Xây công trình từ…chất thải

Tận dụng phế thải công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng vừa góp phần cung cấp nguyên, vật liệu cho xây dựng, vừa là giải pháp xử lý chất thải nguy hại một cách hiệu quả.

Khói, bụi tro… (gọi chung là tro bay) từ các nhà máy nhiệt điện thải ra được xem là kẻ hủy diệt không khí và sức khỏe con người. Song, theo kỹ sư Phan Phùng Sanh, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật xây dựng TP Hồ Chí Minh, tro bay là một chất liệu tuyệt vời trong việc ứng dụng làm vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, trong công nghệ sản xuất gạch không nung, nếu sử dụng phụ gia tro bay có thể làm giảm lượng xi-măng, đặc biệt công nghệ bê-tông đầm lăn không thể thiếu phụ gia này. Một trong những đơn vị sử dụng tro bay nổi tiếng là Công ty Cổ phần Sông Ðà, thu gom tro bay từ Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại dùng trong các công trình như thủy điện Sơn La, Bản Chát…

Việc sử dụng bùn thải làm bê-tông của TS Nguyễn Hồng Bỉnh, Hội Khoa học Kỹ thuật xây dựng TP Hồ Chí Minh, được xem là một trong những thành tựu của khoa học tái chế. Các loại bùn thải công nghiệp có chứa các chất nguy hại (chì, thủy ngân, ca-mi-um, ni-ken…) sau khi được khử mùi sẽ trộn với đá, cho thêm chất ổn định hóa rắn để tạo ra các loại bê-tông mà chất lượng không hề thua kém bê-tông bình thường, vô hại trong các loại môi trường và an toàn với người sử dụng.

TS Thái Duy Sâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội vật liệu xây dựng, cho biết: Triển vọng ngành xây dựng ngày càng lớn, nhu cầu vật liệu xây dựng ngày càng cao, trong khi nguồn tài nguyên khoáng sản đang cạn kiệt dần. Tận dụng phế thải sẽ tạo ra một nguồn vật liệu mới hỗ trợ cho nguồn vật liệu từ khoáng sản. Hơn nữa, quá trình sản xuất cũng chính là quá trình xử lý chất thải nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường, đồng thời cũng tiết kiệm hàng nghìn héc-ta đất để chứa phế thải. Thí dụ: Khí SO2, SO3 của nhà máy nhiệt điện thải ra nếu gặp hơi nước sẽ sinh ra a-xít rơi xuống đất rất nguy hiểm, nhưng nếu dẫn khí này cho hòa vào đá vôi sẽ sinh ra thạch cao, trong khi ở nước ta không có nguồn thạch cao mà phải nhập từ nước ngoài. Hoặc như tro bay, trước kia nước ta từng phải nhập khẩu, khoảng năm 2005, khi đã xây dựng được hệ thống thu gom và xử lý, chúng ta mới không nhập nữa… 

Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn đến năm 2020 là rất lớn, khi đó nguồn tài nguyên khoáng sản chủ yếu nhập từ các tỉnh, thành lân cận. Hiện nay có nhiều trạm nghiền xi-măng từ clanh-ke, tuy nhiên TP lại không có các nguồn phụ gia, pozolan mà tất cả đều do Ðồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu cung cấp. Hoặc như nguyên liệu đất sét làm gạch ngói rất hạn chế, nếu huy động toàn bộ tài nguyên này để sản xuất cũng chỉ bảo đảm cho công suất khoảng 400 triệu viên/năm, không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường phía nam… Ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, số lượng chất thải nguy hại quá nhiều, đè lên vai quá ít đơn vị xử lý, bắt buộc giá thành đội lên, dẫn đến nhiều cơ sở sản xuất không muốn chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị xử lý mà tự ý chôn lấp hoặc đổ trộm. Do đó, việc sử dụng lại chất thải nguy hại làm vật liệu xây dựng là điều tuyệt vời.

Theo dự báo, đến năm 2020 sẽ có thêm 28 nhà máy nhiệt điện đốt than đi vào hoạt động, ước tính lượng tro, xỉ thải khoảng 60 triệu tấn/năm. Tuy nhiên hiện nay, cả nước chỉ có tro bay từ Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại (Chí Linh – Hải Dương) và Nhà máy Nhiệt điện Formosa (Nhơn Trạch – Ðồng Nai) là đủ tiêu chuẩn cung cấp, tuy sản lượng đủ đáp ứng nhu cầu trong nước nhưng chi phí vận chuyển khá cao. Chính vì vậy, Nhà nước cần đầu tư trang thiết bị để thu hồi tro bay nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, hình thành thương hiệu tro bay có thể dùng trong nước và xuất khẩu.

 

(Theo Nhân Dân)