Dự án IGPVN: Sự hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và CHLB Đức trong vấn đề phát triển và bảo vệ nguồn tài nguyên nước ngầm P1

DL42LTS: Từ nhiều thập kỷ nay, Việt Nam và CHLB Đức có mối quan hệ hợp tác song phương truyền thống tốt đẹp, đóng góp tích cực cho việc công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Từ năm 1990 đến nay Đức đã cam kết viện trợ phát triển ODA cho Việt Nam lên tới gần 2 tỷ Euro. Trong đó, hỗ trợ Tăng trưởng xanh thông qua các hoạt động bảo vệ môi trường và khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt tài nguyên nước, đang là những ưu tiên hàng đầu các chương trình hợp tác.

Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (TTQH&ĐT TNN QG) được thành lập năm 2008. Từ năm 2009, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia được giao phối hợp với Viện BGR thực hiện dự án ODA hỗ trợ kỹ thuật đến nay thực hiện trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: từ năm 2009 đến 2012, giai đoạn 2: từ năm 2012 đến 2014, giai đoạn 3: từ năm 2015 đến năm 2017. Trong suốt quá trình hoạt động, dự án đã đạt được những thành công đáng kể trong công tác bảo vệ và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước ngầm ở Việt Nam.

DL41

Cuộc thi vẽ tranh do IGPVN tổ chức

Trong giai đoạn 1 và 2, Dự án “Tăng cường năng lực quy hoạch và điều tra nước dưới đất tại các khu đô thị (IGPVN)” đã nhất trí lựa chọn 5 tỉnh Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Quảng Ngãi và Sóc Trăng sẽ là những vùng trọng tâm hoạt động của dự án. Đây là những tỉnh có nhiều vấn đề nổi cộm về nước dưới đất như: suy giảm mực nước, chất lượng nước do khai thác quá mức và do các hoạt động do con người gây ra; xâm nhập của nước mặn do điều kiện tự nhiên và nước biển dâng; sụt lún đất do khai thác. Được sự ủy nhiệm của Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Cộng hoà Liên bang Đức (BMZ) và Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (MONRE), ngày 25 tháng 6 năm 2009, đại diện của hai đơn vị chính thực hiện Dự án là Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên thiên nhiên (BGR) và Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã tổ chức ký kết Biên bản Thỏa thuận Thực hiện Dự án trong sự chứng kiến của đại diện Đại sứ quán CHLB Đức, Bộ TNMT và nhiều cơ quan báo chí. Đây là sự kiện chính thức khởi đầu các hoạt động của dự án, là kết quả của quá trình hợp tác, chuẩn bị và xây dựng các tài liệu pháp lý liên quan trình các cơ quan có thẩm quyền của hai nước phê duyệt.

DL39

Với mục tiêu tổng quát nhằm góp phần tăng cường bảo vệ nước dưới đất ở Việt Nam và mục tiêu cụ thể là nâng cao năng lực điều tra tổng hợp và quản lý tài nguyên nước dưới đất cho các đơn vị thực hiện và tham gia dự án ở các tỉnh Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Quảng Ngãi và Sóc Trăng. Trong suốt quá trình thực hiện, dự án đã đạt được các kết quả đáng chú ý như sau: Cơ sở kỹ thuật và trang thiết bị điều tra, đánh giá và quản lý tài nguyên nước dưới đất của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cùng các đơn vị trực thuộc và 5 Sở Tài nguyên và Môi trường trong vùng dự án đã được tăng cường; Năng lực cán bộ Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước cùng các đơn vị trực thuộc và các Sở Tài nguyên và Môi trường tại 5 tỉnh dự án được nâng cao: Dự án đã tổ chức một số lớp học, đào tạo (cả trong và ngoài nước) về Tiếng Anh, ArcGIS, Mô hình GMS, Thủy địa hóa, Giải đoán thông số bơm thí nghiệm, thí nghiệm nhanh hiện trường Slug Test xác định một số thông số địa chất thủy văn, Khoanh đới Bảo vệ nước dưới đất; Dự án đã hỗ trợ Trung tâm xây dựng một số văn bản kỹ thuật trong lĩnh vực tài nguyên nước dưới đất: Hướng dẫn về giám sát tài nguyên nước dưới đất; Hướng dẫn kỹ thuật về phân định vùng bảo hộ cho các công trình khai thác nước dưới đất; Xây dựng và nâng cấp mạng quan trắc; Xây dựng mô hình số địa chất thủy văn và nước ngầm phục vụ công tác quản lý ở địa phương. (còn nữa)

(Thanh Sơn)