Thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 4/2/2016 và các Thông báo kết luận số 47/TB-VPCP ngày 12/3/2016, số 35/TB-VPCP ngày 22/2/2016, để phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm hạn chế thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của El Nino, khí tượng, thủy văn và nhận định, dự báo sớm về dòng chảy, xâm nhập mặn, cung cấp thông tin kịp thời để các địa phương chủ động chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống. Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo nêu vấn đề về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả lưu vực sông Mê Công tại Phiên họp lần thứ 43 Ủy ban liên hợp Ủy hội sông Mê Công quốc tế tại Cần Thơ trong tháng 3 vừa qua. Hiện nay, Bộ đang theo dõi chặt chẽ tình hình xả nước của các hồ chứa thủy điện trên dòng chính sông Mê Công từ phía Trung Quốc và các hồ chứa trên các dòng nhánh để có giải pháp xử lý kịp thời bổ sung nguồn nước đẩy mặn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thiếu nước ngọt, đặc biệt là nước sinh hoạt như hiện nay.
Cung cấp Bản đồ phân bố nước ngọt của từng tầng chứa nước, ở các độ sâu khác nhau
Nhằm hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện một số giải pháp cấp bách để cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân ở các khu vực nguồn nước mặt bị xâm nhập mặn, ngày 21/3/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 912 /BTNMT-TNN gửi UBND các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Sở, Ban, ngành tập trung khoan giếng tìm kiếm nguồn nước dưới đất ngọt, kể cả các tầng chứa nước nằm sâu (chưa được điều tra chi tiết) để cấp nước sinh hoạt tại chỗ, trong trường hợp cần thiết có thể dẫn đi xa để kịp thời cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.
Để có thêm thông tin làm cơ sở cho việc khoan giếng tìm kiếm nguồn nước ngọt, Bộ Tài nguyên và Môi trường xin gửi các bản đồ phân bố nước ngọt của từng tầng chứa nước, ở các độ sâu khác nhau (Phụ lục II); các tài liệu về kết quả điều tra, đánh giá nguồn nước dưới đất trên địa bàn (Phụ lục I) và thống kê chiều sâu phân bố theo từng tỉnh tầng chứa nước Miocen (n13), là tầng chứa nước trong các trầm tích bở rời nằm sâu nhất trong vùng (Phụ lục III). Đồng thời, giao Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước và Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia sẵn sàng hỗ trợ về kỹ thuật, nhân lực, thiết bị để thực hiện việc tìm kiếm nguồn nước ngọt, kể cả đội ngũ chuyên môn kỹ thuật.
Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ mỗi tỉnh 500 triệu đồng tháo gỡ khó khăn về nước ngọt sinh hoạt
Nhằm hỗ trợ một phần khó khăn cho cho người dân ở các khu vực đang thiếu nước ngọt sinh hoạt, Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ các tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng và Cà Mau, mỗi địa phương 500 triệu đồng và giao Quỹ bảo vệ Môi trường Việt Nam tổ chức thực hiện.
Những ngày qua người dân ở các khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang phải gồng mình đối mặt và chống chọi với tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán và xâm nhập mặn được xem là đợt thiên tai nghiêm trọng nhất trong gần 100 năm qua. Tính đến thời điểm này, Đồng bằng sông Cửu Long có gần 139.000 ha lúa bị ảnh hưởng nặng đến năng suất do thiếu nước và nhiễm mặn và khoảng 340.000 ha diện tích có khả năng bị ảnh hưởng trong thời gian tới. Các tỉnh bị thiệt hại nhiều nhất là Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu và Bến Tre. Hơn nửa triệu dân ở các tỉnh ven biển trong vùng đang bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Ở những huyện ven biển, một số vùng người dân đang phải mua nước ngọt với giá từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng/m3 nước.
Theo dự báo, El Nino tiếp tục ảnh hưởng và kéo dài đến giữa năm 2016, trở thành El Nino dài nhất trong lịch sử. Trong thời gian còn lại của mùa khô, ở Đồng bằng sông Cửu Long, nền nhiệt độ cao hơn Trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,5-1,50C, cao nhất đạt 33-37 độ C, mùa mưa sẽ đến muộn, lượng mưa thiếu hụt so với TBNN từ 30-60%; dòng chảy hệ thống sông thiếu hụt so với TBNN từ 30-50%. Do mùa mưa năm 2015 đến muộn và kết thúc sớm, dòng chảy thượng nguồn sông Mekong bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong 90 năm nên xâm nhập mặn xuất hiện sớm gần hai tháng. Trong các tỉnh thành ở Đồng bằng Sông Cửu Long chỉ có hai tỉnh Đồng Tháp và Cần Thơ chưa bị mặn tấn công nhưng nắng hạn lại đang hoành hành.
Chi tiết Công văn và phụ lục được đính kèm tại đây
(Theo Monre.gov.vn)