PHƯƠNG PHÁP PHÂN CHIA VÀ ĐÁNH GIÁ ĐẶC ĐIỂM CÁC PHÂN VỊ ĐỊA CHẤT THỦY VĂN P2

Phức hệ chứa nước được xem tương đương với tầng chứa nước, nhưng do mức độ phức tạp của điều kiện địa chất thủy văn hoặc mức độ nghiên cứu còn yếu chưa đủ điều kiện xếp thành tầng chứa nước.

Trong tầng chứa nước có thể chia ra các thấu kính chứa nước, lớp chứa nước (đối với các thành tạo bở rời) hoặc dải chứa nước (đối với các thành tạo cố kết).

Tên gọi của phân vị chứa nước phân chia được thống nhất theo trình tự: Tên phân vị ( tầng, phức hệ chứa nước), tên thành tạo chứa nước, địa tầng địa chất, thành phần đất đá chứa nước chủ yếu và kí hiệu của phân vị (để trong ngoặc ). Kí hiệu của phân vị địa chất thủy văn cần được thể hiện gọn, dễ hiểu, đảm bảo tính kế thừa kí hiệu địa tầng địa chất như các ví dụ sau đây:

– Phức hệ chứa nước các thành tạo lục nguyên, lục nguyên-các bonat Cacbon-Pecmi. Đá phiến, đá vôi, cát kết (c-p);

– Tầng chứa nước các thành tạo bở rời pleistocen. Cát, cuội, sỏi (qp);

– Lớp chứa nước các thành tạo bở rời pleistocen trên. Cát, sỏi, sạn (qp2);

– Dải chứa nước các thành tạo lục nguyên Trias trung, bậc Ladini. Dăm kết ( t2l).

Các đơn vị không chứa nước được chia ra: rất nghèo nước và không chứa nước. Các thành tạo rất nghèo nước là các thành tạo địa chất có tính thấm nước kém, lưu lượng các xuất lộ nước tự nhiên hoặc nhân tạo rất nhỏ không có ý nghĩa trong việc khai thác sử dụng tập trung. Các thành tạo không chứa nước có thể là các thành tạo địa chất có tính thấm nước rất kém, rất ít các xuất lộ tự nhiên hoặc. Các thành tạo rất nghèo nước và không chứa nước không tiến hành phân chia mà để nguyên các địa tầng địa chất.

2. Cách thể hiện kết quả phân chia các đơn vị chứa nước và không chứa nước

Kết quả phân chia ra các đơn vị chứa nước và không chứa nước được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau. Trong đó bảng tổng hợp và đồ thị là những phương pháp chính.

Bảng tổng hợp thể hiện các nội dung: số thứ tự, tên phân vị phân chia, diện tích phân bố ( km2), diện tích chiếm tỷ lệ,%. Hàng ngang liệt kê các phân vị phân chia theo thứ tự  các tầng chứa nước lỗ hổng -> các tầng chứa nước khe nứt -> các thành tạo rất nghèo nước và không chứa nước theo trình tự từ “trẻ” đến “ già”.

Đồ thị hình tròn thể hiện diện tích phân bố của các phân vị chứa nước và không chứa nước. Diện tích của cả hình tròn ( 100% ) là diện tích của vùng nghiên cứu, diện tích phân bố các phân vị địa chất thủy văn phần lộ trên mặt đất được tính tỷ lệ % so với cả vùng và thể hiện trên đồ thị theo thứ tự của bảng thống kê bằng màu xắc: xanh da trời cho các tầng chứa nước lỗ hổng, xanh lá cây cho các tầng chứa nước khe nứt, màu nâu nhạt cho các thành tạo rất nghèo nước, màu nâu đậm cho các thành tạo không chứa nước. Nếu vùng nghiên cứu có các tầng chứa nước bị phủ dưới mặt đất thì phải lập biểu đồ riêng. Nếu có các tầng chứa nước bị phủ thứ 2, thứ 3… thì mỗi tầng chứa nước bị phủ lập một  đồ thị.

Ví dụ minh họa. Các phân vị chứa nước và không chứa nước vùng Vĩnh Phúc, diện tích 1320 km2 có kết quả phân chia thể hiện ở bảng 2 và hình vẽ dưới đây.

DL1

3.Đánh giá mức độ giầu nước của các đơn vị  chứa nước

Để đánh giá mức độ giầu nước khi lập bản đồ địa chất thủy văn có thể sử dụng 1 hoặc tổ hợp 1-2 chỉ tiêu sau: Lưu lượng các mạch nước hoặc giếng đào (Q), l/s; tỷ lưu lượng (q), l/sm hoặc lưu lượng lỗ khoan (Q), l/s. Ngoài ra còn có thể xem xét đến hệ số thấm (k, m/ng) hoặc hệ số dẫn (km, m2/ng) của đất đá chứa nước; môđuyn dòng chảy dưới đất, môđuyn khai thác; diện phân bố, chiều dày và ý nghĩa thực tế của phân vị chứa nước…

Việc phân chia tầng chứa nước theo mức độ giầu nước thường áp dụng phương pháp 3 thang hoặc 5 thang. Phương pháp 5 thang gồm các mức độ: rất giầu nước, giầu nước, giầu nước trung bình, nghèo nước và rất nghèo nước. Phương pháp 3 thang gồm các mức độ: giầu nước, giầu nước trung bình và nghèo nước.

Việc phân chia tầng chứa nước theo mức độ giầu nước đang áp dụng ở nước ta hiện nay là phương pháp 3 thang: giầu nước, giầu nước trung bình, nghèo nước. Năng suất các điểm nước dùng để xếp vào thang giầu nước như bảng 3.

Bảng 3. Phân chia mức độ giầu nước theo năng suất các điểm nước

Mức độ giầu nước

Lỗ khoan

Lưu lượng mạch lộ hoặc giếng đào, l/s

Lưu lượng, l/s

Tỷ lưu lượng, l/s.m

Giầu nước

>5

> 0,5

> 1

Giầu nước trung bình

1-5

0,2-0,5

0,2- 1

Nghèo nước

< 1

< 0,2

>0,2


Các chỉ tiêu khác như tính thấm của đất đá chứa nước, diện phân bố và chiều dày tầng chứa nước, ý nghĩa khai thác của tầng chứa nước…hiện nay chưa được nghiên cứu định lượng

Tổng hợp đánh giá mức độ giầu nước chung cho cả tầng chứa nước thực hiện như sau:

Trường hợp thứ nhất, lưu lượng các điểm nước nghiên cứu phân bố không có quy luật, phải tổng hợp kết quả đánh giá các suất lộ nước riêng biệt, sau đó sắp xếp tính toán thống kê xác định các giá trị nhỏ nhất, lớn nhất, giá trị trung bình số học và số trung vị để xếp chung tầng chứa nước vào 1 thang giầu nước.

Đối với các tầng chứa nước khe nứt, thang giầu nước của cả tầng được tính theo sự trội hơn của lưu lượng các điểm nước nghiên cứu, giá trị trung bình số học và số trung vị cũng nằm ở thang lựa chọn. Ví dụ, tầng chứa nước khe nứt karst trong đá vôi c-p được nghiên cứu ở 20 nguồn lộ, trong đó lưu lượng <0,2 l/s có 5 nguồn lộ chiếm 25%, lưu lượng 0,2-1 l/s có 7 nguồn lộ, chiếm 35%, lưu lượng >1 l/s có 8 chiếm 40%, giá trị  trung bình số học là 1,8 l/s, số trung vị là 1,95 l/s. Như vậy có thể xếp tầng chứa nước c-p vào loại giầu nước.

Đối với các tầng chứa nước lỗ hổng, thang giầu nước của cả tầng được tính theo tỷ lưu lượng hoặc lưu lượng của các điểm nước đạt trên 50% tổng số điểm nước nghiên cứu, giá trị trung bình số học và số trung vị nằm ở thang lựa chọn. Ví dụ, tầng chứa nước lỗ hổng các trầm tích holocen có 20 lỗ khoan nghiên cứu, trong đó tỷ lưu lượng <0,2 l/s.m có 3 lỗ khoan chiếm 15%, tỷ lưu lượng 0,2-0,5l/s.m có 11 lỗ khoan chiếm 55%, tỷ lưu lượng >0,5l/s.m có 6 lỗ khoan chiếm 30%, giá trị trung bình số học là 0,35 và số trung vị là 0,38 l/s.m. Như vậy có thể xếp tầng chứa nước vào loại giầu nước trung bình.

Trường hợp thứ 2, lưu lượng các điểm nước nghiên cứu biến đổi một cách có quy luật theo diện tích thì phải phân chia tầng chứa nước ra các khu có độ giầu nước khác nhau, việc tổng hợp đánh giá độ giầu nước cho mỗi khu thực hiện tương tự như trên.

Để đánh giá các thành tạo rất nghèo nước và không chứa nước thường dựa vào kết quả phân tích thành phần hạt của đất đá bở rời, quan sát mức độ nứt nẻ của đất đá cố kết hoặc kết quả xác định hệ số thấm của đất đá, năng xuất các xuất lộ tự nhiên và nhân tạo nước dưới đất. Các thành tạo rất nghèo nước là các thành tạo địa chất có tính hấp thụ và khả năng thấm nước rất nhỏ, không có ý nghĩa để khai thác tập trung, tuy nhiên ở các vùng khan hiếm nước cũng có thể tận dụng khai thác cung cấp với yêu cầu rất nhỏ, phân tán. Các thành tạo không chứa nước là các thành tạo địa chất không có khả năng hấp thụ hay thấm nước với hệ số thấm rất nhỏ, chúng đóng vai trò tầng cách nước. (còn nữa)

(PGS.TS. Nguyễn Văn Đản)