An ninh nguồn nước: Không thể chậm trễ

Theo chỉ tiêu phân cấp tiềm năng tài nguyên nước, Việt Nam tương đối đủ nước, nhưng do phân phối không đều trong năm và giữa các vùng, nguồn nước bị suy thoái nên nhiều vùng khan hiếm nước, thiếu nước trầm trọng. Hơn nữa, tranh chấp lợi ích từ nguồn nước diễn ra cả trong nước và quốc tế khiến vấn đề an ninh nguồn nước đang ngày càng “nóng”.

Thách thức

GS.TS. Ngô Đình Tuấn – Chủ tịch Hội đồng khoa học (Viện Tài nguyên nước và Môi trường Đông Á) cho biết, VN có tổng cộng 2.372 sông dài từ 10 km trở lên nhưng có tới 62,2% tổng nguồn nước mặt là “nhập khẩu”. Theo tiêu chí của Hội Tài nguyên nước quốc tế, bình quân đầu người thế giới là 7400 m3/năm trong khi đó theo thống kê năm 2010, Việt Nam trở thành quốc gia thiếu nước, bình quân mỗi người chỉ được 3.850 m3 nước/năm.

Có thể nhìn thấy rõ những nguy cơ về mất an ninh nguồn nước ở sông Mê Công, dòng sông làm nên sự trù phù cho đồng bằng sông Cửu Long hàng trăm năm qua. Nguy cơ này có nguyên nhân từ những tồn tại trong quản lý tổng hợp tài nguyên nước. Đó là quản lý phân tách, thiếu điều phối, thiếu tính liên ngành, thể chế thiếu đồng bộ, thiếu năng lực kỹ thuật, nhận thức và kiến thức về quản lý tổng hợp tài nguyên nước vẫn còn rất hạn chế, thiếu chia sẻ thông tin và khó khăn về tài chính…

Việc phát triển thủy điện một cách ồ ạt trên dòng chính sông Mê Công chính là biểu hiện của tồn tại quản lý đó. Trên thượng nguồn sông Mê Công (phía Trung Quốc) hiện có 8 bậc thang thủy điện lớn trên dòng chính. Còn phía hạ lưu vực sông Mê Công thuộc Lào, Thái Lan và Campuchia cũng đang hoạch định xây dựng 11 nhà máy thủy điện. Những thủy điện này nếu không được tính toán kỹ sẽ khiến mất cân bằng sinh thái, đảo lộn chế độ dòng chảy, gây hạn hán, lũ lụt nặng nề hơn…

Ông Tô Trung Nghĩa (Viện Quy hoạch Thủy lợi) bày tỏ quan điểm, việc xây dựng thủy điện là tất yếu để các nước phát triển. Vấn đề là cần nhanh chóng xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Mê Công để điều tiết hợp lý.

Chủ động triển khai phương án ứng phó

TS. Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Học viện Ngoại giao) nhận định: Việt Nam cần chủ động cùng các bên có liên quan trong khu vực, tìm kiếm một giải pháp lâu dài về sử dụng, khai thác nguồn nước, hình thành các cơ chế xử lý các vấn đề về an ninh nguồn nước; trao đổi các kinh nghiệm, kiến thức xử lý nguồn nước từ góc độ liên khu vực; nâng cao nhận thức pháp luật; nâng cao vai trò, đóng góp của các tổ chức xã hội và báo giới đối với an ninh nguồn nước…

GS.TSKH. Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng, để đảm bảo an ninh về nước cần thường xuyên cập nhật và phân tích kịp thời thông tin. Chủ động lập và triển khai phương án bền vững đối phó với tình huống xấu nhất.

Trong giải quyết bài toán an ninh nguồn nước, việc phối hợp quốc tế là vô cùng quan trọng. Có thể thấy mô hình Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC) rất phù hợp đảm trách nhiệm vụ điều phối giữa các bên liên quan.

MRC đã xác định một loạt các hoạt động và cơ chế quan trọng như quy hoạch phát triển lưu vực, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, sử dụng hợp lý và công bằng tài nguyên nước và tài nguyên liên quan, đảm bảo lợi ích hài hòa cho các bên liên quan. Đặc biệt là, xây dựng và thực hiện các thủ tục, quy chế sử dụng nước; Xây dựng và thực hiện Chiến lược Phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước; Thực hiện ven sông hóa Ban Thư ký Ủy hội và chuyển giao thực hiện các chức năng chủ chốt về quản lý lưu vực sông.

MRC cũng đã thông qua “Định hướng chiến lược trong Quản lý tổng hợp tài nguyên nước” vào năm 2005; Phê chuẩn Chiến lược Phát triển Lưu vực dựa trên Quản lý Tổng hợp Tài nguyên nước bao gồm các ưu tiên chiến lược về phát triển và quản lý lưu vực bền vững cũng như thực hiện Chiến lược thông qua Kế hoạch Hành động vùng và Kế hoạch Hành động của các Quốc gia vào năm 2011.


 

 

(Theo Monre.gov.vn)