Bộ Tài nguyên và Môi trường: Tập trung triển khai tốt các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015

DSC_6839

Sáng 15/7, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2015. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang; các Thứ trưởng: Trần Hồng Hà, Nguyễn Thái Lai, Chu Phạm Ngọc Hiển, Nguyễn Linh Ngọc, Nguyễn Thị Phương Hoa. Cùng dự còn có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ.

Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm, ông Tăng Thế Cường, Chánh Văn phòng Bộ cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2015, các đơn vị trực thuộc Bộ đã có nhiều nỗ lực cố gắng, chủ động, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên cơ sở bám sát các chủ trương đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật tiếp tục được hoàn thiện. Trong 6 tháng đầu năm, Bộ đã trình Quốc hội thông qua Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và cho ý kiến dự án Luật Khí tượng thủy văn tại Kỳ họp thứ 9; trình Chính phủ ban hành 08 Nghị định về lĩnh vực bảo vệ môi trường, quản lý đất đai, tài nguyên nước, đo đạc và bản đồ; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ; ban hành và phối hợp ban hành 35 thông tư, Thông tư liên tịch, tạo hành lang pháp lý hoàn thiện về tài nguyên và môi trường.

Tổ chức bộ máy của ngành tiếp tục được kiện toàn; đội ngũ cán bộ được đào tạo nâng cao trình độ đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ. Bộ đã tập trung rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Bộ phục vụ xây dựng Đề án cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021; hoàn thiện báo cáo đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 21/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ,…

Công tác cải cách hành chính được Bộ tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và có nhiều chuyển biến tích cực; thủ tục hành chính tiếp tục được đơn giản hóa đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước, cũng như điều kiện thuận lợi, rõ ràng, minh bạch và giảm chi phí tuân thủ tổ chức, cá nhân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Việc kiện toàn hệ thống Văn phòng một cửa đã giúp việc giải quyết thủ tục hành chính về các lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước, địa chất và khoáng sản, môi trường, biến đổi khí hậu,… đều được theo dõi, quản lý thống nhất. Bộ thường xuyên tiếp nhận và giải quyết vướng mắc của các tổ chức, cá nhân qua nhiều kênh thông tin khác nhau, đặc biệt là qua giao lưu trực tuyến với người dân và doanh nghiệp. Giao lưu trực tuyến đợt 1 của năm 2015, hệ thống đã nhận được tổng số 766 câu hỏi và đã có giải đáp cụ thể tới các tổ chức và cá nhân.

Bộ cũng tích cực triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm về môi trường, đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả về thực thi pháp luật. Trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã triển khai 1.183 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 4.181 tổ chức, cá nhân; xử phạt vi phạm hành chính 544 tổ chức, cá nhân với số tiền trên 38 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 1.426 ha đất, đôn đốc, kiểm tra việc thực 176 kết luận thanh tra. Bộ đã tiến hành 29 cuộc thanh tra, kiểm tra với 706 tổ chức. Toàn ngành đã tiếp nhận trên 6.000 lượt đơn thư, khiếu nai, tố cáo, đã giải quyết được 922/1.820 vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao; tiếp 2.407 lượt người, với 95 lượt đoàn đông người.

Bên cạnh đó, Bộ cũng chỉ đạo thực hiện công tác kế hoạch tài chính và đầu tư phát triển bảo đảm hiệu quả, minh bạch; tăng cường hợp tác quốc tế, vận động tài trợ cho các chương trình, dự án trọng điểm của ngành đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý các chương trình dự án hợp tác quốc tế của Bộ; nâng hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin, công tác văn phòng, thi đua khen thưởng và tuyên truyền.

Về các nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành được triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả. Tích cực triển khai thực hiện Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường; tiến hành rà soát, đánh giá để cập nhật bổ sung, lồng ghép các quy hoạch, chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia đối với từng lĩnh vực cụ thể, làm cơ sở định hướng quan trọng cho công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong giai đoạn tới;

Thực hiện tốt công tác tham mưu cho Chính phủ trong xử lý những vấn đề mang tính chiến lược về công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt chất lượng dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo thiên tai được nâng cao…

Mặc dù đạt được nhiều kết quả trong 6 tháng đầu năm nhưng công tác quản lý tài nguyên và môi trường vẫn cần đẩy mạnh một số nhiệm vụ như: tập trung lực lượng cho công tác xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bám sát các hoạt động của địa phương, cơ sở để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thi hành chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường; đổi mới cơ chế phối hợp của các đơn vị trong Bộ;…

Nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, Bộ sẽ tập trung xây dựng và triển khai hiệu quả các chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 25 đề án, dự án; tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Khí tượng thủy văn để trình Quốc hội thông qua; trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành các luật của ngành tài nguyên và môi trường, ban hành các Thông tư hướng dẫn thi hành; tăng cường thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm trong các lĩnh vực và tiếp tục rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương; tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ công chức trong thực thi công vụ; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thẩm định, đôn đốc việc triển khai thực hiện các đề án, dự án, đặc biệt, tập trung xây dựng hoàn thiện Kế hoạch 5 năm 2016-2020, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 của ngành tài nguyên và môi trường; trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ kinh nghiệm, nguồn tài trợ của các nước, các tổ chức quốc tế trong công tác tài nguyên và môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu…

DSC_6819

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của toàn ngành tài nguyên và môi trường trong việc triển khai các Nghị quyết Đảng, Quốc hội, cụ thể hóa các chương trình hành động thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội đất nước. Hệ thống thể chế chính sách tiếp tục được hoàn thiện. Đặc biệt là Luật tài nguyên và môi trường biển và hải đảo vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, tạo bước đột phá trong quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo Việt Nam; Trình Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Khí tượng thủy văn tại Kỳ họp thứ 9. Tập trung xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường đi vào cuộc sống như Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật khoáng sản, Luật tài nguyên nước…

Công tác cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ đã có những bước tiến đáng ghi nhận, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai; ban hành và đôn đốc các đơn vị triển khai Chương trình hành động của Bộ về thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3/1/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015…

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015 là rất nặng nề, các đơn vị cần tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau: rà soát hoàn thành Chương trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật 6 tháng cuối năm 2015; khẩn trương hoàn thành các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản và Luật Tài nguyên, môi trường Biển và Hải đảo để trình Chính phủ đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng; ban hành theo thẩm quyền các Thông tư hướng dẫn thi hành, kịp thời tháo gỡ vướng mắc của địa phương để đưa chính sách vào cuộc sống; tiếp tục rà soát đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh triển khai các Đề án, nhiệm vụ, dự án; kiện toàn tổ chức của một số đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở Tài nguyên và Môi trường, thực hiện chính sách tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Bộ gắn với đổi mới chế độ công vụ, công chức; thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, ngân sách, tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng ngân sách nhà nước, tập trung vốn đầu tư cho các công trình, dự án hiệu quả; hoàn thành quy hoạch mạnh lưới quan trắc tài nguyên và môi trường trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo… Đặc biệt, trong thời gian tới, cần thực hiện tốt công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường lần thứ III, Đại hội Thi đua yêu nước ngành tài nguyên và môi trường lần thứ III và các sự kiện trọng đại của ngành tài nguyên và môi trường trong 6 tháng cuối năm 2015.

DSC_6760

Đối với các lĩnh vực quản lý chuyên ngành, cần khẩn trương hoàn thành trình Chính phủ để trình Quốc hội điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đai đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối 2016 – 2020; đẩy mạnh công tác đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; trình ban hành Nghị định quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, quy trình vận hành liên hồ chức trong mùa cạn hằng năm trên các lưu vực sông; tiếp tục triển khai đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo hướng công khai, minh bạch; tập trung xây dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn chi tiết Luật Bảo vệ môi trường; triển khai các hoạt động khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường; tổ chức tốt Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ 4, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13 và các sự kiện liên quan; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn…

(Theo monre.gov.vn)