Bắc Giang cấp nước sạch vùng nông thôn theo hướng bền vững

 Những năm gần đây, Chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (VSMTNT) ở tỉnh Bắc Giang đã đạt được những kết quả đáng kể, góp phần thay đổi môi trường, cải thiện đời sống và nâng cao sức khỏe nhân dân…

 
Kết quả bước đầu
Tỉnh Bắc Giang có ba con sông lớn chảy qua, với tổng chiều dài 347 km, có nước quanh năm. Ngoài ra, hệ thống ao, hồ, đầm, mạch nước ngầm, đặc biệt có hồ Cấm Sơn diện tích mặt nước 29 nghìn ha, dung tích hữu ích 227,5 triệu m3, lớn thứ tư toàn quốc. Lượng nước mặt, nước mưa, nước ngầm đủ khả năng cung cấp nước cho các ngành kinh tế và sinh hoạt. Ðây chính là thế mạnh của địa phương trong công tác khai thác nước sạch phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. Trong giai đoạn 2005-2010, tổng số người dân nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh trên địa bàn toàn tỉnh là 1.186.191 người, tăng 289.083 người so cuối năm 2005, tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng từ 64% lên 83,81%, trung bình tăng 3,96%/năm. Trong đó, số dân nông thôn được sử dụng nước sạch là 66,29%, tăng 22,3% so năm 2005. Giai đoạn này, tỉnh đã triển khai xây dựng 27 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên tổng số 42 công trình. Trong đó 39 công trình đầu tư bằng nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia về Nước sạch và VSMTNT, ba công trình đầu tư bằng nguồn vốn lồng ghép giữa chương trình 134, với tổng số vốn đầu tư hơn 152 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Ðức Hùng, phụ trách Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Trung tâm Nước sạch và VSMTNT Bắc Giang cho biết, việc áp dụng giải pháp công nghệ, kỹ thuật về cấp nước sạch phù hợp điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội của mỗi vùng nông thôn luôn bảo đảm nguyên tắc bền vững. Trong đó, ưu tiên cấp nước tập trung cho những vùng dân cư tập trung; đồng thời tìm kiếm các nguồn nước ổn định cho các vùng đặc biệt khó khăn như vùng thường xuyên bị hạn hán, lũ lụt, vùng núi cao, khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn nước bằng các loại hình công nghệ phù hợp từng nguồn nước cấp cho các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cũng như công trình cấp nước phân tán trên địa bàn. Ở các khu vực dân cư tập trung, có điều kiện về nguồn nước, tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư áp dụng loại hình cấp nước tập trung với các công nghệ gắn với xử lý, nhằm nâng cao chất lượng nước cấp cho nhân dân.
Hệ thống cấp nước hợp vệ sinh phục vụ cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh đang được sử dụng ba loại hình công nghệ như hệ thống cấp nước tập trung sử dụng nguồn nước ngầm thông qua các giếng khoan có trữ nước ổn định, được áp dụng ở các địa bàn không có nguồn nước mặt, như sông, suối, ao hồ. Ðối với công nghệ này chủ yếu sử dụng hệ thống dàn mưa và tháp làm thống, bể lọc và sử dụng hóa chất. Loại hình công nghệ thứ hai là sử dụng nguồn nước mặt, chủ yếu sử dụng nguồn nước từ sông Thương và sông Lục Nam nhằm lợi dụng địa bàn trung du và miền núi có độ dốc cao, khu xử lý thường được đặt trên đỉnh đồi thay cho sử dụng tháp nước có bể lọc và sử dụng hóa chất. Thứ ba là hệ thống cấp nước tập trung tự chảy áp dụng tại các huyện miền núi, nơi có nguồn nước khe suối ổn định, với đặc điểm địa hình đồi núi cao cho nên khu xử lý phần lớn được đặt ở vị trí bảo đảm cho nước có thể cấp đến các hộ dân trong vùng của các công trình.
 
Tăng nguồn vốn đầu tư gắn với đổi mới công tác quản lý
Chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch và VSMTNT được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã mang lại lợi ích  lớn về sức khỏe cho đông đảo nhân dân thông qua việc sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Việc học sinh thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh đã trở thành ý thức ở các trường học. Người dân nông thôn đã và đang hình thành thói quen sử dụng nước sạch bảo đảm vệ sinh. Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang sạch đẹp. Tuy nhiên, công tác cấp nước sạch cho người dân vùng nông thôn Bắc Giang cũng còn nhiều khó khăn và hạn chế. Theo Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMTNT của tỉnh, khó khăn lớn nhất hiện nay là cơ cấu vốn cho các mục tiêu chưa tập trung bảo đảm tối thiểu 30% vốn cho vệ sinh môi trường khu vực công cộng, trường học… Trong quá trình thực hiện còn bộc lộ nhiều khuyết điểm đối với việc thi công xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, còn có công trình thi công chậm tiến độ, giảm tính hiệu quả của dự án.
Một thực trạng nữa là ý thức của người dân trong việc sử dụng nước hợp vệ sinh để sinh hoạt hằng ngày. Mặc dù công tác truyền thông đã được tỉnh đặc biệt chú trọng, nhưng có những nơi, những vùng công trình cấp nước đến tận trước ngõ nhưng người dân cũng không mặn mà dùng. Nguyên nhân chính là do tập quán từ bao đời nay, người dân quen sử dụng nước giếng, nước ao, hồ và nhất là dùng nước mưa để ăn. Khi người dân chưa nhận thức được một cách sâu sắc tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch thì rất khó có thể làm thay đổi nhận thức của họ. Ngoài ra, công tác quyết toán ở một số công trình còn chậm. Sự phối hợp giữa Ban Điều hành Chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch và VSMTNT tỉnh, chủ đầu tư cùng các cấp chính quyền cũng như người dân vùng hưởng lợi trong quá trình tổ chức, thực hiện chưa được thường xuyên, liên tục. Nguyên nhân là do quá trình thực hiện mới chú trọng và quan tâm đến công tác cấp nước, chưa quan tâm đúng mức đến công tác vệ sinh môi trường, nhất là xây dựng các mô hình xử lý chất thải làng nghề. Sự phối hợp giữa chủ đầu tư ở các công trình nước tập trung và hộ gia đình cũng như đánh giá chất lượng các nhà tiêu và chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh chưa thường xuyên và chưa có lộ trình kế hoạch.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang, để đạt được mục tiêu đến năm 2015 có 95% số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trong đó 70% sử dụng nước sạch trở lên, với số lượng ít nhất 60l/người/ngày, tỉnh đề nghị T.Ư tăng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình nước sạch và VSMT hằng năm để tăng nhanh tỷ lệ người dân dùng nước sạch; hỗ trợ kinh phí để xây dựng phòng thí nghiệm kiểm nghiệm chất lượng nước. Ðồng thời, đề nghị UBND các huyện, xã cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về nước sạch và VSMTNT trên địa bàn, phấn đấu ngày càng có nhiều người dân vùng nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo trên các vùng quê.
(Theo Nhân dân)