Việt Nam đề nghị hoãn xây đập Xayaburi 10 năm

Đại diện Ủy ban sông Mekong Việt Nam cho biết, trong phiên họp cấp bộ trưởng vào tháng 11 tới, Việt Nam sẽ đề nghị Lào trì hoãn xây dựng đập Xayaburi trong 10 năm để có nghiên cứu đầy đủ hơn.

Trước đó, tại cuộc họp hôm 19/4 của Uỷ hội sông Mekong (MRC), các nước đi đến nhất trí sẽ đưa vấn đề Xayaburi lên cấp bộ trưởng vào tháng 11 tới. Việt Nam và Campuchia đều khẳng định rằng, cần có nghiên cứu về kỹ thuật, những tác động môi trường và sinh kế của người dân từ dự án đập Xayaburi một cách cụ thể hơn.

tt617

Vị trí dự án đập Xayaburi trong khu vực hạ Mekong. Đồ họa: NYT

“Bên cạnh nội dung đề nghị trì hoãn việc xây dựng đập trong 10 năm, Việt Nam cũng đang đề nghị phía Lào tiếp tục cung cấp tài liệu để có nghiên cứu đầy đủ hơn”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kiêm Chủ tịch Ủy ban sông Mekong Việt Nam Phạm Khôi Nguyên cho biết. “Đồng thời, Việt Nam cũng đề nghị mời các tổ chức quốc tế phối hợp nghiên cứu”, ông nói thêm.

Cũng theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, qua nhiều hội nghị tham vấn, các chuyên gia và nhà quản lý của các nước thuộc Ủy hội sông Mekong (MRC) đã cho thấy sự quan ngại về dự án đập Xayaburi ảnh hưởng tới môi trường và sinh kế của hàng triệu người dân, trong đó có Việt Nam.

“Đập Xayaburi xây dựng tạo tiền lệ cho 11 đập thủy điện khác được xây dựng, nếu tất cả đập thủy điện đều được khởi công mà chưa đánh giá hết tác động, ảnh hưởng tới môi trường và sinh kế của người dân trong lưu vực sông nói chung và với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng thì hậu quả sẽ rất lớn”, ông Nguyên nhấn mạnh.

tt618

Đánh bắt cá trên sông Mekong. Ảnh: NYT.

Theo tiến sĩ Đào Trọng Tứ, nguyên phó Tổng thư ký mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), đập Xayaburi được xây dựng sẽ không mang đến bất kì lợi ích nào cho Đồng bằng sông Cửu Long, mà còn đe dọa trực tiếp đời sống của 20 triệu dân và ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia cũng như khu vực.

“Tất cả 12 bậc thang thủy điện dự kiến là các thủy điện không điều tiết, chỉ phục vụ duy nhất một mục đích là phát điện, không có tác dụng điều hòa nguồn nước, giảm lũ mùa mưa và tăng dòng chảy mùa khô”, ông Tứ nói.

Tiến sĩ Tô Văn Trường, chuyên gia về thủy lợi cho hay, việc xây đập sẽ ảnh hưởng lớn đến Việt Nam và trực tiếp đến người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Bởi nguyên tắc các hồ có dung tích lớn, càng gần Việt Nam như Sambor và Stung Treng (Campuchia) thì tác động càng nhiều đến môi trường sinh thái ở đồng bằng sông Cửu Long, kể cả đa dạng sinh học.

“Khi xây dựng 12 bậc thang sẽ phải phá rừng nhiều, lắng đọng phù sa trong lòng hồ, tác động đến thủy sản, thay đổi chế độ dòng chảy gây xói lở hạ lưu”, ông Trường nói thêm.

Theo ước tính của các chuyên gia, số lượng phù sa Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ giảm từ 26 triệu tấn/năm xuống còn khoảng 7 triệu tấn/năm. Ngoài ra còn làm giảm số lượng các loài cá, ảnh hưởng đến các loài thủy sản và sự đa dạng sinh học của khu vực này.

Xayaburi ở phía bắc Lào, là dự án đầu tiên trong tổng số 12 công trình dự kiến sẽ được xây dựng trên dòng chính của Mekong, con sông lớn đầy phù sa và cá, chảy từ Trung Quốc qua 4 quốc gia vùng hạ Mekong gồm Thái, Lào, Campuchia và Việt Nam.

 

 

(Theo vnexpress.net)