Hiện nay, Bắc Giang chưa có một mô hình chung trong việc quản lý công trình nước sạch. Phần lớn các công trình này được giao cho hợp tác xã, chính quyền cơ sở quản lý… Khảo sát tại nhiều đơn vị cho thấy các mô hình trên chưa thực sự phát huy tác dụng do: Phần lớn tiền thu được từ kinh doanh nước chỉ đủ trả lương cho công nhân, không ít đơn vị phải lấy tiền từ nguồn thu khác để bù lỗ cho hoạt động kinh doanh nước. Việc quản lý và vận hành công trình nước sạch đòi hỏi trình độ kỹ thuật nhưng đội ngũ công nhân không được tập huấn thường xuyên nên xảy ra sai sót trong quá trình vận hành. Công tác duy tu, bảo dưỡng không được chú trọng dẫn đến công trình nhanh xuống cấp. Bên cạnh đó, thiết bị của công trình nước thường có giá cao nên việc thay thế thiết bị hỏng hóc, cũ nát rất khó khăn…
Thời gian qua đã xuất hiện những cách làm mới, hiệu quả cao như ở công trình nước sạch thị trấn Nhã Nam (Tân Yên), thị trấn Chũ (Lục Ngạn). Ưu điểm của cách quản lý mới là các công trình được giao cho một doanh nghiệp hội đủ các tiêu chuẩn kinh doanh nước sạch, đồng thời có một cơ chế hợp lý để doanh nghiệp cân đối thu chi, có lợi nhuận và nguồn kinh phí duy tu, sửa chữa, thay thế thiết bị khi cần thiết. Công nhân vận hành được tập huấn thường xuyên, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc bởi hoạt động này gắn liền với thu nhập của họ. Đây là cách làm cần được nhân rộng để bảo đảm sử dụng có hiệu quả các công trình nước sạch và cũng là sử dụng hiệu quả vốn của Nhà nước, nhân dân, nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn.
(Theo Monre.gov.vn)