100% nước thải khu đô thị mới xả thẳng ra sông hồ

tt187Theo Sở Tài Nguyên Môi trường Hà Nội, 100% các khu đô thị mới (ĐTM) tại Hà Nội đang xả thẳng nước thải ra môi trường. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều ao hồ và sông ở khu vực Hà Nội bị ô nhiễm nặng trong thời gian qua.

Khu đô thị mọc lên, sông hồ hết cá tôm
Là một trong những khu ĐTM đầu tiên của Hà Nội nhưng hiện nay tất cả nguồn nước thải của hàng nghìn hộ dân ở khu ĐTM Linh Đàm (Q.Hoàng Mai) đang xả thẳng ra hồ Linh Đàm và sông Tô Lịch. Ông Nguyễn Văn Tuấn, một người dân sống trên phố Nguyễn Hữu Thọ cho biết, trước đây hồ Linh Đàm rất rộng và nước trong vắt, nhưng từ khi khu ĐTM Linh Đàm mọc lên, lòng hồ không những bị thu hẹp dần mà nước hồ cũng chuyển sang mầu đen, sau đó cá tôm bắt đầu chết nổi bồng bềnh. “Do nước bị ngả màu, bốc mùi hôi rất khó chịu nên hiện nay người dân chúng tôi không thể ra hồ tập thể dục và đi dạo vào mỗi buổi sáng, chiều” ông Tuấn nói.

Quan sát xung quanh khu vực hồ Linh Đàm và bờ sông Tô Lịch đoạn qua khu vực ĐTM Linh Đàm, chúng tôi ghi nhận, có hàng chục miệng cống bê tông được nối từ khu ĐTM này đang xả những dòng nước đen ngòm ra hồ và sông, nhất là đoạn bờ qua khu vực bán đảo Linh Đàm (hồ Linh Đàm) và bờ sông qua phố Kim Giang (sông Tô Lịch).

Điều này cũng xảy ra tương tự với sông Kim Ngưu, sông Nhuệ và các hồ Đền Lừ, Định Công, Mễ Trì. Hiện hệ thống ao hồ và sông ở đây đang như một cái ao để các khu ĐTM như Đại Kim, Định Công, Mỹ Đình, Mễ Trì… vô tư xả thẳng nước thải mà không phải chịu bất cứ một hình thức xử lý nào. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến sông Nhuệ, dòng sông chảy qua nội thành cuối cùng của Hà Nội thời gian qua cũng bị ô nhiễm nặng, cá tôm chết hàng loạt do chịu sự xả thải trực tiếp của hai khu ĐTM là Mỹ Đình, Mễ Trì (huyện Từ Liêm).

Nước thải từ các khu ĐTM và công nghiệp là nguyên nhân khiến cá sông Nhuệ chết nhiều vừa qua

Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, kết quả khảo sát nước thải tại hàng loạt các khu ĐTM như Bắc Linh Đàm, Trung Hoà – Nhân Chính, Đầm Trấu, Đại Kim, Pháp Vân, Văn Quán, Việt Hưng… cho thấy nhiều thông số về ô nhiễm đã vượt từ 2 đến sấp xỉ 6 lần tiêu chuẩn cho phép; điển hình là hàm lượng các chất Amoni, BOD5, Coliform…

Nhà đầu tư vẫn “né” được luật

Các chuyên gia xây dựng cho rằng, khi quy hoạch hoặc phê duyệt xây dựng các khu đô thị thì đều đã tính đến phương án xử lý nước thải, tuy nhiên việc theo dõi quá trình thực hiện các phương án này còn nặng về hình thức. Ví như khu đô thị Mỹ Đình cũng có trạm xử lý nhưng hầu như không hoạt động. Ở nhiều khu ĐTM khác chủ đầu tư còn lờ đi việc xây trạm xử lý nước thải, thay vào đó là bãi đỗ xe, công trình dịch vụ.

Theo Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội, một bất hợp lý khiến nhiều khu ĐTM mọc lên nhưng không xây hệ thống xử lý nước thải là nhiều quy định của nhà nước còn lỏng lẻo, xa rời thực tế. Ví như quy định những khu nhà có tầng hầm cao 10 mét trở lên mới phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Thực tế quy định này không phản ánh được số lượng dân cư, chất thải cần quản lý nhiều hay ít.

Nhiều chuyên gia môi trường cho rằng, có nhiều khu chung cư mới với hàng vạn người sinh sống nhưng làm gì có tầng hầm. Quy định như vậy đã làm cho nhiều chủ đầu tư thản nhiên né luật và không tuân thủ các quy định đầu tư xây dựng. Để quản lý tốt vấn đề nước thải và giữ được môi trường, theo các chuyên gia vấn đề nước thải phải được “thắt chặt” như ở các khu công nghiệp. Nếu chủ đầu tư, doanh nghiệp không đảm bảo và thực hiện đúng các cam kết về môi trường trong quá trình xây dựng và sử dụng thì phải xử lý theo pháp luật hoặc thu hồi giấy phép.

 

 

(Theo DWRM)