưa thu được là do ban đầu khi triển khai dự án có hơn 1.300 hộ trong xã đăng ký sử dụng nước sạch. Căn cứ vào số lượng đăng ký thì số tiền người dân phải nộp hơn 1,3 triệu đồng/hộ. Vậy nhưng đến nay, toàn xã mới có gần 600 hộ sử dụng nước sạch nên số tiền bình quân mỗi hộ phải đóng bị đội lên, khó thu nên xã còn nợ nhà thầu. Ngoài ra, việc bàn giao nội dung này giữa Chủ tịch UBND xã nhiệm kỳ trước và người đương nhiệm vẫn chưa rõ ràng. Cùng đó, cán bộ phụ trách tài chính kế toán của xã cũng chuyển công tác chưa kịp bàn giao công việc cho người kế nhiệm. Để khắc phục tình trạng này, ông Trần Xuân Hồi, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Việt cho biết: “Thời gian tới, Thường trực UBND xã sẽ mời các cán bộ liên quan đến vấn đề này về bàn giao dứt điểm cho xã. Đồng thời thông báo cho các thôn vận động 100% hộ trong xã sử dụng nước sạch và xã sẽ trích một phần từ tiền thu phí nước sạch để trả dần cho nhà thầu”.

Việc không thu được tiền đối ứng ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ xây dựng nhiều công trình nước sạch khác. Ví như công trình nước sạch xã Xuân Cẩm (Hiệp Hoà) cơ bản hoàn thành các hạng mục chỉ còn lắp đồng hồ đưa nước đến hộ dân. Tuy nhiên khi nhà thầu đề cập đến việc nộp tiền đối ứng thì người dân gần như lờ đi. Hơn nữa, chính quyền xã nhiều lần hứa sẽ làm việc với chủ đầu tư, nhà thầu để giải quyết việc thu vốn đối ứng song gần đến ngày làm việc lại hoãn với lý do “bận nhiều việc”. Ông La Văn Lịch, thôn Cẩm Xuyên nói: “Bao giờ thấy nước chảy vào nhà, chất lượng nước bảo đảm tôi sẽ đóng tiền”. Vì việc thu vốn đối ứng của người dân không kịp thời, nhà thầu đã dừng thi công công trình gần 1 năm nay, vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ.

Hiện nay toàn tỉnh có 14 công trình nước sạch đã và đang thi công gặp khó khăn trong thu vốn đối ứng như: cụm thôn Nghẽo-Lãn Chè (Sơn Động), xã An Hà (Lạng Giang), xã Đèo Gia (Lục Ngạn)… Theo lãnh đạo xã An Lập (Sơn Động), chính quyền xã đang gặp khó khăn trước việc vốn Nhà nước cấp cho công trình đã được giải ngân nhưng phần vốn đối ứng từ dân chưa thu được đồng nào, mặc cho chủ đầu tư liên tục gửi thông báo yêu cầu xã chuyển tiền đối ứng để các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn tất các hạng mục.

Lý do của việc khó thu vốn đối ứng là do người dân còn trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, chính quyền sở tại chưa tích cực đôn đốc, sâu sát việc thu vốn đối ứng hoặc có tâm lý mặc kệ nhà thầu. Trong khi đó, theo quy định, chính quyền xã, huyện phải cam kết chủ động nguồn vốn đối ứng khi họ đăng ký tiếp nhận dự án. Nhưng trên thực tế không có công trình nào thu được vốn đối ứng đúng kế hoạch.

Để khắc phục tình trạng này, chính quyền huyện, xã  cần tích cực tháo gỡ  khó khăn thông qua việc tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức đúng về vai trò của nước sạch với sức khoẻ con người, từ đó tích cực tham gia, tự giác thực hiện nghĩa vụ nộp tiền đối ứng. Quy chế về quản lý, khai thác, sử dụng các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tới đây được đưa ra trình HĐND tỉnh để thông qua được cho là một giải pháp khắc phục một phần hạn chế này. Theo đó, tất cả các công trình nước sạch đều được đấu thầu xây dựng, quản lý. Chi phí xây dựng công trình không còn quy định mức cứng về vốn đối ứng của người dân là 10% như hiện nay mà khi người dân có nhu cầu sử dụng nước sạch sẽ đăng ký với nhà thầu, tuỳ theo điều kiện của từng hộ mà số tiền phải nộp khác nhau. Ông Trần Văn Quý, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn cho biết: “Quy chế mới mở ra hướng thu vốn đối ứng trong xây dựng công trình nước sạch. Ngoài ra, đây còn là điều kiện thu hút doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực này, góp phần khắc phục những hạn chế trong việc xây dựng công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh”.

 

 

 

 (Theo Monre.gov.vn)