Chiều ngày 08/5/2017, tại Hội trường Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc, Ban Chủ nhiệm dự án “Biên hội – thành lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000 cho các tỉnh trên toàn quốc” đã tổ chức hội thảo chuyên đề về các phương pháp tính toán trữ lượng nước dưới đất.
Tham dự hội thảo, về phía Ban chủ nhiệm dự án có TS. Vũ Thanh Tâm – Chủ nhiệm dự án; các Chủ nhiệm thành phần của dự án. Về phía Ban Cố vấn có PGS.TS Đoàn Văn Cánh – Chủ tịch Hội địa chất thủy văn Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Văn Lâm – Trưởng Bộ môn Địa chất thủy văn, Khoa Khoa học và Kỹ thuật địa chất, Trường Đại học Mỏ – Địa chất; các chuyên gia thuộc Hội Địa chất thủy văn Việt Nam; các cán bộ kỹ thuật thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra những quan điểm về tài nguyên nước dưới đất và phương pháp tính toán trữ lượng nước dưới đất cho những vùng cụ thể trong phạm vi thực hiện dự án “Biên hội – thành lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000 cho các tỉnh trên toàn quốc”. Một trong thành phần quan trọng trong trữ lượng tiềm năng nước dưới đất là trữ lượng động tự nhiên của các tầng chứa nước. Các chuyên gia đã tập trung đi sâu vào các phương pháp xác định trữ lượng động tự nhiên của nước dưới đất tại khu vực đồng bằng và miền núi.
Theo quan điểm của TS. Đặng Đình Phúc, Hội Địa chất thủy văn Việt Nam, lưu lượng hay module dòng ngầm được lấy theo dòng chảy trung bình mùa kiệt (trung bình tháng kiệt nhất, hay 3 tháng kiệt nhất) bản đồ tài nguyên nước mặt toàn lãnh thổ, đó là lưu lượng dòng ngầm từ các tầng chứa nước chảy ra các lưu vực sông. Qua đó, TS. Đặng Đình Phúc đã đưa ra phương pháp và các công thức xác định giá trị module dòng ngầm cho một khu vực cụ thể.
Cùng với quan điểm trên, PGS.TS. Đoàn Văn Cánh, Hội Địa chất thủy văn Việt Nam đã đề xuất phương án thể hiện trên bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000 trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, trên bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000 sẽ chia ra 5 cấp độ giàu nghèo của tầng chứa nước (rất giàu, giàu, trung bình, nghèo, rất nghèo) thông qua lưu lượng dòng ngầm (m3/ngày), hoặc module dòng ngầm (l/s.km2) hay lớp dòng ngầm (mm/km2) được thể hiện bằng màu. Các tầng chứa nước lỗ hổng theo thang màu xanh da trời, các tầng chứa nước khe nứt theo thang màu xanh lá cây, các tầng nghèo nước, phân bố hẹp sẽ được thể hiện bằng màu nâu.
Bên cạnh các phương pháp thể hiện trong nước, nhóm chuyên gia cũng đã đề xuất phương án thể hiện theo các nước châu Âu và châu Mỹ.
Phát biểu tổng kết buổi hội thảo, TS. Vũ Thanh Tâm, Chủ nhiệm dự án cho rằng, việc xác định trữ lượng động tự nhiên nước dưới đất có nhiều phương pháp để tính toán, tuy nhiên, cần đưa ra phương pháp tối ưu và hiệu quả nhất phù hợp với mức độ nghiên cứu và tài liệu hiện có trong vùng nghiên cứu. Qua tổng kết và đánh giá, TS. Vũ Thanh Tâm hy vọng các chuyên gia cần thống nhất và sớm đưa ra phương án thích hợp nhất để tính toán cho những vùng tương tự trong phạm vi nghiên cứu của dự án.
Một số hình ảnh tại buổi hội thảo:
(TTDLQH&ĐTTNN)