Kết quả quan trắc tài nguyên nước dưới đất 6 tháng đầu năm 2012

 

Công tác quan trắc tài nguyên nước dưới đất được tiến hành từ đầu những năm 90. Hiện nay, có 730 công trình quan trắc trên 5 vùng đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ và đồng bằng Nam Bộ. Việc thực hiện quan trắc do các đơn vị trực thuộc của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước tiến hành. Kết quả quan trắc cho thấy sự suy giảm mực nước tại các khu vực đô thị lớn, hàm lượng cao hơn tiêu chuẩn cho phép của Asen, amoni ở một số nơi,….  

Dưới đây là các thông tin chính từ ba vùng kinh tế trọng điểm: Đồng bằng Bắc Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng Nam Bộ.

– Để đánh giá sự suy giảm mực nước tại điểm quan trắc, mực nước hạ thấp cho phép (Hcp) được dùng làm cơ sở so sánh. Mực nước hạ thấp cho phép (Hcp) là độ sâu mực nước dưới đất (tính bằng mét) tối đa từ mặt đất trong quá trình khai thác sử dụng nước để tránh các tác động tiêu cực đến nguồn nước cũng môi trường sinh thái.

– Để đánh giá chất lượng nước dưới đất, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ngầm QCVN 09: 2008/ BTN&MT được sử dụng. Giá trị sử dụng để so sánh, đánh giá là giá trị hàm lượng giới hạn gọi là tiêu chuẩn cho phép (TCCP);

A. Đồng bằng Bắc Bộ

I. Mực nước

1. Mực nước các tầng chứa nước chính

Kết quả quan trắc mực nước 6 tháng đầu năm tầng chứa nước qh2 cho thấy độ cao mực nước TBtháng của tầng là 2,47m, thấp nhất vào tháng 3 là 2,26m và cao nhất vào tháng 6 là 2,95m.

Kết quả quan trắc mực nước 6 tháng đầu nămtầng chứa nước qp1 cho thấy độ cao mực nước TBtháng của tầng là -0,63m, thấp nhất vào tháng 4 là -0,74m và cao nhất vào tháng 6 là -0,45m.

2. Một số thông tin cảnh báo, dự báo

Tại một số vùng khai thác nước mạnh, mực nước giảm dần theo thời gian. Tại một số điểm quan trắc, mực nước đã hạ thấp sâu gần tới Hcp như Mai Dịch – Cầu Giấy – Hà Nội. Ở một số nơi như vùng Hải Hậu – Trực Ninh – Nam Định, Quỳnh Phụ – Thái Bình, mực nước hạ thấp còn ở mức an toàn nhưng do tầng chứa nước điều kiện thủy địa hóa phức tạp, cần chú ý để tránh xâm nhập mặn do khai thác nước gây ra. Các cơ quan quản lý tài nguyên nước cần chú ý để có giải pháp phù hợp.

Tuy nhiên, giá trị mực nước quan trắc và mực nước dự báo chỉ là cục bộ theo từng công trình chứ không phải trên diện rộng.  

* Vùng Thành phố Hà Nội:độ sâu mực nước TB tháng thấp nhất 6 tháng đầu năm2012 tại công trình Q.63a (Mai Dịch) vào tháng 6 là 28,57m chiếm 60,79% Hcp; dự báo mực nước TB tháng 12 năm 2012 là 29,10m.

* Vùng Nam Định: độ sâu mực nước TB tháng thấp nhất 6 tháng đầu năm 2012 tại công trình quan trắc Q.109a (Trực Phú – Trực Ninh) vào tháng 6 là 11,45m chiếm 22,90 % Hcp. Dự báo mực nước TB tháng 12 năm 2012 11,19m.Kết quả dự báo mực nước bằng mô hình dòng chảy đối với điểm Q.109a trung tâm phễu hạ thấp mực nước cho thấy đến năm 2020 khi dân số tỉnh Nam Định tăng 161.818 người (so với năm 2010), lượng khai thác tăng thêm từ 2010 đến 2020 là 24.758m3/ngày cho khu vực nước nhạt độ sâu mực nước tại điểm Q.109a là 15,54m thấp hơn so với mực nước thấp nhất 6 tháng đầu năm 2012 là 4,09m chiếm 31,08% Hcp.

* Vùng Thái Bình:độ sâu mực nước TB tháng thấp nhất 6 tháng đầu năm 2012 tại công trình quan trắc Q.159b(An Bài – Quỳnh Phụ) vào tháng 6 4,90mchiếm 9,79 % Hcp. Dự báo mực nước TB tháng 12 năm 2012 là 4,96m.

*Vùng Vĩnh Phúc: độ sâu mực nước TB tháng thấp nhất 6 tháng đầu năm 2012 tại công trình quan trắc Q.5(Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc) vào tháng 4 là 11,18m chiếm 58,85%Hcp.Dự báo mực nước TB tháng 12 năm 2012 10,78m.

* Vùng Hải Dương: độ sâu mực nước TB tháng thấp nhất 6 tháng đầu năm 2012 tại công trình quan trắc Q.131b (TT. Thanh Miện – Hải Dương) vào tháng 5 là 4,01m chiếm 8,02%Hcp.Dự báo mực nước TB tháng 12 năm 2012 4,05m.

II. Chất lượng nước

– Tầng qh2: Kết quả phân tích hàm lượng các nguyên tố đa lượng từ 33 mẫu nước lấy trong mùa khô năm 2012 cho thấy giá trị TDS trung bình của tầng là 3092mg/l, có 11/33 mẫu vượt quá TCCP. Có 10/10 mẫu đều có hàm lượng Amôni cao hơn TCCP (>0,1mg/l tính theo N).Hàm lượng Amôni TB (tính theo Nitơ) là 5,02mg/l. Hàm lượng Amôni đặc biệt lớn đến 14,62 mg/l phát hiện trên mẫu lấy được từ công trình Q.57(Tân LậpĐan PhượngHà Nội).

– Tầng qp1: Kết quả tổng hợp từ 49 mẫu phân tích toàn diện lấy trong mùa khô năm 2012 cho thấy giá trị TDS trung bình là 756mg/l; 20/40 mẫu có hàm lượng Mangan (Mn) vượt TCCP, 6/40 mẫu có hàm lượng Asen (As) vượt TCCP, hàm lượng As cao nhất là 0,40 mg/l (gấp 8 lần TCCP) tại công trình Q.58a (Hoài Đức – Hà Nội). Hàm lượng các nguyên tố vi lượng khác đều nhỏ hơn TCCP; 28/30 mẫu có hàm lượng Amôni (NH4+) cao hơn TCCP (>0,1mg/l tính theo N). Hàm lượng Amôni đặc biệt lớn đến 38,27 mg/l phát hiện trên mẫu lấy được từ công trình Q.88b (Chuyên Ngoại – Duy TiênHà Nam).

B. Vùng Nam Bộ

I. Mực nước

1. Mực nước các tầng chứa nước chính

Kết quả quan trắc mực nước tầng chứa nước qp3 cho thấy độ cao mực nước TB 6 tháng của tầng là 4,27m, thấp nhất vào tháng 5 là 3,85m và cao nhất vào tháng 1 là 4,83m.

Kết quả quan trắc mực nước tầng chứa nước qp2-3 cho thấy độ cao mực nước TB 6 tháng của tầng là –4,70m, thấp nhất vào tháng 5 là -5,03m và cao nhất vào tháng 1 là -4,23m.

Kết quả quan trắc mực nước tầng chứa nước qp1 cho thấy độ cao mực nước TB 6 tháng của tầng là –2,89m, thấp nhất vào tháng 5 là -3,09m và cao nhất vào tháng 1 là -2,51m.

Kết quả quan trắc mực nước tầng chứa nước n22cho thấy độ cao mực nước TB 6 tháng của tầng là –0,77m, thấp nhất vào tháng 5 là -1,12m và cao nhất vào tháng 6 là -0,50m.

Kết quả quan trắc mực nước tầng chứa nước n21cho thấy độ cao mực nước TB 6 tháng của tầng là –4,80m, thấp nhất vào tháng 5 là -4,91m và cao nhất vào tháng 1 là -4,61m.

2. Một số thông tin cảnh báo, dự báo

2.1. Cảnh báo

Theo kết quả quan trắc mực nước dưới đất 6 tháng đầu năm 2012 cho thấy tại một số điểm quan trắc, mực nước đã hạ thấp sâu, vào khoảng tiệm cận với Hcp. Ở một số nơi, mực nước Hcp còn ở mức an toàn, do tầng chứa nước có chiều dày lớn, nằm sâu, mực nước Hcp tối đa là 50m song có điều kiện thủy địa hóa phức tạp, cần chú ý để tránh xâm nhập mặn do khai thác nước gây ra. Các cơ quan quản lý tài nguyên nước cần chú ý để có giải pháp phù hợp.

Tuy nhiên, giá trị mực nước quan trắc và mực nước dự báo chỉ là cục bộ theo từng công trình chứ không phải trên diện rộng.  

* Vùng Hồ Chí Minh: độ sâu mực nước TB tháng thấp nhất 6 tháng đầu năn 2012 tại công trình Q004030(Thạnh Lộc – Quận 12) – tầng chứa nước qp1 là 17,43m vào tháng 6 chiếm 34,87% Hcp. Dự báo mực nước TB tháng 12 là 18,26m.

* Vùng Sóc Trăng: độ sâu mực nước TB tháng thấp nhất 6 tháng đầu năn 2012 tại công trình Q598030(Phường 3-TP Sóc Trăng) – tầng chứa nước qp1 là 9,86m vào tháng 6 chiếm 19,72% Hcp.Dự báo mực nước TB tháng 12 là 10,03m.

II. Chất lượng nước

Kết quả quan trắc cho thấy, chất lượng nước mùa khô năm 2012 tương đối tốt, chỉ một số công trình có thành phần trong nước vượt TCCP, thường là TDS, Phenol, NH4+ (tínhtheo Nitơ), Mn và Ni. Đó là các công trình như: Q616040 (TT Bến Lục, Bến Lục, Long An – tầng qp1) chỉ tiêu Mn là 24,99mg/l, chỉ tiêu Ni là 0,33mg/l; công trình Q023020M1 (TT Trảng Bàng, Trảng Bàng, Tây Ninh – tầng qp3) chỉ tiêu NH4+ là 2,54mg/l.

C. Vùng Tây Nguyên

I. Mực nước

a. Tầng chứa nước Q: Tổng hợp kết quả quan trắc từ 27 công trình cho thấy độ cao mực nước TB tháng 6 tháng đầu năm 2012 tầng chứa nước Q là 486,29m, thấp nhất là 486,06m vào tháng 3 và cao nhất là 486,64m vào tháng 1.

b. Tầng chứa nước Q2: Tổng hợp kết quả quan trắc từ 18 công trình cho thấy độ cao mực nước TB tháng 6 tháng đầu năm 2012 tầng chứa nước Q2 là 646,73m, thấp nhất là 646,14m vào tháng 4 và cao nhất là 647,99m vào tháng 1.

c. Tầng chứa nước N2-Q1: Tổng hợp kết quả quan trắc từ 47 công trình cho thấy độ cao mực nước TB tháng 6 tháng đầu năm 2012 tầng chứa nước N2-Q1 là 617,19m, thấp nhất là 616,89 vào tháng 3 và cao nhất là 617,73m vào tháng 1.

d. Tầng chứa nước n: Tổng hợp kết quả quan trắc từ 20 công trình cho thấy độ cao mực nước TB tháng 6 tháng đầu năm 2012 tầng chứa nước n là 423,82m, thấp nhất là 423,16m vào tháng 5 và cao nhất là 424,80m vào tháng 1.

II. Chất lượng nước

Kết quả phân tích mẫu nước tại các công trình quan trắc vùng Tây Nguyên 6 tháng đầu năm 2012 cho thấy giá trị TDS trung bình là 149mg/l, không có mẫu nào có hàm lượng vượt quá hàm lượng TCCP, có 3/23 mẫu Amôni và 1/23 mẫu Nitrat có hàm lượng cao hơn TCCP,có 6/27 mẫu có hàm lượng Mangan cao hơn hàm lượng của TCCP chiếm 22,22% mẫu.


(Nguyễn Thị Hạ – Trung tâm Quan trắc và Dự báo TNN – Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước)