Hiệu quả từ hệ thống tưới tiết kiệm nước

Để đảm bảo nước tưới cho cây trồng và tiết kiệm nước trong mùa khô, một số tỉnh miền Nam đã tiến hành những biện pháp chống hạn tạm thời và lâu dài. Trong đó, việc áp dụng mô hình tưới tiết kiệm những năm gần đây đã đem lại hiệu quả cao, không những tiết kiệm nước tưới mà còn giúp cây trồng rút ngắn thời gian sinh trưởng, đem lại năng suất cao. Thế nhưng, để công nghệ tưới tiết kiệm phát huy đúng tác dụng còn cần nhiều điều phải làm.
Đồng Nai là tỉnh đi đầu trong việc áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm (TTK). Sau nhiều lần cải tiến, hệ thống TTK, bón phân qua đường ống đã hoàn thiện, giá thành thấp 12-15 triệu/ha, phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân. Song song đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tập trung vào công tác tuyên truyền, quảng bá, đào tạo kỹ thuật thiết kế, lắp đặt, vận hành và bảo trì hệ thống này. Không những thế, Trung tâm Khuyến nông cũng khuyến cáo người dân sử dụng công gia đình, tận dụng nguyên vật liệu hiện có để lắp đặt hệ thống tưới với chi phí thấp hơn dưới 10triệu/ha. Nhờ các biện pháp trên, hiện tại có khoảng 2.500 ha ây ăn trái, cây công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt hệ thống này. Qua đó, không chỉ tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây mà còn bảo vệ được nguồn tài nguyên nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do sử dụng phân bón và phương pháp bón hợp lý qua hệ thống tưới.
Với mức đầu tư vừa phải đã mang lại hiệu quả cao từ đó thành quả này không dừng lại ở địa bàn tỉnh mà còn nhân rộng ra các Bình Phước, Ninh Thuận, Lâm Đồng. Và nhiều địa phương không chỉ áp dụng hệ thống TTK cho cây trồng lâu năm mà còn áp dụng để tưới rau màu như    xã An Hải, huyện Ninh Phước, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận); vựa rau ở huyện Đơn Dương, Đức Trọng (Lâm Đồng) với hình thức, tưới nhỏ giọt cho cây ăn quả và tưới phun mưa áp lực thấp cho cỏ và rau màu.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh Ninh Thuận: Việc áp dụng Công nghệ này có nhiều lợi thế, vừa tiết kiệm được khoảng 35% lượng nước tưới, vừa có thể lắp đặt ở những nơi đất dốc, đất có tầng canh tác mỏng, mấp mô khó san phẳng, nơi khan hiếm nước. Khi sử dụng hệ thống TTK, người dân có thể kiểm soát được nhu cầu cần nước của cây trồng, nhờ đó tránh được xói mòn và rửa trôi so với biện pháp tưới nước cổ truyền.
Hiệu quả là thế nhưng việc áp dụng hệ thống TTK vẫn còn nhiều hạn chế. Ông Nông Văn Sinh, thành Viên Công ty Tuấn Hùng Cường chuyên trồng cây an quả, rau ở thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) cho biết: Hơn một năm nay, Công ty đã áp dụng công nghệ TTK, thấy có nhiều lợi thế, tiết kiệm được khoảng    50- 60%    nước cho cây mâm xôi (cây ăn quả). Nhưng sau một thời gian sử dụng, ống dẫn nước tưới thường bị nghẽn do nước bị nhiễm phèn. Phải rửa ống dẫn bằng cách ngâm trong axit Clo sau đó mới có thể dùng tiếp. Nhiều khi rửa rồi mà vẫn bị nghẽn phải thay ống dẫn khác.
Lắp hệ thống tưới tiết kiệm cho rau lại phức tạp hơn nhiều và phải cần nhiều đường ống, và phải có kiến thức mới vận hành được hệ thống. Nhiều hộ nông dân trồng ở Lâm Đồng thấy hệ thống TTK có hiệu quả đã tự bỏ vốn mua vật liệu về lắp đặt để tưới nước cho rau màu nhưng lại chưa được hướng dẫn cách vận hành tưới, cách bón phân kết hợp theo tỷ lệ phù hợp: tưới quá thời gian cho phép rau bị úng, tưới ít thời gian lại không đảm bảo độ ẩm cho rau, dẫn đến tác dụng ngược lại “tiền mất, vụ mùa thất bát”.
Giải quyết tình trạng trên, nhiều địa phương đã tiến hành nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả của mô hình này. Trung tâm Khuyến nông ở các địa phương đã và đang mở những lớp hướng dẫn kỹ thuật tưới, hỗ trợ vốn, sáng tạo nhiều hình thức phù hợp cho từng địa hình, nguồn nước (nước phèn, phù sa, đất cát). Nhiều nhà vườn ở huyện Xuân Lộc đã đầu tư xây dựng thêm hồ lọc nước (có màng lưới lọc) trước khi tưới hạn chế nghẽn nước do cát. Bên cạnh đó, theo phòng thủy lợi tỉnh Đồng Nai hiện tại tỉnh đang tiến hành dự án xây hồ thủy lợi kết hợp hệ thống tưới TTK ở Xuân Lộc để hạn chế việc nghẽn ống dẫn nước do phù sa ở sông.


(Theo Monre.gov.vn)