Hội thảo tổng kết Dự án “Tăng cường năng lực quy hoạch và điều tra nước ngầm tại các khu đô thị Việt Nam” (IGPVN)

IMG_8043Sáng nay, ngày 16 tháng 5 năm 2014, tại TP. Hà Nội, được sự đồng ý của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (NAWAPI) phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên Liên bang Đức (BGR), CHLB Đức tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án “Tăng cường năng lực quy hoạch và điều tra nước ngầm tại các khu đô thị Việt Nam” (IGPVN). Đây là dự án hỗ trợ kỹ thuật nguồn vốn ODA do Chính phủ CHLB Đức tài trợ cho Chính phủ Việt Nam. Được sự đồng ý của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam và Bộ Liên bang về Hợp tác và Phát triển của CHLB Đức, Dự án IGPVN đã chính thức khởi động từ ngày 25 tháng 6 năm 2009, triển khai thực hiện trong gần 06 năm và kết thúc vào tháng 6 năm 2014.

TS. Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo, về phía Việt Nam, đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường có TS. Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện Lãnh đạo Cục Quản lý tài nguyên nước, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính; đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính; đến từ Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường có TS. Nguyễn Chí Công, Phó Tổng Giám đốc và đại diện các Ban, đơn vị trực thuộc, Dự án IGPVN; đến từ các tỉnh, thành phố – nơi Dự án IGPVN thực hiện có đại diện Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Quảng Ngãi, Sóc Trăng và các đơn vị hữu quan khác.

Về phía CHLB Đức, đến từ Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên Liên bang Đức (BGR) có TS. Arne Hoffmann – Rothe, Giám đốc Ban Hợp tác quốc tế khu vực Châu Á và Châu Đại Dương; bà Christiane Molt, Ban Hợp tác quốc tế khu vực Châu Á và Châu Đại Dương; ông Jens Boehme, Cố vấn trưởng Dự án IGPVN; các chuyên gia BGR, IGPVN; Bà Annette Frick, Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán CHLB Đức tại Hà Nội, Tham tán phụ trách các Dự án phát triển, Lãnh đạo các tổ chức GIZ, KfW và các phóng viên, nhà báo đến từ Kênh truyền hình Đài tiếng nói Việt Nam – VOVTV; Truyền hình Thông tấn, Thông tấn xã Việt Nam; Kênh truyền hình VTC10, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC; Báo Tài nguyên và Môi trường cùng tham dự.

IMG_7838

Dự án IGPVN được triển khai với mục tiêu tăng cường năng lực quản lý, quy hoạch, điều tra tài nguyên nước dưới đất và góp phần giảm thiểu sự suy giảm tài nguyên nước dưới đất ở Việt Nam. Trong 06 năm hoạt động, Dự án IGPVN đã đạt được nhiều kết quả to lớn: trang bị phương tiện đi lại và một số trang thiết bị phục vụ các hạng mục công việc của Dự án, các công việc chuyên môn của Trung tâm và các tỉnh trong vùng hoạt động của Dự án; tổ chức một số lớp học, đào tạo (cả trong và ngoài nước) về tiếng Anh, chuyên môn nghiệp vụ giúp nâng cao năng lực cán bộ Trung tâm, các đơn vị trực thuộc Trung tâm và các Sở Tài nguyên và Môi trường liên quan; hỗ trợ Trung tâm xây dựng một số Hướng dẫn kỹ thuật về quản lý, quy hoạch và điều tra tài nguyên nước dưới đất; tham gia một số hoạt động trong khuôn khổ các buổi lễ kỷ niệm Ngày nước thế giới tổ chức ở Việt Nam; tham gia và tiến hành một số chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng về Bảo vệ tài nguyên nước dưới đất cho người dân các tỉnh, thành phố trong vùng hoạt động của Dự án; xây dựng, phục hồi nâng cấp mạng quan trắc tự động nước dưới đất và mô hình số nước dưới đất để làm công cụ hỗ trợ quản lý, giám sát tài nguyên nước dưới đất ở một số tỉnh, thành phố trong phạm vi hoạt động của Dự án,…

IMG_7755

Thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đã gửi lời cảm ơn Chính phủ, Bộ Liên bang về Hợp tác và Phát triển CHLB Đức, Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên Liên bang Đức và các chuyên gia Đức đã tài trợ, giúp đỡ, cùng cộng tác thực hiện thành công Dự án; cảm ơn các ban ngành ở các địa phương đã giúp đỡ, tạo điều kiện và cộng tác trong suốt quá trình thực hiện Dự án. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai đề nghị Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên Liên bang Đức và các Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh trong vùng hoạt động của Dự án tiếp tục tăng cường hợp tác nhân rộng những kết quả đạt được ban đầu để nâng cao năng lực quản lý tổng hợp tài nguyên nước, góp phần giảm thiểu tình trạng suy thoái tài nguyên nước dưới đất ở địa phương.

IMG_7775

Tại Hội thảo, TS. Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc sự chỉ đạo rất sát sao của Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, sự giúp đỡ nhiệt tình từ các Vụ chức năng của Bộ chủ quản cũng như sự hỗ trợ của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và nhiều bộ ngành liên quan khác đã giúp đỡ Trung tâm thực hiện, hoàn thành tốt Dự án IGPVN. Có thể nói rằng, trong gần 06 năm thực hiện, Dự án IGPVN đã đạt được mục tiêu ban đầu đề ra là tăng cường năng lực quản lý, quy hoạch, điều tra tài nguyên nước dưới đất và góp phần giảm thiểu sự suy giảm tài nguyên nước dưới đất ở Việt Nam. Với những kết quả trên, Dự án đã góp phần nâng cao năng lực quản lý tổng hợp tài nguyên nước và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân địa phương ở các tỉnh trong vùng hoạt động của Dự án; Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã có sự chuyển hóa mạnh mẽ về nhận thức, năng lực, kinh nghiệm và vị thế của mình. Sau 05 năm kể từ khi thành lập, “Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước (CWRPI)” đã phát triển thành “Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (NAWAPI)”; mô hình tổ chức, cơ chế vận hành đảm bảo công tác quan trắc tài nguyên nước được thống nhất, xuyên suốt cũng đã được hình thành và đưa vào hoạt động một cách có hiệu quả; thương hiệu và uy tín của Trung tâm đang dần được khẳng định, một số đề án Chính phủ, Dự án lớn về lĩnh vực quy hoạch, điều tra, tìm kiếm nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội đã bước đầu được kỹ kết, triển khai thực hiện bởi Trung tâm. Thông qua dự án, TS. Tống Ngọc Thanh hy vọng rằng Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia và Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên Liên bang Đức sẽ không ngừng hợp tác để nâng cao năng lực quản lý tổng hợp tài nguyên nước, góp phần giảm thiểu tình trạng suy thoái tài nguyên nước dưới đất ở Việt Nam nói chung và ở từng địa phương nói riêng.

IMG_7807

IMG_7823

IMG_8012

Như đã biết, tài nguyên nước ngầm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống tự nhiên và xã hội, là nguồn cung cấp nước vô cùng quý giá cho dân sinh, mọi hoạt động sản xuất, dịch vụ. Song nguồn nước dưới đất tại Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ suy thoái, cạn kiệt. Trước thực trạng đó, CHLB Đức đã tiếp tục cam kết vốn không hoàn lại cho Chính phủ Việt Nam với mục tiêu là cải thiện, bảo vệ và quản lý nước ngầm ở các tỉnh ven biển. Tại Kỳ họp đàm phán về hợp tác phát triển bền vững Việt Nam – Đức năm 2013, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được lựa chọn làm nơi triển khai Dự án “Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam 2014 – 2016”. Dự án hướng đến mục tiêu giúp các cơ quan thẩm quyền quản lý tài nguyên nước cấp trung ương (MONRE / NAWAPI) và các tỉnh được lựa chọn tại Đồng bằng sông Cửu Long (các Sở TNMT / UBND) áp dụng những phương pháp tăng cường quản lý nước dưới đất dựa trên những kiến thức đầy đủ; dự kiến đến tháng 10 năm 2016 sẽ có 03 Hướng dẫn và đề xuất đối với công tác quản lý bền vững nước dưới đất theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia soạn thảo được đưa vào hệ thống pháp luật; các đề xuất đối với công tác quản lý bền vững nước dưới đất sẽ được Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia trình bày tại Sở Tài nguyên và Môi trường và Uỷ ban nhân dân các tỉnh được lựa chọn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; dự kiến đến tháng 10 năm 2016 sẽ có ít nhất 02 modul truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ nước dưới đất được Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia thiết lập và thể chế hóa. Ngoài việc tăng cường năng lực của các cơ quan liên quan, Dự án lần này sẽ góp phần cải thiện việc tiếp cận nguồn nước sạch và thúc đẩy sự thích nghi với biến đổi khí hậu.

IMG_8121

 (Hồng Nhung – NAWAPI)