Bộ TN&MT hỗ trợ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quyết định hỗ trợ 08 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng lớn của đợt hạn hán vừa qua gồm Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau và 05 tỉnh Tây Nguyên, mỗi tỉnh được hỗ trợ 500 triệu đồng để giải quyết ngay nhu cầu nước phục vụ sinh hoạt cho người dân vùng hạn, nhiễm mặn.

17.3.2016_20h33_P1480373

Trước đó, sau đợt khảo sát nắm tình hình ở hạn hán ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia tập trung theo dõi sát diễn biến, dự báo khí tượng, thủy văn và cung cấp các bản tin cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn kịp thời gửi đến các cơ quan, các ban ngành chức năng và người dân để chủ động phương án sản xuất và sinh hoạt; tăng dày điểm đo độ mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Cung cấp thông tin, bản đồ phân bố nước ngọt dưới đất, hỗ trợ kỹ thuật, trang thiết bị; thành Tổ công tác hỗ trợ kỹ thuật các địa phương trong việc tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt phục vụ chống hạn và xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, đồng thời yêu cầu Quỹ môi trường hỗ trợ tài chính các địa phương giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt cho nhân dân vùng bị hạn.

images1135005_3_Doan_khao_sat

Về lâu dài, Bộ trưởng cũng đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ: bổ sung, hoàn thiện hệ thống quan trắc, giám sát đối với nguồn nước xuyên biên giới, vận hành các hồ chứa lớn, lưu lượng, mực nước và xâm nhập mặn (đối với ĐBSCL). Rà soát các quy trình vận hành liên hồ; hướng dẫn các địa phương tiếp tục điều tra tìm kiếm nguồn nước ngọt ở các tầng sâu, kết hợp với việc xây dựng các công trình cấp nước, trữ nước sinh hoạt để sẵn sàng ứng phó với tình trạng như vừa qua. Xây dựng, ban hành các chính sách khuyến khích sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu. Thực hiện quy hoạch, tính toán cân bằng tài nguyên nước và xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước để phục vụ công tác dự báo diễn biến, chỉ đạo sản xuất và triển khai các giải pháp ứng phó kịp thời. Kiểm soát được mức giảm lượng nước ngầm, nước mặt; bảo vệ tài nguyên nước, khắc phục và hạn chế ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Tăng cường năng lực phân tích, dự báo, cảnh báo nhất là dự báo dài hạn về biến đổi khí hậu, thiên tai; đầu tư cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp công trình cứng và công trình mềm.

Bộ trưởng nhấn mạnh “các nền kinh tế sẽ có thể ảnh hưởng do khan hiếm nước, đối với Việt Nam phần lớn nguồn nước xuất phát từ bên ngoài lãnh thổ, do đó an ninh nguồn nước là vấn đề hết sức quan trọng”; do đó, các đơn vị sớm đề xuất để Bộ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua các tổ chức quốc tế, các cơ chế hợp tác song phương, đa phương như hợp tác tiểu vùng Mê Công, hợp tác Mê Công – Nhật Bản, hợp tác Mê Công – Lan Thương… đàm phán xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích, khai thác sử dụng nguồn nước trên cơ sở các nguyên tắc và thông lệ quốc tế là sử dụng công bằng, hợp lý; không gây hại đáng kể đến các quốc gia khác có chung nguồn nước. Thiết lập cơ chế chia sẻ, trao đổi tiếp nhận thông tin, dữ liệu về các điều kiện khí tượng, thủy văn, địa chất thủy văn, sinh thái, chất lượng nguồn nước và các thông tin, số liệu về dự báo có liên quan đến nguồn nước liên quốc gia.

(Theo monre.gov.vn)