Đánh giá hiện trạng khai thác và xâm nhập mặn các tầng chứa nước tỉnh Sóc Trăng

Sóc trăng là tỉnh ven biển nằm ở phía Nam cửa sông Hậu của khu vực ĐBSCL. Với địa hình thấp, bị phân cắt nhiều bởi hệ thống các sông rạch và kênh mương thủy lợi, lại tiếp giáp với biển cho nên dễ bị nước biển xâm nhập (nhiễm mặn), nhất là vào mùa khô. Tình hình xâm nhập mặn trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp trong đó, nhiễm mặn nước ngầm gây ra nhiều khó khăn cho việc phát triển KT-XH cũng như bảo đảm mức sống cho người dân trong tỉnh. Do đó, cần phải xây dựng mô hình dòng chảy với tỷ trọng thay đổi SeaWat để tính toán trữ lượng tiềm năng nước ở vùng nhạt, cũng như nguy cơ xâm nhập mặn đến khu vực nước ngầm nhạt. Để phục vụ công tác xây dựng mô hình dòng chảy, Trung tâm Cảnh báo và dự báo TNN đã triển khai khảo sát đo EC để đánh giá hiện trạng xâm nhập mặn các tầng chứa nước cũng như hiện trạng khai thác của tỉnh.

Giới thiệu chung
Sóc Trăng là một tỉnh ở phía Nam Việt Nam, do ảnh hưởng của quá trình khai thác không bền vững TNN dưới đất gây ra suy giảm mực nước ngầm, ảnh hưởng đến sự xâm nhập mặn từ nước biển vào trong tầng chứa nước. Số liệu gần đây nhất là về sự phân bố nước mặn trong báo cáo tình hình nghiên cứu tại tỉnh Sóc Trăng 2010 của Ngô Đức Chân, tuy nhiên ranh giới mặn này dựa trên nhiều tài liệu đã có từ lâu. Kết quả của việc khảo sát sẽ cung cấp các số liệu mới về hiện trạng nhiễm mặn các tầng chứa nước khai thác trên địa bàn tỉnh.
Phương pháp nghiên cứu tiến hành khảo sát
Thông số độ tổng khoáng hóa TDS là chỉ tiêu để xác định độ nhiễm mặn của nước trong các tầng chứa nước. Việc xác định thông số này thường được xác định trong phòng, theo phương pháp xác định khối lượng căn sấy khô ở 105oC. Do thông số TDS khó xác định ở hiện trường nên việc xác định độ dẫn điện của nước EC được sử dụng như một biện pháp thay thế giúp xác định nhanh chóng thông số TDS. Bằng các tính toán thực nghiệm các nhà nghiên cứu đã rút ra được công thức liên hệ giữa EC và TDS (Lloyd and Heathcote (1985): TDS = k.EC
Trong đó: TDS: độ tổng khoáng hóa (mg/l), EC: độ dẫn điện của nước xác định ở 25oC (µS/cm)
Hệ số k dao động trong khoảng từ 0,55 – 0,8. Như trong bài báo công bố kết quả nghiên cứu của E.A. Atekwana và các đồng nghiệp đăng trên tạp chí Applied Geophysics đã xác định được hệ số k = 0,64 thông qua xét mối liên hệ giữa EC và TDS của 32 mẫu nước ngầm. Kết quả tính toán tương quan giữa kết quả TDS xác định bằng giá trị EC ngoài thực địa với TDS phòng thí nghiệm cho hệ số tương quan chặt R2=0,8675.

anh_bai_anh_Trung_1

Thiết bị cho khảo sát thực địa tại Sóc Trăng là máy đo EC (TDS) WTW340i của Đức và thiết bị GPS cầm tay Garmin Oregon 400T. Thiết bị đo chất lượng nước ngoài thực địa WTW340i có thể đo được độ dẫn điện, độ mặn và nhiệt độ của nước. Giá trị độ tổng khoáng hóa TDS được tính toán dựa vào EC ngoài thực địa bằng cách lựa chọn trị số chuyển đổi tính TDS là 0,64 [6].
Một số kết quả đạt được
Phần lớn các xã ở Sóc Trăng được kết nối với hệ thống cấp nước ở địa phương. Theo thống kê hiện nay trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 210 trạm cấp nước ở 91 xã tại tỉnh Sóc Trăng.
Dựa trên kết quả số liệu đã khảo sát có thể thấy rằng chiều sâu trung bình đối với các giếng khai thác nước ngầm nhà dân nằm trong khoảng từ 80 – 120 m thuộc tầng chứa nước qp3 và tầng chứa nước qp2-3. Giếng khoan sâu nhất trong đợt khảo sát là 180 m tại huyện Trần Đề và giếng khoan nông nhất là 9 m ở huyện Châu Thành.

trung_2

Kết quả độ tổng khoáng hóa (TDS) tại các điểm khảo sát được xác định dựa trên kết quả đo EC kết hợp với các số liệu lấy mẫu nước dưới đất giai đoạn trước để kiểm chứng xác định lại ranh giới mặn nhạt trong các tầng chứa và đã thành lập được bản đồ phân vùng TDS đối với tầng chứa nước qp3 và tầng chứa nước qp2-3.

trung_3

Đối với tầng chứa nước qp3 dựa trên chủ yếu kết quả lấy mẫu nước tại các giếng khoan thăm dò giai đoạn trước, số liệu quan trắc mạng địa phương và một số điểm khảo sát đo EC ở các giếng nhà dân giai đoạn này đã kiểm chứng lại sự phân bố ranh giới mặn nhạt của nước trong tầng chứa nước qp3. Có thể thấy, phần lớn diện tích tầng chứa nước qp3 bị nhiễm mặn trừ một số khu vực ở phía Đông Bắc như Cù Lao Dung là có nước nhạt, diện tích tầng chứa nước bị nhiễm mặn (%) sau khi khảo sát năm 2015 lớn hơn so với năm 2010.

trung_4

Đối với tầng chứa nước qp2-3 đây là tầng chứa nước khai thác chính hiện nay của tỉnh, phần lớn các giếng khoan khảo sát đo EC ở các giếng nhà dân trong đợt khảo sát đều có độ sâu phân bố trong tầng chứa nước này. Kết quả đã kiểm chứng lại sự phân bố ranh giới mặn nhạt của nước trong tầng chứa nước qp2-3, so sánh với năm 2010 cho thấy diện tích tầng chứa nước nhiễm mặn nhỏ hơn rất nhiều.

trung_5

trung_6

TÀI LIỆU THAM KHẢO
 1. Dự án “Thống kê, đánh giá hiện trạng khai thác nước dưới đất vùng bán đảo Cà Mau” Trung tâm Thẩm định – Tư vấn tài nguyên nước – Cục Quản lý tài nguyên nước năm 2014.
 2. Ngô Đức Chân (2010), Quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020. Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Miền Nam.
 3. Đề án “Xây dựng mạng quan trắc nước dưới đất tỉnh Sóc Trăng”. Trung tâm Điều tra Đánh giá tài nguyên nước – Cục Quản lý nước và Công trình thuỷ lợi năm 2000.
 4. Cơ sở dữ liệu Địa chất thủy văn – Sở tài nguyên và môi trường tỉnh Sóc Trăng.
 5. Masaki Hayashi, Mối liên hệ giữa nhiệt độ và độ dẫn điện trong việc quan trắc môi trường nước, Năm 2003, 10 trang.
(Đặng Trần Trung, Kiều Duy – Trung tâm CB&DBTNN
Christian Glaeser, Viện Địa chất liên bang và tài nguyên Đức – BGR)