Phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016-2020”.

Ngày 29 tháng 01 năm 2016, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 172/QĐ-BKHCN phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016-2020”, mã số BĐKH/16-20 do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện với những nội dung chủ yếu sau:
I. Mục tiêu
1. Ứng dụng có hiệu quả công cụ, mô hình tiên tiến trong giám sát biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện Việt Nam; Đề xuất các giải pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của triều cường, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng gây ra tại các vùng trọng điểm (Đồng bằng sông Cửu Long, ven biển miền Trung và Đồng bằng sông Hồng).
2. Cung cấp luận chứng khoa học cho việc đánh giá tiềm năng, giá trị của một số tài nguyên quan trọng trên đất liền và biển, hải đảo, đồng thời đề xuất các định hướng quy hoạch, quản lý và khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia.
3. Làm rõ quan hệ và lượng giá biến đổi khí hậu – tài nguyên – môi trường – hệ sinh thái, theo đó đề xuất các giải pháp phát triển bền vững, quản lý tổng hợp tại một số vùng trọng điểm.
II. Nội dung nghiên cứu
1. Về ứng phó với biến đổi khí hậu:
– Nghiên cứu cơ sở khoa học để nhận dạng các tác động của biến đổi khí hậu và sự thay đổi của các hiện tượng khí hậu thông thường phục vụ công tác đánh giá thực trạng biến đổi khí hậu ở Việt Nam;
– Xây dựng, phát triển hệ thống giám sát biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với Việt Nam, đảm bảo hội nhập quốc tế; đề xuất giải pháp, mô hình ứng phó biến đổi khí hậu, sử dụng hợp lý tài nguyên và đảm bảo an ninh phi truyền thống đối với một số vùng trọng điểm (lưu vực những sông chính, Đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Sông Hồng, ven biển Miền Trung);
– Nghiên cứu đề xuất các giải pháp chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, vùng, miền, nhất là các địa phương ven biển, vùng núi cao, vùng dễ bị tổn thương. Tập trung chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu;
– Nghiên cứu đề xuất giải pháp chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng các bon thấp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; thí điểm phát triển mô hình kinh tế xanh, công nghiệp xanh, đô thị xanh, nông thôn xanh, nông nghiệp thông minh, đô thị thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; đề xuất giải pháp tận dụng cơ hội, chuyển hóa các thách thức từ biến đổi khí hậu để phát triển kinh tế – xã hội.
2. Về quản lý tài nguyên và môi trường:
– Nghiên cứu xây dựng mô hình và ứng dụng công nghệ hiện đại trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đánh giá, giám sát quản lý và sử dụng đất, đất ngập nước phục vụ công tác quản lý, sử dụng đất bền vững;
– Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý, khai thác nguồn thu từ đất, kinh tế đất;
– Nghiên cứu đề xuất các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước nội địa và liên quốc gia;
– Ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thám, công cụ mô hình toán, tự động hóa trong đánh giá, dự báo, vận hành điều tiết nước, giám sát tài nguyên nước, kiểm soát các hoạt động gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước;
– Nghiên cứu xây dựng mô hình khai thác bền vững, minh bạch khoáng sản, tài nguyên vị thế, tài nguyên sinh vật, gắn với bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản;
– Nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến trong đo vẽ bản đồ địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản biển và khoáng sản ẩn sâu phần đất liền;
– Nghiên cứu cơ chế quản lý về bảo vệ môi trường theo từng loại hình và khu vực; đề xuất cơ chế chính sách bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong mối tương quan với biến đổi khí hậu. 
3. Nghiên cứu cơ sở khoa học đối với những vấn đề có tính tổng hợp, liên ngành và liên vùng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường:
– Nghiên cứu cơ sở khoa học và mối liên hệ tác động giữa biến đổi khí hậu, tài nguyên và môi trường theo đặc trưng vùng; xác lập quan hệ và lượng giá biến đổi khí hậu – tài nguyên – môi trường và đề xuất các giải pháp phát triển bền vững, quản lý tổng hợp một số vùng trọng điểm (lưu vực những sông chính, đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, ven biển Miền Trung); xác lập cơ sở khoa học và thực tiễn hạch toán tài nguyên và môi trường trong hệ thống hạch toán mới của quốc gia phục vụ công tác hoạch định chính sách, điều hành và quản lý;
– Nghiên cứu và phân vùng chức năng dựa trên đặc tính sinh thái, tiềm năng tài nguyên và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu làm căn cứ để lập quy hoạch phát triển và phân phối sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu;
– Nghiên cứu xây dựng mô hình trình diễn lồng ghép ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường trong quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển bền vững của địa phương và các vùng trọng điểm;
– Nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng công nghệ mới, thiết bị, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho công tác chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường.
4. Lựa chọn và hỗ trợ chuyển giao các kết quả nghiên cứu đã được nghiệm thu thuộc Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011 – 2015”.
III. Sản phẩm khoa học và công nghệ
1. Cơ chế chính sách, công nghệ, giải pháp, mô hình tính toán trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường.
2. Các mô hình trình diễn lồng ghép ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường trong quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương và các vùng trọng điểm.
3. Báo cáo tổng kết, các báo cáo chuyên đề, sách chuyên khảo, các công trình khoa học công nghệ công bố, tài liệu tập huấn.
IV. Các chỉ tiêu đánh giá
1. Chỉ tiêu về trình độ khoa học: 100% đề tài/dự án có kết quả được công bố trên tạp chí khoa học công nghệ có uy tín của quốc gia, ít nhất 20% đề tài/dự án có kết quả được công bố quốc tế.
2. Chỉ tiêu về ứng dụng thực tiễn: 100% kết quả nghiên cứu có địa chỉ ứng dụng, trong đó ít nhất 60% các công nghệ, chính sách, giải pháp, mô hình đề xuất, cơ sở dữ liệu được các cấp có thẩm quyền (Chính phủ, Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) chấp thuận cho phép triển khai.
3. Chỉ tiêu sở hữu trí tuệ: 30% số đề tài/dự án có kết quả được chấp nhận đơn yêu cầu bảo hộ sở hữu trí tuệ (giải pháp hữu ích cho sáng chế).
4. Chỉ tiêu về đào tạo: 80% số đề tài, dự án đào tạo được hoặc góp phần đào tạo ít nhất là 01 tiến sỹ và 01 đến 02 thạc sỹ.
5. Chỉ tiêu về cơ cấu, nhiệm vụ khi kết thúc chương trình:
– 50% đề tài/dự án có kết quả phục vụ trực tiếp cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và các vùng trọng điểm;
– 20% đề tài/dự án có kết quả phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý tài nguyên và môi trường;
– 20% đề tài/dự án có kết quả nghiên cứu mang tính tổng hợp phục vụ liên ngành và liên vùng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường;
– 10% các dự án triển khai từ kết quả nghiên cứu và có khả năng nhân ra diện rộng./.

(Thanh Loan- VP NAWAPI)