Đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất thủy văn đới ven sông từ thị xã Sơn Tây đến Hưng Yên

Toàn bộ diện tích khu vực nghiên cứu từ thị xã Sơn Tây đến Hưng Yên được phủ bởi các trầm tích Đệ tứ, trong đó 2 dải ven rìa tiếp giáp với phần rìa của đồng bằng Bắc Bộ là đồng bằng aluvi cổ. Vùng ven sông Hồng là đồng bằng aluvi trẻ, trầm tích Đệ tứ vùng nghiên cứu được chia làm 9 phân vị với tuổi và nguồn gốc khác nhau gồm: Hệ tầng Lệ Chi tuổi Pleistocen sớm, hệ tầng Hà Nội tuổi Pleistocen giữa – muộn, hệ tầng Vĩnh Phúc tuổi Pleistocen muộn, hệ tầng Hải Hưng tuổi Holocen sớm – giữa, hệ tầng Thái Bình tuổi Holocen muộn.

Căn cứ vào thành phần thạch học của đất đá chứa nước, cấu tạo địa chất và đặc tính chứa nước của chúng tiến hành phân chia mặt cắt địa chất thủy văn thành 2 tầng chứa nước lỗ hổng và 1 tầng chứa nước khe nứt.

Tầng chứa nước lỗ hổng các trầm tích Holocen ( qh )

Tầng chứa nước mô tả lộ ra trên bề mặt của cả diện tích vùng nghiên cứu, đặc biệt là các dải ven sông. Thành phần thạch học thường chia làm 2 lớp. Lớp trên phân bố không liên tục gồm sét pha, cát pha thuộc phần trên của hệ tầng Thái Bình có chiều dày từ rất nhỏ đến khoảng trên dưới 10 mét. Đất đá có tính thấm nước yếu, hệ số thấm dao động từ 0,0036 đến 0,065m/ng. Lớp dưới là cát có kích thước hạt khác nhau lẫn sạn sỏi, chiều dày trung bình khoảng 10 mét. Hệ số dẫn của đất đá chứa nước thay đổi từ 20 đến 800m2/ng. Hệ số nhả nước trọng lực thay đổi từ 0,01 đến 0,17.

Chiều sâu mực nước cách mặt đất thường là 3 đến 4 mét, riêng ở vùng nội thành thành phố Hà Nội bị hạ thấp sâu đến trên 10 mét do khai thác nước đang xẩy ra mạnh mẽ ở đây trong tầng chứa nước bên dưới làm cho mực nước tầng qh bị hạ thấp theo. Nước dưới đất tầng qh chủ yếu không có áp lực, nơi có áp lực chỉ hãn hữu do cấu trúc địa chất nên rất nhỏ.

Tầng chứa nước lỗ hổng các trầm tích Pleistocen ( qp)

Tầng chứa nước mô tả phân bố rộng khắp diện tích khu vực nghiên cứu, song không lộ trên mặt đất mà chỉ bắt gặp được nhờ các lỗ khoan. Chiều sâu bắt gặp mái tầng chứa nước thường từ 10 mét ở vùng tây bắc đến 35 mét ở vùng trung tâm và phía đông nam vùng nghiên cứu.

Thành phần đất đá chứa nước thường được chia làm 2 lớp. Lớp trên là cát hạt trung đến thô lẫn sạn, sỏi thuộc phần dưới của hệ tầng Vĩnh Phúc có chiều dày 10 mét đến 15 mét. Lớp dưới gồm cuội, sỏi, cát sạn dày 10 mét đến 35 mét. Hệ số dẫn (KM) của đất đá chứa nước lớp trên là 50-300m2/ng, lớp dưới 300-1600m2/ng, đôi chỗ lớn hơn. Nước dưới đất có áp lực, cột áp lực thường 10-23m. Mực áp lực thường phân bố ở độ sâu 2-4m cách mặt đất, vùng nội thành thành phố Hà Nội do khai thác nước ở tầng này rất mạnh nên mực nước hạ xuống rất sâu đến 10-30 mét.

Tầng chứa nước qp thuộc loại rất giầu nước, hầu như tất cả các lỗ khoan thí nghiệm đều có tỷ lưu lượng lớn hơn 1 l/s.m, 70% các lỗ khoan thí nghiệm có tỷ lưu lượng lớn hơn 3 l/s.m. Nước trong tầng qp là nước nhạt, độ tổng khoáng hóa tối đa cũng chỉ đến 0,8g/l với thành phần chủ yếu là Bicarbonat – calci, đôi nơi Bicarbonat clorua – calci.

Nằm giữa 2 tầng chứa nước kể trên là các trầm tích cách nước hệ tầng Hải Hưng và Vĩnh Phúc, Các trầm tích cách nước kể trên chỉ lộ ra ở rìa đồng bằng, còn ở vùng nghiên cứu bị phủ kín. Tuy nhiên dọc theo sông Hồng, đặc biệt là đoạn từ Sơn Tây đến hết khu vực nội thành thành phố Hà Nội, chúng bị bào mòn làm cho tầng chứa nước qh và qp phủ trực tiếp lên nhau tạo thành các cửa sổ địa chất thủy văn làm cho nước sông Hồng và các tầng chứa nước qh và qp có quan hệ thủy lực rất chặt trẽ, đó cũng là cơ sở khoa học để xây dựng các công trình khai thác dạng thấm ven bờ đã, đang và sẽ phát triển mạnh ở đây.

Tầng chứa nước khe nứt vỉa các trầm tích Neogen (n)

Tầng chứa nước mô tả phân bố rộng rãi khắp vùng nghiên cứu nhưng bị phủ hoàn toàn nên chỉ bắt gặp được nhờ các lỗ khoan. Độ sâu bắt gặp khoảng từ 50 mét đến 90 mét. Thành phần đất đá chứa nước gồm cát kết, sạn kết, bột kết có mức độ gắn kết yếu. Chiều dày tầng chứa nước từ 50 đến 350 mét. Tổng hợp các kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ có ở phía đông nam, khoảng từ Nhật Tân, Xuân La trở xuống là có tính chứa nước tốt hơn.

Các lỗ khoan thí nghiệm ở vùng này cho tỷ lưu lượng từ 0,66 đến 3,75l/s.m. Hệ số dẫn nước của đất đá từ 55 đến 840m2/ng. Có thể xếp chung tầng chứa nước vào mức độ trung bình. Nước trong tầng chứa nước Neogen có chất lượng rất tốt do chưa bị nhiễm bẩn. Các khu đô thị như Định Công, Linh Đàm, Pháp Văn đang khai thác nước để ăn uống sinh hoạt vào tầng chứa nước Neogen.

(VPTT)