“Nước và thảm họa” là chủ đề của Ngày nước thế giới năm 2004. Năm 2003, Chiến lược quốc tế về giảm thiểu thiên tai của LHQ đã thống kê được 600 thiên tai cướp đi khoảng 80,000 sinh mạng mỗi năm cùng với các thiệt hại to lớn về kinh tế.
“Chúng ta thường nghĩ rằng đó là những thiên tai khủng khiếp đến từ tự nhiên, nhưng nhiều họat động của con người đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng những nguy cơ và tính dễ bị tổn thương. Và vẫn có những thảm họa hoàn toàn do con người gây ra như tràn dầu và rò rỉ hóa chất làm tổn hại nặng nề đến nguồn tài nguyên nước quý báu” – phát biểu của Ông Kofi Annan, Tổng thư ký Liên hịêp quốc nhân dịp kỷ niệm Ngày nuớc thế giới năm 2004.
“Khi chúng ta phá họai rừng đầu nguồn, chúng ta đang làm gia tăng nguy cơ xói mòn, sạt lở và lũ lụt. Khi chúng ta hủy hoại các vùng đất ngập nước, phát triển hạ tầng trên các vùng đồng bằng ngập lũ, hay xây dựng các công trình hạ tầng nhằm kiểm soát hay thay đổi dòng chảy, chúng ta đang làm gia tăng nguy cơ lũ lụt. Chúng ta đã và đang là một phần nguyên nhân của sự biến đổi khí hậu toàn cầu, gây khô hạn, thiếu nước và thậm chí cạn kiệt nguồn nước. Trên thực tế, ẩn phía sau nhiều thảm họa luôn có sự hiện diện của các họat động của con người”.
(Trích bài phát biểu của Eroy Bos, Điều phối truyền thông, Chương trình Nước và Đất ngập nước của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN)).
(Theo DWRM)