Lễ ký kết thỏa thuận thực hiện Dự án “Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam”

IMG_9982_re_ky_2Ngày 28/01/2016, tại Hà Nội, được sự đồng ý của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Kinh tế và Hợp tác Phát triển Cộng hòa Liên bang Đức, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (NAWAPI) phối hợp Viện Liên bang Khoa học Địa chất và Tài nguyên liên bang (BGR), Cộng hòa Liên bang Đức long trọng tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận thực hiện Dự án “Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam”. Đây là dự án hỗ trợ kỹ thuật nguồn vốn ODA do Chính phủ CHLB Đức tài trợ cho Chính phủ Việt Nam, được triển khai thực hiện từ năm 2015 đến hết năm 2017.

Ông Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia chủ trì buổi lễ. Tham dự buổi lễ, về phía Việt Nam, đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường có ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện Lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Quản lý tài nguyên nước, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam; đến từ Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường có ông Nguyễn Chí Công, Phó Tổng Giám đốc; ông Triệu Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc; ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng Giám đốc và đại diện các phòng Ban, đơn vị trực thuộc Trung tâm QH&ĐTTNNQG.

Về phía CHLB Đức có bà Franziska Lang, đại diện Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam; đến từ Viện Liên bang Khoa học Địa chất và Tài nguyên Liên bang (BGR) có bà Dorit Geb.Hadersbeck Lehrack, Cố vấn trưởng Dự án; ông Florian Christoph Jenn, Chuyên gia thường trực kỹ thuật Dự án; các chuyên gia BGR, IGPVN và các phóng viên đến từ Truyền hình Thông tấn, Thông tấn xã Việt Nam cùng tham dự.

Như chúng ta đã biết, tài nguyên nước ngầm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tự nhiên và xã hội, là nguồn cung cấp nước vô cùng quý giá cho dân sinh, mọi hoạt động sản xuất, dịch vụ. Song nguồn nước dưới đất tại Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ suy thoái, cạn kiệt. Trước thực trạng đó, CHLB Đức đã tiếp tục cam kết vốn không hoàn lại cho Chính phủ Việt Nam với mục tiêu cải thiện, bảo vệ và quản lý nước ngầm ở các tỉnh ven biển Việt Nam. Đồng thời, trên cơ sở các kết quả đạt được của Dự án “Tăng cường năng lực quy hoạch và điều tra nước ngầm tại các khu đô thị Việt Nam” (do NAWAPI và BGR phối hợp thực hiện từ năm 2009 đến năm 2014) và việc phân tích các vấn đề cần giải quyết ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tại Kỳ họp đàm phán về hợp tác phát triển bền vững Việt Nam – CHLB Đức năm 2013, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được lựa chọn làm nơi triển khai Dự án “Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam” (2015 – 2017). Dự án hướng đến mục tiêu tăng cường quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên nước dưới đất ở Việt Nam nhằm phòng chống nguy cơ suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn dưới tác động của biến đổi khí hậu.

IMG_9926_re

Mở đầu buổi lễ, ông Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới Viện BGR, các chuyên gia BGR, cùng sự giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi của Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Vụ chức năng và sự phối hợp, cộng tác của các cơ quan ngoài Bộ như Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao.

Ông Tống Ngọc Thanh cho biết, thời gian qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên nguồn nước mặt đang ngày càng bị đe doạ. Vì thế, các tầng chứa nước ngọt sẽ trở thành nguồn cung cấp nước chủ yếu trong tương lai của Việt Nam. Hơn bao giờ hết, Việt Nam đã và đang đặc biệt quan tâm bảo vệ nguồn nước ngầm, đồng thời xác định quản lý bền vững nguồn tài nguyên hữu hạn này là một yếu tố quan trọng cho đời sống dân sinh, sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tăng cường bảo vệ nước ngầm là một nhân tố thiết yếu cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Đó cũng là mục tiêu chính của Dự án “Tăng cường Bảo vệ Nước ngầm tại Việt Nam” do Trung tâm QH&ĐTTNNQG phối hợp với Viện BGR thực hiện.

Dự án “Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam” (2015 – 2017) sẽ thực hiện các nhiệm vụ chính: i) Xây dựng các văn bản hướng dẫn kỹ thuật và các khuyến nghị về bảo vệ, khai thác tài nguyên nước ngầm tại các địa phương; ii) Bổ sung các dữ liệu điều tra cơ bản về nước ngầm tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long; sửa chữa, nâng cấp mạng quan trắc xâm nhập mặn tài nguyên nước dưới đất trong vùng dự án; iii) Tăng cường năng lực kỹ thuật về điều tra, đánh giá bảo vệ tài nguyên nước dưới đất cho các cơ quan tham gia dự án; iv) Nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ tài nguyên nước dưới đất cho địa phương vùng dự án; Tăng cường việc phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý, đối tượng sử dụng nước và các bên liên quan tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

IMG_9944_re

Tại buổi lễ, đại diện Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển đánh giá cao sự hợp tác hỗ trợ kỹ thuật của Viện BGR và Trung tâm QH&ĐTTNNQG trong việc bảo vệ tài nguyên nước ngầm ở Việt Nam, đặc biệt là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long là hạ nguồn của sông Mê Công và cũng là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Chính vì vậy, trong kế hoạch phát triển đất nước giai đoạn 2015 – 2020, Chính phủ Việt Nam đã đặc biệt quan tâm vấn đề khai thác và bảo vệ tài nguyên nước của vùng Đồng bằng sông Cửu Long để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của vùng.

Đồng thời, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của nước ngầm. Cùng với nguồn tài nguyên nước mặt, nước ngầm là một trong những nguồn tài nguyên thiên nhiên cung cấp nước chính cho dân sinh và cho toàn xã hội. Song việc khai thác và sử dụng quá mức nguồn nước dưới đất đang diễn ra ở nhiều nơi, gây cạn kiệt tài nguyên và tác động không nhỏ đến môi trường. Do đó, vấn đề bảo vệ nước mặt đi đôi với bảo vệ nước ngầm, khai thác nước sao cho tiết kiệm và hiệu quả cần được toàn xã hội quan tâm hơn cả về nhận thức và hành động. Việc triển khai thực hiện Dự án “Tăng cường Bảo vệ Nước ngầm tại Việt Nam” sẽ góp phần nâng cao nhận thức trong việc khai thác, sử dụng hiệu quả và phát triển bền vững tài nguyên nước của vùng. Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển mong rằng sau buổi lễ ký kết này, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia và Viện Liên bang Khoa học Địa chất và Tài nguyên liên bang (CHLB Đức) sẽ triển khai thực hiện hiệu quả Dự án, góp phần cải thiện việc tiếp cận nguồn nước sạch và thúc đẩy sự thích nghi với biến đổi khí hậu, đóng góp hữu ích cho công tác quản lý tổng hợp tài nguyên nước.

IMG_9966_re

Tại buổi lễ, trước sự chứng kiến của các đơn vị hữu quan, Đại diện Lãnh đạo Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia và đại diện Viện Liên bang Khoa học Địa chất và Tài nguyên liên bang đã ký kết thỏa thuận thực hiện Dự án “Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam”.

Một số hình ảnh tại buổi lễ:

IMG_9942_re

IMG_9949_re_dai_su_quan

IMG_9951_re

IMG_9936_re

(Hồng Nhung – NAWAPI)