Lâm Đồng là một tỉnh thuộc lưu vực sông Đồng Nai có diện tích tự nhiên là 9.764,8 km2. Trong phạm vi tỉnh hiện nay có 21 công trình quan trắc tài nguyên nước dưới đất và 02 trạm quan trắc TNN mặt Đại Ninh và Cát Tiên được Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia quản lý và vận hành.
– Đối với tài nguyên nước mặt: Tổng lượng mưa năm bình quân từ 1.750 – 3.150mm, trong đó lượng mưa mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10) chiếm khoảng 80% tổng lượng mưa cả năm; mùa khô (từ tháng 11 – 4 năm sau) lượng mưa chiếm 20% tổng lượng mưa năm.
– Đối với tài nguyên nước dưới đất: trong tỉnh được phân chia thành 2 tầng chứa nước chính, bao gồm: Tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Đệ tứ không phân chia (q), và tầng chứa nước khe nứt lỗ hổng phun trào Bazan Pliocen-Pleistocen dưới β(n2-qp). Theo báo cáo thuộc dự án “Biên hội – thành lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:200.000 cho các tỉnh trên toàn quốc”, tổng tài nguyên nước dự báo cho các tầng chứa nước chính như sau: Tầng chứa nước (q) là 59.414 m3/ngày và tầng chứa nước β(n2-qp) là 3.326.719 m3/ngày.
1.Thông báo, cảnh báo tài nguyên nước mặt
Trong mùa mưa năm 2023, mực nước trung bình trên sông Đa Nhim tăng so với mùa mưa năm trước, lưu lượng nước tăng 6,2% so với mùa mưa năm trước. Tổng lượng nước đến trạm Đại Ninh khoảng 249,2 triệu m3. Chất lượng nước mặt trên sông Đa Nhim vào đầu mùa mưa tốt, có thể sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt, cuối mùa mưa bị xấu, có thể sử dụng cho mục đích giao thông thủy và các mục đích tương đương khác.
Mực nước trung bình trên sông Đồng Nai giảm so với mùa mưa năm trước, lưu lượng nước giảm 12,5% so với mùa mưa năm trước. Tổng lượng nước đến trạm Cát Tiên khoảng 2807,3 triệu m3. Chất lượng nước mặt trên sông Đồng Nai có thể sử dụng cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương khác
2.Tài nguyên nước dưới đất
Trong mùa mưa năm 2023 mực nước dưới đất trung bình so với cùng kỳ 1 năm trước có xu thế hạ tại tầng chứa nước q và dâng tại tầng chứa nước β(n2-qp). Chất lượng nước có xu thế ít biến đổi, các chỉ tiêu đều nằm trong GTGH (QCVN 09:2023/BTNMT) trừ Mn và NO3.
Dự báo mực nước dưới đất so với mực nước thực đo cùng kỳ 1 năm trước có xu thế hạ tại tầng chứa nước q và dâng tại tầng chứa nước β(n2-qp).
Trong khu vực tỉnh Lâm Đồng thời điểm hiện tại có 2 công trình có độ sâu mực nước trung bình tháng vượt 50% so với mực nước hạ thấp cho phép. Nước trong tỉnh thuộc loại nước nhạt; một số nơi có hàm lượng Mn, NO3, Phenop và Tổng coliform vượt GTGH.
3.Đề xuất, kiến nghị
Đối với tài nguyên nước mặt: Mùa mưa năm 2023, tổng lượng nước tại trạm Đại Ninh có xu hướng tăng so với mùa mưa năm trước, tại trạm Cát Tiên có xu hướng giảm so với năm trước đề nghị các cơ quan, ngành sử dụng nguồn nước mặt có kế hoạch, phương án tích trữ nguồn nước để phục vụ việc khai thác, sử dụng trong thời gian tới . Chất lượng nguồn nước mặt tại trạm Đại Ninh tương đối xấu vào các tháng cuối mùa mưa, sử dụng cho giao thông thủy và các mục đích tương đương khác. Tại trạm Cát Tiên chất lượng nước đáp ứng sử dụng cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương khác, vào tháng 6, 9, chất lượng nước sông cải thiện, có thể đáp ứng mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp, đề nghị tiếp tục theo dõi và có phương án xử lý nguồn nước phù hợp và cải thiện chất lượng nguồn nước hơn nữa.
Đối với tài nguyên nước dưới đất: Đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương, địa phương và các tổ chức, cá nhân có khai thác sử dụng nguồn nước dưới đất tiếp tục theo dõi và có các biện pháp, kế hoạch khai thác phù hợp đối với các khu vực có độ sâu mực nước vượt ngưỡng cho phép đặc biệt là tại các khu vực Phường 2, TP. Bảo Lộc.
Trong mùa mưa năm 2023, nhìn chung mực nước và chất lượng nước trong các tầng chứa nước thuộc tỉnh Lâm Đồng đều tốt. Tuy nhiên có một số công trình có hàm lượng Mn, NO3, Tổng Coliform và phenol vượt GTGH so với QCVN 09:2023/BTNMT, đề nghị các cơ quan đưa ra cảnh báo cho người dân và tiếp tục theo dõi thêm.
Xem chi tiết tại đây: