Bài Phát Biểu Của Phó Thủ Tướng Chính Phủ Trần Hồng Hà Tại Phiên Toàn Thể Hội Nghị Của Liên Hợp Quốc Về Nước Năm 2023

Ngày 22/3 (theo giờ New York), Hội nghị Nước Liên hợp quốc (LHQ) năm 2023 đã khai mạc tại trụ sở LHQ, nêu bật cam kết của cộng đồng quốc tế đối với một trong những vấn đề lớn của thế giới hiện nay. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có bài phát biểu tại Phiên toàn thể Hội Hội nghị Nước Liên hợp quốc năm 2023. Trang thông tin điện tử Cục Quản lý tài nguyên nước trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà:

BÀI PHÁT BIỂU CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRẦN HỒNG HÀTẠI PHIÊN TOÀN THỂ HỘI NGHỊ CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ NƯỚC NĂM 2023

New York, ngày 22 tháng 3 năm 2023

 Thưa Chủ tọa Hội nghị,

– Thưa các quý vị đại biểu, các quý Bà, quý Ông,

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi trân trọng cảm ơn Liên hợp quốc đã mời Việt Nam tham dự sự kiện đặc biệt quan trọng này trong bối cảnh lần đầu tiên sau 46 năm chúng ta mới có một hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về nước.

Hội nghị là cơ hội để các quốc gia cùng thảo luận, đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm, kết quả triển khai Thập kỷ Hành động “Nước vì Phát triển Bền vững”; tìm kiếm các sáng kiến mới, đưa ra những cam kết và các chương trình hành động toàn cầu, đồng thời đánh dấu sự thay đổi lớn, căn bản trong nhận thức của nhân loại về vai trò, tầm quan trọng của tài nguyên nước đối với các thế hệ hôm nay, mai sau.

Thưa các quý vị,

Nước là khởi nguồn của sự sống, không có nước sẽ không tồn tại hành tinh xanh và loài người. Lịch sử và khoa học đã chứng minh sự tồn vong của nhiều đế chế, nền văn minh rực rỡ của nhân loại đều liên quan đến nước. Hiện nay, gần 1/3 dân số thế giới đang sống ở các quốc gia bị căng thẳng hoặc khan hiếm nước. Tổ chức Khí tượng thế giới dự báo, đến năm 2050, sẽ có hơn 5 tỷ người gặp khó khăn về tiếp cận nước; Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, 40% dân số thế giới bị ảnh hưởng do thiếu và khan hiếm nước; dịch bệnh liên quan đến ô nhiễm nước mất đi 7-10% GDP toàn cầu.

Vì vậy, bảo vệ tài nguyên nước chính là bảo vệ hành tinh, bảo vệ sự sống của con người cùng với những thành tựu kinh tế-xã hội, giá trị văn hóa, lịch sử đã được các thế hệ phát triển, vun đắp qua hàng nghìn năm qua.

Nhân hội nghị này, Việt Nam xin chia sẻ một số quan điểm như sau:

Một là, chúng ta cần thống nhất rằng, tài nguyên nước đang phải chịu những áp lực to lớn chưa từng có do tính chất ngày càng cực đoan của biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm, nguy cơ cạn kiệt do việc khai thác và sử dụng thiếu bền vững. Do đó, nhân loại cần hành động ngay trước khi quá muộn.

Hai là, cần phải đặt chương trình nghị sự về nước ở vị trí quan trọng trong phát triển bền vững như đối với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường; phục hồi tài nguyên nước phải được thực hiện trong mối quan hệ toàn diện, tổng thể cùng với nỗ lực toàn cầu về phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ba là, cần có một khuôn khổ pháp lý toàn cầu dựa trên khoa học để định hướng, điều phối các hoạt động khai thác, sử dụng bền vững, phục hồi nguồn nước; khẩn trương hình thành các trung tâm khoa học và công nghệ toàn cầu, khu vực về nước; xây dựng mạng lưới quan trắc, phát triển cơ sở dữ liệu về nước; quy hoạch khai thác sử dụng, cải thiện chất lượng nguồn nước cho các sông xuyên biên giới.

Bốn là, hình thành các tổ chức, cơ quan thuộc Liên hợp quốc như ủy ban khoa học về nước xuyên biên giới, hội đồng sông quốc tế; thành lập quỹ tài chính lưu vực sông xuyên biên giới hoặc mở rộng chức năng tài chính lưu vực sông cho Quỹ môi trường toàn cầu.

Cuối cùng nhưng có ý nghĩa quyết định là cần phải thiết lập một chuẩn mực đạo đức xã hội trong quan hệ, ứng xử với tài nguyên nước, đặc biệt là nước xuyên biên giới theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, hợp lý, tôn trọng quyền và lợi ích của các nước trong lưu vực.

Thưa quý vị đại biểu,

Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chủ trương, giải pháp tăng cường quản lý, bảo vệ hiệu quả, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên nước, đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030.

Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thiện, củng cố khung thể chế, chính sách,  đảm bảo người dân được tiếp cận với nước sạch, hợp vệ sinh; cam kết đảm bảo phát huy tối đa lợi ích mà nước mang lại đồng thời giảm thiểu các tác hại liên quan đến nước góp phần phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Cụ thể là: Việt Nam cam kết đến năm 2025, 100% các lưu vực sông lớn được điều hoà phân bổ nguồn nước nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm nước thông qua các quy hoạch tài nguyên nước. Đến năm 2030, 100% hộ gia đình ở thành thị được tiếp cận nước sạch theo quy chuẩn.

Chúng tôi cam kết tiếp tục hợp tác với các nước về trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước; tham gia các chương trình hành động, sáng kiến hợp tác về nước, ninh nguồn nước; tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin dữ liệu xuyên biên giới, nhất là với các quốc gia có chung nguồn nước, góp phần cho nỗ lực toàn cầu vì một thế giới phát triển bền vững.

Tôi chúc toàn thể quý vị đại biểu, các vị khách quý sức khỏe và hạnh phúc. Trân trọng cảm ơn.

Quang cảnh Hội nghị