Thế giới ghi nhận những kỷ lục đáng lo ngại về nhiệt độ và băng biển

Theo báo cáo từ Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) thuộc Liên minh châu Âu và Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), thế giới vừa trải qua tháng 3 nóng thứ hai kỷ lục và băng biển ở Nam Cực đạt mức thấp kỷ lục thứ 2 trong tháng 3 trong lịch sử.

Có ba cơn bão được đặt tên đã đạt đến sức mạnh xoáy thuận nhiệt đới lớn, trong đó có Freddy, cơn bão gây thiệt hại nghiêm trọng về người và lũ lụt lớn ở Madagascar, Malawi và Mozamibique. Xoáy thuận nhiệt đới Freddy kéo dài đặc biệt ở Nam Ấn Độ Dương đã lập kỷ lục về năng lượng lốc xoáy tích lũy (ACE) lớn nhất, một thước đo tích hợp về cường độ, tần suất và thời gian của các cơn bão nhiệt đới.

Ủy ban chuyên gia của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đang xem xét liệu Freddy có lập kỷ lục là cơn bão nhiệt đới kéo dài nhất hay không.

Tháng 3 năm 2023 – mức nhiệt độ đáng lo ngại

Theo Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus do Trung tâm Dự báo Thời tiết hạn vừa châu Âu (ECMWF) điều hành và NOAA, tháng 3 năm nay là tháng 3 nóng thứ hai trên toàn cầu. Nhiệt độ trên mức trung bình ở miền Nam và miền Trung châu Âu và dưới mức trung bình ở hầu hết miền Bắc châu Âu.

Sự nóng lên toàn cầu đang khiến băng trên biển giảm và mực nước biển dâng cao

Nhiệt độ cao hơn nhiều so với mức trung bình trên một vùng đất rộng lớn bao gồm Bắc Phi, Tây Nam nước Nga và hầu hết châu Á. Nhiệt độ cao hơn nhiều so với mức trung bình cũng xảy ra ở Đông Bắc Bắc Mỹ, Argentina và các nước láng giềng, một phần lớn ở Australia và ven biển Nam Cực.

Ngược lại, trời lạnh hơn nhiều so với mức trung bình ở phía Tây và trung tâm Bắc Mỹ.

Biến đổi thủy văn rõ nét

Vào tháng 3/2023, trời ẩm ướt hơn mức trung bình ở dải từ Tây sang Đông Bắc trên khắp Bắc Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài châu Âu, vào tháng 3/2023, trời ẩm ướt hơn mức trung bình ở các khu vực của Mỹ, một số khu vực ở châu Á, vùng Sừng châu Phi, New Zealand, miền Bắc Australia, một phần miền Nam châu Phi và Brazil. Tại nhiều khu vực, lượng mưa lớn đã dẫn đến lũ lụt.

Các khu vực trải qua tình hình khô hạn hơn mức trung bình trong tháng 3 năm nay bao gồm hầu hết Bán đảo Iberia, nơi có điều kiện thuận lợi dễ xảy ra cháy rừng, vòng cung Alpine, một số khu vực ở Trung Âu, phía Đông Balkan và bờ phía Tây Bắc của Biển Caspi.

Thời tiết hanh khô hơn mức trung bình ở Argentina, nơi đang trải qua hạn hán kéo dài, miền Nam Australia, Tây Nam châu Phi và một phần châu Á. Trong nhiều trường hợp, những điều kiện thời tiết này có liên quan đến nhiệt độ nóng hơn mức trung bình.

Phạm vi băng biển giảm mạnh ở nhiều nơi

Phạm vi băng biển ở Nam Cực chạm mức thấp thứ hai trong tháng 3 trong hồ sơ dữ liệu vệ tinh, ở mức 28% dưới mức trung bình, sau mức thấp kỷ lục vào tháng 2. Phạm vi băng biển thấp hơn nhiều so với mức trung bình ở tất cả các khu vực của Nam Đại Dương.

Trong khi đó phạm vi băng biển ở Bắc Cực thấp hơn 4% so với mức trung bình, xếp hạng thấp thứ 4 trong tháng 3 trong hồ sơ dữ liệu vệ tinh, nhưng cũng gần với 3 mức độ thấp nhất.

Trái ngược với phạm vi băng biển chủ yếu dưới mức trung bình ở các khu vực khác của Bắc Băng Dương, phạm vi băng trên biển cao hơn nhiều so với mức trung bình ở Biển Greenland.

Bản tin khí hậu hàng tháng của Copernicus cho thấy những thay đổi về nhiệt độ không khí bề mặt toàn cầu, lớp băng trên biển và các biến số thủy văn. Tất cả những phát hiện này đều dựa trên các phân tích được tạo ra từ máy tính bằng cách sử dụng hàng tỷ phép đo từ vệ tinh, tàu, máy bay và các trạm thời tiết trên khắp thế giới.

 

Nguồn tin: baotainguyenmoitruong.vn