Đề tài KHCN cấp Bộ “Nghiên cứu xác định lượng cung cấp thấm từ các hồ chứa nước lớn cho các tầng chứa nước ở Đông Nam Bộ bằng phương pháp mô hình số. Áp dụng thử nghiệm cho hồ Dầu Tiếng”

IMG_7686_reNghiên cứu cung cấp thấm là nền tảng cho sự hiểu biết về số lượng và chất lượng của nguồn tài nguyên nước dưới đất. Có thể xem cung cấp thấm cho nước dưới đất là một phần của chu kỳ thủy văn trong tự nhiên và những tác động của con người. Đối với các tầng chứa nước không áp hoặc có áp phân bố năng, sự cân bằng giữa cung cấp thấm và thoát có tác động rõ rệt đến sự biến động của mực nước và trữ lượng của nước. Bên cạnh đó, quá trình cung cấp thấm là cơ sở để xác định cho quá trình vận chuyển chất ô nhiễm vào tầng chứa nước phân bố nông. Như vậy, nghiên cứu lượng cung cấp thấm cho nước dưới đất là rất cần thiết, đặc biệt trong những vùng có tính dễ bị tổn thương cao. Thông thường nơi có lượng cung cấp thấm cho nước dưới đất là một trong những nội dung quan trọng trong nghiên cứu ô nhiễm và bảo vệ nước dưới đất.

Hiện nay, quan điểm mới của một số nước đối với việc khai thác nước dưới đất là tiến hành khai thác lượng nước bằng với trữ lượng động mà không dùng đến phần trữ lượng tĩnh nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên nước dưới đất cho tương lai. Thành phần “trữ lượng động tự nhiên” (lượng cung cấp tự nhiên cho nước dưới đất) bao gồm các nguồn bổ cập của nước mưa, thấm từ hệ thống nước mặt, thấm xuyên từ các tầng chứa nước liền kề chiếm tỷ trọng lớn trong trữ lượng động của nước dưới đất. Lượng cung cấp thấm từ các sông, kênh, hồ chứa nước đến các tầng chứa nước có ý nghĩa quan trọng trong việc “hình thành trữ lượng động thái tự nhiên”, đặc biệt ở các vùng có hồ chứa nước lớn như vùng hồ Dầu Tiếng.

Do vậy, việc nghiên cứu đánh giá lượng cung cấp thấm từ hồ chứa nước lớn đến các tầng chứa nước rất cần thiết. Kết quả của nghiên cứu là một trong những cơ sở khoa học để xác định “trữ lượng có thể khai thác”, phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước dưới đất cho một vùng cụ thể. Nói cách khác, lượng thấm cung cấp cho các tầng chứa nước là một trong những kênh thông tin quan trọng phục vụ cho công tác quản lý tài nguyên nước. Đây cũng là tiền đề để xác định khả năng khai thác nước dưới đất, làm căn cứ cho việc quy hoạch khai thác, bảo vệ tài nguyên nước dưới đất.

Trên thế giới, việc ứng dụng mô hình số để đánh giá lượng cung cấp thấm cho các tầng chứa nước khá phổ biến, tuy nhiên hướng nghiên cứu này ở Việt Nam còn khá mới mẻ, đặc biệt là áp dụng cho khu vực có hồ chứa nước lớn.

IMG_7687_re

Đề tài “Nghiên cứu xác định lượng cung cấp thấm từ các hồ chứa nước lớn cho các tầng chứa nước ở Đông Nam Bộ bằng phương pháp mô hình số. Áp dụng thử nghiệm cho hồ Dầu Tiếng” được thực hiện từ năm 2014 đến năm 2015 với mục tiêu xác định lượng nước cung cấp thấm cho nước dưới đất từ các hồ chứa nước lớn ở Đông Nam Bộ bằng phương pháp mô hình số (áp dụng thử nghiệm cho khu vực hồ Dầu Tiếng); đề xuất quy trình áp dụng phương pháp mô hình số để đánh giá lượng cung cấp thấm cho nước dưới đất từ các hồ chứa.

Đề tài đã thu thập đầy đủ thông tin chuyên môn để đánh giá tác động của các hồ chứa nước lớn ở Đông Nam Bộ (hồ Trị An, hồ Phước Hòa, hồ Thác Mơ, hồ Srok Phu Miêng, hồ Cần Đơn, hồ Dầu Tiếng). Qua đó, đề tài đã xác định được tác động của các hồ đối với hệ thống nước dưới đất xung quanh. Đề tài đã chỉ rõ mối quan hệ thủy lực có liên quan đến trữ lượng và chất lượng nước dưới đất, đặc biệt là vấn đề cung cấp thấm bổ sung trữ lượng cho nước dưới đất, đồng thời đã tiến hành mô phỏng hệ thống nước dưới đất và nước mặt bằng phần mềm MIKE SHE (kết hợp MIKE 11); đã xác lập mực nước tại các tầng chứa nước theo từng bước thời gian tính toán. Trong phạm vi hồ Dầu Tiếng, mực nước tầng qp2-3 thường cao hơn mực nước hồ từ tháng 2 đến tháng 7 và thấp hơn từ tháng 8 đến tháng 1 năm sau. Dựa trên lời giải của mô hình MIKE SHE, đề tài đã thiết kế 03 công cụ trích xuất dữ liệu; đã xây dựng bản đồ “Phân vùng lượng cung cấp thấm cho nước dưới đất từ hồ Dầu Tiếng tỷ lệ 1:100.000” theo giá trị lớn nhất trong năm; tổng hợp kinh nghiệm để đề xuất “Hướng dẫn quy trình áp dụng phương pháp mô hình số để đánh giá lượng cung cấp thấm cho nước dưới đất từ các hồ chứa”.

Kết quả của đề tài góp phần làm sáng tỏ hơn cơ chế cung cấp thấm cho nước dưới đất hồ Dầu Tiếng nói riêng, nguồn hình thành trữ lượng nước dưới đất ở khu vực xung quanh các hồ chứa nước ở Đông Nam Bộ nói chung. Nguồn cung cấp thấm cho nước dưới đất từ các hồ chứa nước lớn là một trong những nguồn hình thành trữ lượng nước dưới đất có giá trị đối với các khu vực có điều kiện tự nhiên tương tự hồ Dầu Tiếng. Kết quả của đề tài cho thấy tính khả thi về khả năng áp dụng mô hình MIKE SHE cho các vùng khác có điều kiện tương tự. Mô hình MIKE SHE của đề tài là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho các nghiên cứu khác có liên quan tài nguyên nước dưới đất ở Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước. Kết quả đạt được của đề tài rất hữu ích trong quản lý, quy hoạch và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất trong phạm vi hồ Dầu Tiếng nói riêng và của khu vực thượng lưu sông Sài Gòn nói chung, đồng thời là thông tin cần thiết cho việc quản lý và bảo vệ chất lượng các hồ chứa nước lớn có điều kiện tự nhiên tương tự nhằm phòng chống hoặc giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm cho nguồn nước dưới đất từ nước hồ.

(Hồng Nhung – VP NAWAPI
Nguồn: Chủ nhiệm Đề tài)