Hội thảo bàn giao kết quả Dự án “Tăng cường năng lực quy hoạch và điều tra nước ngầm tại các khu đô thị ở Việt Nam” cho tỉnh Hà Nam

a_T_Ha_namSáng nay, ngày 11 tháng 4 năm 2014, tại tỉnh Hà Nam, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (NAWAPI), Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam tổ chức Hội thảo bàn giao kết quả thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực quy hoạch và điều tra nước ngầm tại các khu đô thị ở Việt Nam” (IGPVN) tại tỉnh Hà Nam. Đây là dự án hỗ trợ kỹ thuật nguồn vốn ODA do Chính phủ CHLB Đức tài trợ cho Chính phủ Việt Nam, được triển khai thực hiện từ tháng 6 năm 2009 và dự kiến kết thúc vào tháng 6 năm 2014.

TS. Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Ban quản lý Dự án IGPVN chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo, về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có đại diện Vụ Hợp tác quốc tế; TS. Vũ Thanh Tâm, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án IGPVN, Trưởng Ban Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, (NAWAPI); ông Jens Boehme, Cố vấn trưởng Dự án IGPVN và nhóm Kỹ thuật đến từ Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên Liên bang Đức (BGR); đại diện Lãnh đạo các Ban, đơn vị trực thuộc Trung tâm.

Về phía tỉnh Hà Nam có ông Vũ Hữu Song, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam; ông Đinh Xuân Thông, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam; đại diện Phòng Tài nguyên nước – Khoáng sản, Trung tâm Quan trắc, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam; đại diện các cơ quan, tổ chức liên quan, cơ quan quản lý tài nguyên nước các huyện trong tỉnh Hà Nam và các nhà báo đến từ Báo Tài nguyên và Môi trường, Báo Hà Nam cùng tham dự. 

jen

Mở đầu Hội thảo, ông Jens Boehme, Cố vấn trưởng Dự án IGPVN đã trình bày khái quát các hoạt động và kết quả của Dự án IGPVN tại Hà Nam. Ông Jens Boehme cho biết, tăng cường bảo vệ nước ngầm là một nhân tố thiết yếu cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Đây cũng là mục tiêu chính của Dự án Tăng cường Bảo vệ Nước ngầm tại Việt Nam (IGPVN). Ngày nay, quản lý bền vững nguồn nước ngầm thường được hiểu là một cấu phần của quá trình Quản lý tổng hợp Tài nguyên nước. Quá trình này dựa trên phương pháp cùng tham gia của người sử dụng, người lập kế hoạch và các nhà hoạch định chính sách ở các cấp. Dự án IGPVN ủng hộ cho tiến trình này thông qua việc thúc đẩy giao lưu hợp tác, trao đổi số liệu và mạch công tác giữa các cơ quan liên quan tới lĩnh vực nước. Thêm vào đó, Dự án còn tổ chức các các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về trách nhiệm sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước trong cộng đồng. Dự án IGPVN được tiến hành tại 5 tỉnh: Nam Định, Hà Nam, Hà Nội, Quảng Ngãi và Sóc Trăng. Một số vấn đề được xác định là mối quan tâm chính cho công tác quản lý tài nguyên nước ngầm tại Việt Nam và là tâm điểm của dự án IGPVN: nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn bởi sự xâm nhập của nước biển; ô nhiễm nước ngầm do nước thải công nghiệp và sinh hoạt; quản lý và đọc dữ liệu địa chất thủy văn và các dữ liệu liên quan sử dụng công nghệ GIS; cải thiện mạng lưới quan trắc; xác định các đới bảo vệ nước ngầm và giới hạn khai thác; phát triển chiến lược khai thác và sử dụng nước ngầm, phát triển bền vững tài nguyên nước ngầm.

Bước đầu, Dự án đã thành công với mô hình thí điểm tại tỉnh Nam Định và mở rộng hoạt động ra các tỉnh khác của miền Bắc và miền Nam Việt Nam trong đó có tỉnh Hà Nam. Được sự nhất trí của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia và Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam, Dự án IGPVN đã triển khai chương trình điều tra đánh giá hiện trạng ô nhiễm Asen trong nước giếng khoan (NGK) ở Hà Nam và hiệu quả loại Asen của bể lọc tại các hộ gia đình. Dự án IGPVN tiến hành điều tra Asen tại 09 xã thuộc 03 huyện trên địa bàn tỉnh; ghi tọa độ bằng máy định vị toàn cầu GPS, đo ghi các thông số hóa lý cơ bản của NGK bằng máy đo đa chỉ tiêu WTW 430i, đo ghi độ dẫn điện bằng máy đo độ dẫn WTW Cond 3110, xét nghiệm hàm lượng Asen trong NGK trước và sau khi lọc qua bể cát bằng bộ thử nhanh As test kit (Merch), thu thập một số thông tin liên quan đến giếng khoan, bể lọc và tình hình sử dụng nước. Sau khi hoàn thành chương trình điều tra thí điểm tại 03 xã, để tạo điều kiện cho Sở TNMT Hà Nam được chủ động trong công việc, Dự án IGPVN đã phê duyệt kế hoạch điều tra khảo sát mức độ ô nhiễm Asen trong NGK tại 06 xã thuộc 03 huyện (Lý Nhân, Kim Bảng, Duy Tiên) do Sở TNMT Hà Nam đề xuất. Đồng thời, trong quá trình triển khai, dự án IGPVN đã trang bị các thiết bị kỹ thuật phục vụ điều tra cũng như tiến hành tập huấn cách thức sử dụng thiết bị, hỗ trợ toàn bộ kinh phí thực hiện chương trình điều tra và hỗ trợ thiết bị cho Sở TNMT Hà Nam.

Tại Hội nghị, ông Cố vấn trưởng của Dự án IGPVN nhận định, nước dưới đất trong phạm vi tỉnh Hà Nam tồn tại trong các tầng chứa nước chính: tầng chứa nước Holocen trên (qh2), tầng chứa nước Holocen dưới (qh1), tầng chứa nước Pleistocen (qp), tầng chứa nước Neogen (n2), tầng chứa nước khe nứt, khe nứt – karst trong các trầm tích Trias giữa, hệ tầng Đồng Giao (T2). Các tầng chứa nước nhìn chung đều có đặc tính thuỷ hoá phức tạp, nước mặn và nhạt biến đổi theo cả phương ngang và phương thẳng đứng. Tại tỉnh Hà Nam, nhiều mẫu NGK trước lọc có hàm lượng Asen vượt tiêu chuẩn nước uống, phân bố Asen trong NGK theo chiều sâu và tài nguyên nước dưới đất ở Hà Nam là hữu hạn. Vì vậy, địa phương cần sử dụng tài nguyên nước một cách cẩn trọng và có kế hoạch sử dụng hợp lý, bảo vệ tài nguyên nước.

TS_Hanh

 

Tại Hội thảo, TS. Hoàng Thị Hạnh, Chuyên gia Dự án IGPVN đã trình bày tổng quan về tình hình ô nhiễm Asen trong NGK ở Hà Nam và hiệu suất loại Asen bằng bể lọc quy mô hộ gia đình. TS. Hoàng Thị Hạnh cho biết, trước năm 1990, người dân Hà Nam chủ yếu sử dụng nước mặt (ao, hồ, giếng đào) để phục vụ nhu cầu ăn uống và sinh hoạt. Tuy nhiên, nguồn nước mặt dần bị ô nhiễm bởi vi sinh vật, chất thải sinh hoạt và không đảm bảo an toàn để sử dụng. Từ đầu những năm 90, được sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, người dân Hà Nam đã bắt đầu khoan giếng lấy nước dùng cho sinh hoạt thay thế nguồn nước mặt đã bị ô nhiễm, số lượng giếng khoan ngày một tăng, NGK được sử dụng cho mọi sinh hoạt của người dân, kể cả ăn uống. Cho đến đầu những năm 2000, khi kết quả khảo sát bước đầu cho thấy nước ngầm vùng Đồng bằng sông Hồng bị ô nhiễm mà đặc biệt là nước ngầm ở tỉnh Hà Nam có mức độ nhiễm Asen (As) nặng nhất, người dân đã hạn chế ăn uống bằng NGK. 


Như chúng ta đã biết, nguyên tố Asen có mặt rộng rãi trong các hợp phần môi trường do kết quả của các quá trình tự nhiên cũng như xuất phát từ các nguồn nhân sinh và Asen phân bố rộng rãi trong vỏ trái đất. Thông thường hàm lượng Asen cao trong nước dưới đất được giải phóng từ quá trình hòa tan các khoáng vật (oxy)hydroxit sắt trong điều kiện khử vốn là những khoáng vật hình thành tự nhiên trong tầng chứa nước. Asen từ lâu được biết đến là một nguyên tố không thiết yếu có thể dùng làm chất độc, có ảnh hưởng dài kỳ đối với sức khỏe con người. Ô nhiễm Asen vô cơ trong tầng chứa nước đã trở thành thảm họa ở nhiều vùng trên thế giới và hàm lượng Asen trong nước dưới đất vùng Đồng bằng sông Hồng của Việt Nam đã đến mức độ cảnh báo. Một cuộc khảo sát ngẫu nhiên hàm lượng Asen trong NGK tại 12 tỉnh thành ở Việt Nam cho thấy Hà Nam là một trong những vùng bị nhiễm Asen nặng ở vùng Đồng bằng sông Hồng, 52% giếng khoan được khảo sát có hàm lượng Asen vượt tiêu chuẩn quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 0.01mg/L. Asen được phát hiện thấy trong nước dưới đất ở tất cả các huyện của Hà Nam với hàm lượng cao thấp khác nhau, gây trở ngại cho việc khoanh vùng ô nhiễm và triển khai các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm. Dựa trên những tài liệu, số liệu mà dự án IGPVN đã có cho thấy tình trạng ô nhiễm Asen trong NGK chủ yếu tập trung tại các xã thuộc huyện Lý Nhân, Kim Bảng và Bình Lục. 


Trước thực trạng đó, biện pháp giảm thiểu ô nhiễm Asen trong NGK ở Hà Nam là sử dụng bể lọc. Bởi hầu hết các bể lọc có thể loại tới 80% hàm lượng Asen có trong NGK. Bể lọc nước thường được xây dựng đồng thời với giếng khoan, vật liệu lọc phổ biến là cát đen, cát vàng, cuội sỏi. Một số mô hình bể lọc Asen tiêu chuẩn đã được thiết kế và triển khai thí điểm trên địa bàn tỉnh Hà Nam: mô hình của Viện THLĐ&VSMT phối hợp với Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn thiết kế, mô hình của Trung tâm Thông tin – Kinh tế tài nguyên nước (DWRM) thiết kế. Với mô hình này, bể lọc có thêm một lớp gạch non vốn là vật liệu rẻ tiền, sẵn có tại địa phương, nhằm gia tăng hiệu suất loại Asen của bể lọc. Nhờ nguồn kinh phí tài trợ từ các dự án, một số hộ gia đình đã được lắp đặt thiết bị lọc nước. Ngoài bể lọc là thiết bị phổ biến nhất để lọc bỏ Asen khỏi nước giếng, người dân Hà Nam cũng sử dụng các thiết bị lọc nước khác như cột lọc hấp thụ – trao đổi ion, máy lọc nước bằng màng lọc. 


Các bể lọc điều tra ở Hà Nam được chia thành ba nhóm dựa trên các loại vật liệu lọc được sử dụng nhằm đánh giá sự phụ thuộc của hiệu suất xử lý và cấu tạo của bể lọc: bể lọc chỉ chứa cát, sỏi; bể lọc chứa cát, sỏi và có thêm than hoa; bể lọc chứa cát, sỏi và có thêm dàn phun mưa. Trên thực tế, hiệu suất xử lý Asen của các nhóm bể lọc này có sự khác biệt không đáng kể. Bể lọc chỉ chứa cát, sỏi hoàn toàn có thể xử lý tốt Asen và đạt hiệu suất xử lý cao không thua kém các bể lọc có thêm than hoa hoặc dàn phun mưa. 


Có thể nói, các nỗ lực thực hiện giảm thiểu ô nhiễm Asen trong nước ngầm ở Hà Nam trong khuôn khổ các đề tài, dự án đã triển khai vẫn chỉ là những giải pháp tình thế, mang tính chất khắc phục tạm thời. Về lâu dài, Hà Nam cần giải quyết vấn nạn ô nhiễm Asen trong nước dưới đất một cách triệt để, đồng bộ, bền vững thông qua việc xây dựng các trạm cấp nước tập trung để đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch, an toàn cho đời sống và sản xuất. 

ky_hn

Tại Hội thảo, trước sự chứng kiến của các đơn vị hữu quan, Đại diện Lãnh đạo Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia và Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ, làm căn cứ để Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam tiến hành thực hiện theo Biên bản bàn giao các thiết bị, tài liệu báo cáo của tỉnh Hà Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam. Sau khi hai bên ký Biên bản ghi nhớ, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, sử dụng các thiết bị, sản phẩm từ ngày bàn giao theo quy định của Thông tư số 19/TT-BTNMT ngày 18 tháng 7 năm 2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Kinh phí vận hành, bảo trì các thiết bị trên do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam lập kế hoạch từ nguồn ngân sách của tỉnh Hà Nam. 

a_T_Ha_nam

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết, nước dưới đất ở Hà Nam là nguồn nước có trữ lượng khá dồi dào, có thể khai thác phục vụ các nhu cầu của con người. Tuy nhiên, Hà Nam là một tỉnh có mức độ ô nhiễm Asen nghiêm trọng bậc nhất ở Việt Nam. Vì vậy, việc loại bỏ Asen trong NGK ở Hà Nam là việc làm tối cần thiết. Những kết quả mà dự án IGPVN đã thực hiện được tại tỉnh Hà Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác bảo vệ tài nguyên nước tại địa phương. TS. Tống Ngọc Thanh mong rằng, trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam sẽ có sự phối hợp trong quy hoạch, bảo vệ tài nguyên nước; thường xuyên tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của tài nguyên nước; nâng cao nhận thức của người dân về hiện trạng chất lượng nguồn nước, cách theo dõi, kiểm tra chất lượng nguồn nước, khả năng giảm thiểu ô nhiễm Asen thông qua bể lọc hộ gia đình, cách dử dụng an toàn và hợp lý nguồn nước ngầm bị nhiễm Asen để các kết quả mà dự án mang lại đến được với đời sống của người dân; đồng thời tăng cường công tác quy hoạch, đánh giá và bảo vệ tài nguyên nước ngầm tại địa phương để đem lại nguồn nước an toàn cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội.

GD_STNMT_Ha_Nam

 

Thay mặt ngành TN&MT tỉnh Hà Nam, ông Vũ Hữu Song, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam bày tỏ niềm vinh dự khi Hà Nam được chọn làm nơi thực hiện của Dự án IGPVN, ghi nhận các kết quả mà Dự án đã thực hiện được cho ngành TN&MT tỉnh và trân trọng cảm ơn Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Dự án IGPVN, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã làm việc tận tình đem lại thành công của Dự án. Dự án đã hỗ trợ các giải pháp bảo vệ nước dưới đất, tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước ngầm của các hộ gia đình làm cơ sở để Sở TN&MT Hà Nam tham mưu cho UBND tỉnh Hà Nam trong việc quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước. Ông Vũ Hữu Song, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nam hy vọng trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Dự án IGPVN nhằm nâng cao năng lực quản lý tài nguyên nước nói chung và quản lý tài nguyên nước dưới đất nói riêng trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Đồng thời, Sở TN&MT Hà Nam cam kết sau khi được tiếp quản cơ sở trang thiết bị và tài liệu Dự án tăng cường năng lực bảo vệ tài nguyên nước tại Việt Nam cung cấp, Sở TN&MT Hà Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương, đơn vị để đảm bảo phát huy hiệu quả cao nhất các kết quả mà dự án IGPVN đã đạt được, phục vụ đắc lực cho công tác đánh giá và quản lý tài nguyên nước ngầm trên địa bàn tỉnh. 

tc_ha_nam

(Hồng Nhung – NAWAPI)