Trữ lượng nước dưới đất trong đá vôi tại khu vực vùng núi cao Đông Bắc có thể lên tới hơn 3 trăm nghìn m3/ngày

Vùng núi cao đá vôi Đông Bắc với diện tích được xác định là 9.149 km2, bao gồm phần lớn diện tích tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn và một phần diện tích phân bố đá vôi thuộc tỉnh Lạng Sơn và Tuyên Quang. Do những đặc điểm riêng của vùng như địa hình hiểm trở, nguồn nước mặt khan hiếm, nguồn nước ngầm phân bố ở sâu… nên việc tìm kiếm, đánh giá, khai thác và cung cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất và phát triển kinh tế – xã hội luôn là vấn đề nan giải.

Nước ngầm phân bố tại khu vực vùng núi đá vôi Đông Bắc Việt Nam được hình thành và vận động rất phức tạp nên việc áp dụng các phương pháp tính toán, xác định trữ lượng nước cũng hết sức khó khăn.

DL58


Kết quả nghiên cứu từ đề tài cấp Bộ: “Nghiên cứu các giải pháp khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước tại vùng núi cao Kast Đông Bắc Việt Nam. Áp dụng thử nghiệm tại vùng núi cao nguyên đá Đồng Văn” do Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia – Bộ TN&MT đang triển khai thực hiện cho thấy, tiềm năng nước dưới đất toàn vùng núi cao karst Đông Bắc vào khoảng 3.275.539 m3/ngày, trong đó khu vực tiềm năng lớn nhất là khu Bảo Lạc – Thông Nông – Yên Bình với tiềm năng là 600.498 m3/ngày, khu Tràng Định – Lạng  Sơn có trữ lượng vào khoảng 20.237 m3/ngày. Trữ lượng nước ngầm có thể khai thác tại vùng núi cao karst Đông Bắc là 327.554 m3/ngày.

DL59

Bên cạnh việc sử dụng các phương pháp tính toán để xác định trữ lượng nước ngầm tại khu vực nghiên cứu, đề tài đã rà soát, đánh giá hiện trạng tất cả các loại hình khai thác tại địa phương, xác lập các giải pháp khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn nước; nghiên cứu các điều kiện thực tiễn và xây dựng mô hình thử nghiệm khai thác bền vững nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế dân sinh; đề xuất mô hình, giải pháp khai thác sử dụng bền vững nguồn nước khu vực núi cao karst Đông Bắc Việt Nam sau khi đánh giá được hiệu quả từ việc áp dụng thử nghiệm tại cao nguyên đá Đồng Văn./.

(Mai Phú Lực)