Nước thải tái chế: An toàn nhưng vẫn e ngại

vv17Một báo cáo mới đây đã nhấn mạnh những tiến bộ trong công nghệ tái chế và dự đoán về sự tăng trưởng trong các chương trình xử lý.
Theo một báo cáo mới đây, công nghệ lọc nước đã đạt đến trình độ nước thải có thể đủ an toàn để uống, tuy nhiên có những rào cản về pháp lý và tâm lý cần phải được vượt qua trước khi công nghệ này có thể được ứng dụng rộng rãi.
“Phát triển việc tái sử dụng nước có thể làm tăng đáng kể nguồn tài nguyên nước của các quốc gia, đặc biệt là ở các cộng đồng ven biển” – ông Rhodes Trussell, giám đốc công ty Trussell Technologies ở Pasadena, California kiêm chủ tịch ủy ban đã viết báo cáo này nhận xét.
Nước thải đã qua xử lý, còn được gọi là nước tái chế, thường được sử dụng cho thủy lợi và công nghiệp. Nhiều thị trấn ngày nay phải dựa vào nguồn nước tái sử dụng vì họ lấy nước từ các ống thoát nước thải của các thành phố khác.
“Trên thực tế, tái sử dụng nước thải đang diễn ra trên khắp nước Mỹ” – ông Trussell nói.
Tuy nhiên, để mọi người chủ động uống nước thải đã xử lý là rất khó khăn.
Báo cáo mới nhấn mạnh sự an toàn
Một báo cáo mới của Hội đồng Nghiên cứu quốc gia (NRC) – cơ quan đã xem xét công nghệ xử lý nước thải hiện tại – cho thấy những mối nguy hiểm có thể có cho sức khỏe liên quan đến việc tiếp xúc với các chất độc hóa học là hy hữu.
“Công nghệ hiện nay có thể làm giảm các chất độc hóa học và vi sinh vật có hại tới mức độ ngang bằng hoặc thấp hơn mức hiện có trong nhiều nguồn cung cấp nước uống hiện tại” – ông Trussell cho hay.
Ông Trussell và các tác giả khác của NRC cho biết Chính phủ có thể làm nhiều việc để giúp người dân tăng sự tin tưởng vào các chương trình xử lý nước thải thành nước uống và giúp cung cấp mức độ bảo vệ tối thiểu ổn định trên cả nước. Đa số các mục tiêu này có thể đạt được nhờ vào các quy định khắt khe của liên bang – họ cho biết.
“Ví dụ, theo Đạo luật Nước sạch, các quy định tiền xử lý – đã đạt được những thành công lớn trong việc giảm mức độ độc hại trong nước thải của quốc gia kể từ khi chúng bắt đầu được thực hiện – có thể được cập nhật để giảm thiểu một cách quyết liệt hơn các chất độc hữu cơ trước đây không được đưa vào trong danh sách ban đầu vào năm 1977”. Nói cách khác, bằng cách cập nhật các tiêu chuẩn phù hợp với kiến thức hiện đại, người tiêu dùng có thể cảm thấy tin tưởng hơn rằng loại nước này thực sự an toàn.
Một thách thức khác là các quy định tái sử dụng nước có thể khác nhau giữa các địa phương. “Ở hầu hết các cộng đồng ven biển, nước thải thành phố thuộc về cơ quan nước thải và giữ lại để tái sử dụng là khá dễ dàng. Nhưng ở nhiều cộng đồng nội địa, nước đó trên phương diện pháp lý lại thuộc về người sử dụng hạ lưu” – ông Trussell nói.
Nhưng có lẽ trở ngại lớn nhất cần phải vượt qua trước khi cộng đồng chấp nhận uống nước thải tái chế không phải là vấn đề công nghệ và pháp lý, mà là tâm lý.
Quen với ý tưởng mới
“Khía cạnh tâm lý thường là yếu tố quan trọng” – ông Paul Rozin, một nhà tâm lý học tại ĐH Pennsylvania cho biết. Hầu hết mọi người đều sợ ý tưởng uống nước tái chế. Ông Rozin giải thích: “Nỗi khiếp sợ xuất phát từ sự liên quan của nó với chất thải. Với nước máy hay nước đóng chai, người ta không có xu hướng nghĩ về nơi xuất xứ, nhưng với nước tái chế thì có”. (Mặc dù sự thật là nhiều người đang uống nước tại các nguồn nước dẫn từ các cơ sở xử lý nước thải).
Một cách để vượt qua nỗi sợ hãi là tách biệt ấn tượng về nước tái chế và nguồn gốc của nó. Ví dụ người ta có thể bán nước đã xử lý dưới một cái tên sản phẩm hấp dẫn nào đó. Hoặc theo một cách thức khác, như ý kiến của ông Rozin, là học theo tấm gương của Singapore. “Họ đang chuyển hướng sang nước tái chế một cách từ từ. Người sử dụng sẽ được hưởng một khoản lợi ích về kinh tế ưu đãi cho việc chuyển đổi này” – ông nói.
Đầu tiên, họ lấy nước tái chế và bơm xuống đất, tức là không đi trực tiếp từ nước tái chế sang nước uống. Và họ cũng cung cấp nước tái chế miễn phí cho tất cả mọi sự kiện liên quan đến thực phẩm”.
Một ví dụ khác về một chương trình tái chế nước thải thành công là Hệ thống Bổ sung nước ngầm ở hạt Orange, California. Ở đó, nước thải được xử lý tới một cấp độ vượt qua các tiêu chuẩn nước uống của bang và liên bang, rồi sau đó được xả vào các lưu vực bổ sung nước ngầm địa phương – và cuối cùng được dùng bởi thành phố hoặc người dân. Trước đây, nước thải đã qua xử lý chỉ đơn giản là được thoát ra Thái Bình Dương. Nhưng tiến trình mới này sẽ giúp kéo dài tuổi thọ của các tầng nước ngầm, và có thể làm cho ý tưởng dùng lại nước tái chế hấp dẫn hơn là dùng từ tái chế trực tiếp vì nước tái chế này tiếp tục được lọc bổ sung một cách tự nhiên trong lòng đất.
“Dự án này đã bắt đầu việc mở rộng từ 70 tới 100 triệu gallon mỗi ngày” – ông Trussell nói.
Ông Trussell cho rằng hệ thống Bổ sung nước ngầm và các chương trình khác trên khắp nước Mỹ đã khiến chúng ta có thể lạc quan về tương lai của các chương trình xử lý nước thải. “Càng ngày các dự án càng được tiến hành một cách công khai và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của công chúng” – ông nói thêm.
Nhìn chung, nhà tâm lý học Rozin tới từ ĐH Pennsylvania cho rằng mọi người thường đánh giá thấp khả năng thích nghi của họ với những cái mới, trong đó có cả việc uống nước đã xử lý.
“Không có gì đáng nghi ngờ về việc người ta có thể quen với điều này”.
Tuy nhiên, trong khi tái chế nước thải có thể đóng góp đáng kể vào nguồn nước ngọt quốc gia, thì bản thân nó sẽ không giải quyết được tất cả các vấn đề về nước mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong những thập kỉ tới.
“Chúng tôi ước tính rằng việc tái sử dụng tất cả nước thải mà chúng ta thải ra các đại dương và vùng cửa sông sẽ làm tăng nguồn nước có thể sử dụng được cho các thành phố của Mỹ khoảng 6%. Đáng kể nhưng chưa thể coi là giải pháp đột phá” – ông nói.
Điều này có nghĩa là việc con người sử dụng nước tái chế có thể giúp giảm bớt mức khai thác sử dụng các tầng nước ngầm và sông ngòi. Nhưng để giải quyết vấn đề nguồn nước một cách cơ bản thì chúng ta vẫn phải cải thiện hệ thống quản lý tài nguyên nước trên quy mô toàn cầu.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thảo – tiasang.com.vn

Nguồn tin: Dịch từ National Geographic