An ninh nguồn nước và nỗi lo…

Sông Hồng thiếu nước và cạn ở mức kỷ lục
Chưa bao giờ sông Hồng thiếu nước và cạn ở mức kỷ lục như thời gian gần đây. Rất hiếm khi đồng bằng sông Cửu Long thiếu lũ như năm 2010, vừa thấp lại rất muộn. So với năm 2000, đỉnh lũ ở thượng nguồn ĐBSCL thấp hơn 2 m. So với lũ trung bình nhiều năm, tổng lượng lũ năm nay chỉ đạt từ 60 – 70%. Trước sự báo động của tài nguyên nước, trong nhiều cuộc họp, Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên đã phải lên tiếng cảnh báo rằng tài nguyên nước phải được ưu tiên và dành sự quan tâm sau đất đai và môi trường. Bộ TN&MT đang tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước ở Trung ương cũng như địa phương và gấp rút hoàn thiện khung pháp lý để làm cơ sở cho việc quản lý và bảo vệ tài nguyên nước. 

Nỗi lo an ninh nguồn nước

Trong báo cáo phát triển Việt Nam 2011 mang tên “Quản lý tài nguyên thiên nhiên”, một báo cáo thường niên của các nhà tài trợ cho Việt Nam, đã bắt đầu lo ngại về an ninh nguồn nước đối với sự phát triển của quốc gia và cảnh báo, “Việt Nam đang phải đối mặt với một tương lai hết sức bấp bênh về nguồn nước”. Báo cáo trên cũng nhận định rằng, Việt Nam không phải là quốc gia được đảm bảo về tài nguyên nước: hơn 60% lượng nước mặt ở Việt Nam bắt nguồn từ các nước khác, tình trạng thiếu nước và tranh chấp nước vào mùa khô đã xảy ra ở nhiều nơi. Tuy nhiên, lượng nước từ ngoài chảy vào Việt Nam đang có nguy cơ suy giảm nghiêm trọng, tác động xấu tới việc đảm bảo an ninh về nước ở hạ lưu các lưu vực sông lớn thuộc các vùng kinh tế trọng điểm trong nước.  

Vào mùa khô hiện tại, đã có sáu lưu vực sông được xếp vào nhóm “chịu áp lực trung bình” và bốn lưu vực khác được xếp vào nhóm “chịu áp lực cao”. Lưu vực sông Đồng Nai là một mối lo đặc biệt vì vùng lưu vực này đóng góp khoảng 1/3 GDP toàn quốc. Các đối tác phát triển lo ngại rằng, biến đổi khí hậu sẽ khiến tình trạng này càng nghiêm trọng hơn. 

Ở nhiều nơi, nguồn nước ngầm cũng đang ở mức báo động do khai thác quá mức và không có quy hoạch cụ thể. Tại Hà Nội và nhiều khu vực tại TP.HCM, mực nước ngầm đã giảm 30m so với mực nước tự nhiên. Tình trạng khai thác quá mức cũng diễn ra ở Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long và một số tầng nước ngầm hiện nay chỉ còn tồn tại được trong một thời gian ngắn nữa. Tại đồng bằng sông Cửu Long, việc khoan giếng không kiểm soát đã gây ra sụt lún đất và ô nhiễm từ các giếng khoan hỏng. Mực nước ngầm ở vùng đồng bằng này đã giảm 12 – 15m và nước ngầm ở một số nơi sẽ cạn kiệt vào năm 2014. 

Ở hạ lưu, nhất là với các dòng sông chảy qua khu công nghiệp và vùng đô thị lớn, chất lượng nước đang dần suy thoái do nước thải chảy thẳng vào sông ngòi và phần lớn không được xử lý. Một số đoạn sông hiện đã được xếp vào loại “sông chết” do không còn khả năng hỗ trợ dưới bất kỳ hình thức nào. Ao hồ và kênh rạch ở các vùng đô thị trở thành các rãnh thoát nước và nơi chứa nước thải…

Xây dựng khung pháp lý bảo đảm an ninh

Hiện nay, Bộ TN&MT đang gấp rút  hoàn thiện khung pháp lý làm cơ sở quản lý tài nguyên nước hiệu quả và bền vững. Bộ đang khẩn trương triển khai thực hiện việc quản lý lưu vực sông, Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020. Bộ cũng chỉ đạo Cục Quản lý Tài nguyên nước đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Tài nguyên nước sửa  đổi; Chương trình mục tiêu quốc gia nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ sử dụng tài nguyên nước.

Đặc biệt, trong Chương trình mục tiêu quốc gia nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ sử dụng tài nguyên nước đã ưu tiên mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước. Trong đó nhấn mạnh, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia để sử dụng cho trước mắt và lâu dài, bảo đảm quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước một cách tổng hợp, toàn diện, bền vững và hiệu quả cao nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trước diễn biến của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sự suy giảm nguồn nước các sông quốc tế chảy vào nước ta.

Bộ cũng đồng thời xúc tiến thành lập các Ủy ban lưu vực sông quốc tế, tham gia tích cực và phát huy hiệu quả hoạt động của Ủy hội sông Mê Công quốc tế; tăng cường vai trò của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam; đẩy mạnh hợp tác trong quản lý tổng hợp tài nguyên nước các lưu vực sông quốc tế bảo đảm an ninh nguồn nước cho Việt Nam và các nước có chung nguồn nước. 

Nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững của Việt Nam sẽ trở nên khó khăn hơn nếu không có những cơ chế, chính sách để chia sẻ nguồn nước một cách hợp lý và an ninh nguồn nước được bảo đảm.

 

 

 

(Theo Monre.gov.vn)