Gom nước mưa cho… nước ngầm

Đưa nước mưa bổ sung cho nguồn nước ngầm là hoàn toàn khả thi
Việc đưa nước mưa bổ sung cho nguồn nước ngầm là hoàn toàn khả thi. PGS.TS Nguyễn Việt Kỳ, trưởng khoa kỹ thuật địa chất và dầu khí, trường đại học Bách khoa TP.HCM khẳng định như vậy sau ba năm thử nghiệm đề tài “Nghiên cứu bảo vệ và phát triển nước dưới đất bằng nguồn nước mưa tại khu vực nội thành TP.HCM” ở ký túc xá (KTX) đại học Quốc gia TP.HCM và trường đại học Bách khoa TP.HCM.
Ông đánh giá như thế nào về tác động và hiệu quả của mô hình thu gom nước mưa đang được thực hiện tại hai địa điểm nói trên?
 
Về cơ bản, cách chúng tôi đang làm đã giúp giảm được lượng nước mưa chảy tràn trên mặt đất, bổ sung, làm giàu thêm chất và lượng tầng chứa nước. Về hiệu quả, hai mô hình này hấp thụ nước rất tốt, giúp chúng tôi tính được kích thước giếng sao cho phù hợp với từng diện tích thu gom, tính được khả năng hấp thụ nước của một số tầng chứa ở khu vực nội thành. Ví dụ, nếu diện tích mái nhà là 500m2, thì đường kính của giếng là 149mm, khối lượng nước hấp thụ được là 50m3/giờ.  

Qua thực tế, lượng nước mưa thu gom được mỗi năm ở hai nơi này là bao nhiêu, thưa ông?

Hiện tại chúng tôi chưa tổng hợp chính thức lượng nước mưa thu gom được trong từng năm của hai địa điểm trên, nhưng có tính được số lượng nước mưa thu gom trong từng cơn mưa. Chẳng hạn, tại KTX đại học Quốc gia, chúng tôi thu gom trên diện tích mái nhà là 500m2, với cường độ mưa 100mm/giờ, thì mỗi giờ tại đây thu gom được 50m3; còn tại trường đại học Bách khoa, diện tích thu gom được thực hiện là 14ha, với cường độ mưa như trên, mỗi giờ chúng tôi thu gom được 7.500m3.

Vậy tại sao đến giờ cách làm này chưa được thực hiện rộng rãi trên địa bàn thành phố?

Hiện nay, có một số người, một số nơi đã ứng dụng mô hình này, như một số anh em bên trường đại học Khoa học tự nhiên, một số thầy cô giáo ở trường đại học Bách khoa. Nhóm nghiên cứu của chúng tôi cũng đang thuyết phục các tỉnh sử dụng phương pháp này. Thật sự mà nói, hiện nay người dân cũng như các nhà đầu tư không muốn làm việc này vì chưa ý thức được tầm quan trọng hoặc chưa thật sự quan tâm đến việc bảo vệ nguồn nước. Trong khi đó, ông chủ người Thái Lan của nhà máy thức ăn gia súc ở Bến Lức (Long An) lại rất ý thức điều này. Ông ta đã tự xây dựng cho mình một cái giếng với đường kính 800mm, nước mưa trên mái nhà xưởng được đưa thẳng vào để trữ nước trong lòng đất.

Nhưng đây là đề tài được thành phố chấp thuận, cấp vốn để thực hiện, do đó thành phố có thể yêu cầu các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư… khi xây dựng các công trình phải có hệ thống thu gom nước mưa?

Một khi trở thành quy định thì sẽ bắt buộc. Sau khi kết thúc đề tài, chúng tôi sẽ đưa quy trình, kết cấu hệ thống chuẩn với các yêu cầu về mặt kỹ thuật, trên cơ sở đó sở Xây dựng sẽ đưa ra những quy định bắt buộc đối với các nhà đầu tư, lúc đó mới có thể triển khai đại trà. Đề tài này sẽ được nghiệm thu khi hết mùa mưa năm 2012, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành sớm hơn, vào cuối mùa mưa năm nay để có thể có kết quả cơ bản về những quy trình kỹ thuật.

Theo ông, nếu áp dụng rộng rãi phương pháp này, mỗi năm thành phố sẽ thu gom được bao nhiêu nước mưa?

Nếu chỉ tính riêng nội thành thì diện tích đã đến 450km2, với mật độ xây dựng là 15%, trong đó khoảng 5% diện tích mái nhà lớn, chúng ta đã có 20km2 để thu gom nước mưa. Như vậy, với lượng mưa bình quân của thành phố hiện nay từ 1.600 – 2.200mm/năm, mỗi năm, lượng nước mưa thu gom được là trên 32 triệu m3 để bổ sung cho lượng nước ngầm.

Chi phí để người dân xây dựng hệ thống thu gom nước mưa có quá lớn không, thưa ông?

Nếu người dân làm thì không quá tốn kém. Một giếng bán công nghiệp hiện giá khoảng 1,5 triệu đồng, cộng với một số chi phí về đường ống, thì mất khoảng 2 triệu đồng là một hộ dân có được một hệ thống thu gom nước mưa. Tuy nhiên, có một vấn đề cần phải cẩn thận, đôi khi một số người lợi dụng cái giếng này để đổ nước thải xuống. Do đó, phải làm sao nâng cao nhận thức, ý thức người dân về bảo vệ tài nguyên nước dưới đất.







(Theo Hồ Quang-Sài Gòn tiếp thị, 11/5)