Liên Hiệp Quốc (LHQ) cảnh báo tình trạng ấm lên toàn cầu đang đẩy mực nước biển dâng cao, đồng thời cũng đe dọa nguồn cung nước sạch cho hàng tỉ người trên thế giới vào giữa thế kỷ này.
Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, do tác động của biến đổi khí hậu, 5 năm qua được ghi nhận là ấm kỷ lục và xu hướng này sẽ còn tiếp diễn. Nhiệt độ ấm hơn làm giảm số lượng các sông băng và dải băng trên thế giới. Khối lượng băng tan chảy trong giai đoạn 2016-2019 cao hơn bất cứ giai đoạn 5 năm nào kể từ năm 1950. Ðáng nói, sự biến mất các sông băng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tiếp cận nước sạch của nhiều người.
Thập niên qua có 1,9 tỉ người sống ở những vùng thiếu nước sạch, nhưng đến năm 2050 con số này dự báo sẽ lên tới 3,2 tỉ. Tài liệu nhấn mạnh những tác động “ngày càng lớn và không thể đảo ngược” của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến các sông băng… và thường cảm nhận được thông qua các hiện tượng liên quan nước như hạn hán hoặc lũ lụt.
Người dân ở Tây Bắc Châu Phi lấy nước dưới giếng phục vụ sinh hoạt
Giới phân tích nhận định vấn đề khan hiếm nước ngọt đang trở thành thước đo ngày càng quan trọng để xác định uy tín trả nợ của một quốc gia. Do vậy, nó cũng tạo áp lực buộc các nước phải hành động chống biến đổi khí hậu. Theo Ngân hàng Thế giới, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của một số quốc gia có thể giảm tới 6% trong 30 năm tới do những căng thẳng về nước sạch.
Thống kê của Viện Nghiên cứu Thái Bình Dương ở California (Mỹ) cho thấy bạo lực liên quan đến nước đã gia tăng đáng kể trong thập kỷ qua. Số vụ bạo lực tăng hơn gấp hai lần trong 10 năm qua so với các thập kỷ trước.
Trong bối cảnh trên, các nhà nghiên cứu đã phát triển một hệ thống cảnh báo sớm để dự đoán những xung đột nước tiềm ẩn. Theo đó, công cụ cảnh báo sớm toàn cầu của Hiệp hội Nước, Hòa bình và An ninh (WPS) do Chính phủ Hà Lan tài trợ sẽ kết hợp các biến số môi trường như lượng mưa và mùa màng với các yếu tố chính trị, kinh tế và xã hội để dự đoán nguy cơ xung đột bạo lực liên quan nước trước một năm. Ðây là công cụ đầu tiên phân tích dữ liệu môi trường, như lượng mưa và hạn hán, bên cạnh các biến số kinh tế – xã hội để “điểm mặt” xung đột nước. Hệ thống này từng dự đoán các cuộc xung đột có khả năng xảy ra vào năm 2020 tại Iraq, Iran, Mali, Nigeria, Ấn Ðộ và Pakistan. Các nhà phát triển tuyên bố tỷ lệ thành công đạt 86% khi xác định các khu vực xung đột với ít nhất 10 trường hợp tử vong có thể xảy ra. Công cụ này tập trung vào các điểm nóng trên khắp châu Phi, Trung Ðông và Ðông Nam Á. Những quốc gia Trung Ðông như Kuwait và Ai Cập có nguy cơ chịu căng thẳng về nước và hạn hán cao nhất.
Jessica Hartog, chuyên gia về biến đổi khí hậu và là đối tác của WPS, nhấn mạnh Iraq và Mali là 2 quốc gia có nguy cơ cao xảy ra xung đột. Các nông dân, người chăn bò và ngư dân ở Mali đã tranh cãi về việc giảm mực nước sông Niger. Trong khi đó, người dân Iraq năm ngoái đã xuống đường biểu tình sau khi hơn 120.000 người phải nhập viện vì uống nước ô nhiễm. “Khan hiếm nước đã ảnh hưởng đến cả Iraq và Mali, chủ yếu do các dự án phát triển kinh tế làm giảm mực nước và dòng chảy trên các sông. Tình hình trở nên tồi tệ hơn bởi biến đổi khí hậu và nhu cầu nước tăng cao do bùng nổ dân số” – bà Hartog lo ngại.